Con mèo đen ở machiya

Mùa hè đi qua, năm nào quay trở lại sau kỳ nghỉ tôi cũng thấy ai đó cùng phòng đã len lén nhét con mèo vào ngăn kéo hoặc dồn nó ra sau màn hình vi tính cho khuất mắt. Tôi thương con mèo, mua hẳn một cái rổ để nó ngồi. Sau kỳ nghỉ tiếp đó, cả rổ lẫn mèo chui tọt vào tận… trên nóc tủ, báo hại tôi mãi mới tìm ra.

Trong chuyến đi đầu năm quay lại Kyoto, tôi ngủ đêm trong một cái machiya – nhà cổ của Nhật. Nhà dù trùng tu giữ nguyên kiến trúc truyền thống, nhưng để phục vụ du lịch nên giống như nhiều machiya khác, phòng ngủ cách tân, thay vì nằm trên sàn thì có hẳn hai cái giường to cho khách. Tôi quyết tâm không đầu hàng, hì hục kéo đệm từ trên giường xuống sàn để tầm mắt khi nằm ở ngang hàng với góc để bình hoa, vốn là nơi trang trọng nhất trong một căn machiya truyền thống. Vần được cái đệm ra ngoài thì đập vào mắt tôi trên mặt lò xo khung giường là một tấm ảnh nhỏ có in hình một con mèo đen đang cong đuôi nhìn thẳng vào mặt người đối diện, đằng sau chủ nhà ký tên và vẽ một cái “smiley” (mặt cười). Tôi mừng như gặp lại bạn cũ.

Những trải nghiệm của tôi với nước Nhật hầu hết đều na ná giống nhau ở những sự ẩn ý nhẹ nhàng và ý nhị như vậy, hệt như hai kẻ thầm yêu nhau nhưng kẻ này nhờ hoa bưởi, kẻ kia nhờ khăn thêu nói hộ tấm lòng. Hẳn nhiên, ai cũng có quyền tò mò ép tôi giải thích tại sao lại cứ tự gắn mình với con mèo đen, vốn được coi là điềm gở. Thật ra, tên chị đối tác của tôi là Shaiwase, nghĩa là may mắn, mèo đen ở Nhật cũng có nghĩa là may mắn, sự khởi đầu cho công việc của hai chúng tôi cần một lời chúc may mắn, và vì chị Shaiwase thấy tôi lúc đó chưa có bạn trai nên tặng con mèo đen để thầm chúc tôi mau có nhiều kẻ cò cưa mà còn chọn lựa. Một món quà nhỏ thôi mà chồng chéo ba bốn lớp nghĩa.

Thành một thói quen, mỗi lần chạm vào văn hóa Nhật là tôi lại vắt óc tìm ra những ẩn ý gần gũi hoặc xa xôi. Như trong căn nhà machiya này chẳng hạn, cái lọ đựng trà được dán quanh một lần giấy hoa, nếu để ý kỹ sẽ thấy chủ nhân đã cất công bóc ra dán lại mỗi lúc giao mùa, vì sắc hoa đào ume đặc trưng cho mùa đông lạnh giá. Cửa vào phòng uống trà là một ô vuông nhỏ và thấp, chủ và khách ai cũng phải khom mình chui vào, mục đích là để cái tôi sĩ diện lại bên ngoài, chỉ còn sự khiêm tốn, chân thành đi theo vào căn phòng nơi mỗi chén trà là một lần thanh lọc tâm hồn. Nhìn lên trần nhà, tôi có thể thấy chỗ ngồi của mình đã được cố tình sắp xếp dưới thanh xà vắt ngang cao hơn hẳn góc để bình hoa nơi chủ nhà ngồi, với ẩn ý khách là kẻ được trọng vọng.

Những trải nghiệm của tôi với nước Nhật hầu hết đều na ná giống nhau ở những sự ẩn ý nhẹ nhàng và ý nhị như vậy, hệt như hai kẻ thầm yêu nhau nhưng kẻ này nhờ hoa bưởi, kẻ kia nhờ khăn thêu nói hộ tấm lòng.
Người Nhật giống người Việt ở nét văn hóa cộng đồng, nhưng khác với tính xởi lởi hòa đồng của người Việt, văn hóa Nhật mang tính ốc đảo, rất gần với sự hướng nội của các sắc dân đảo khác như người Anh chẳng hạn. Chính vì vậy, lời mời bước chân vào trong một căn nhà Nhật cũng là lời ngỏ của một nấc thang tin cẩn. Hãy để ý xem chủ nhà sắp xếp cho bạn ngồi đâu, bởi những lớp cửa giấy mỏng tang trong machiya có thể thoắt ẩn thoắt hiện như một cách để người Nhật ý tứ nói với bạn rằng bạn đang ở tầng bậc thứ mấy của soto – người ngoài.

Rất khó để một soto trở thành uchi, rất khó để một người ngoài trở thành người một nhà. Văn hóa cộng đồng và tâm tính ốc đảo đã khiến người Nhật vẽ lên những đường ranh giới ở khắp nơi trong cuộc sống của mình. Đó không chỉ là ranh giới giữa người mình và người ngoài, giữa nam và nữ, giữa cao và thấp, giữa đúng và sai với một tôn ti trật tự gần như hà khắc. Đó còn là những ranh giới tỉ mỉ như lằn ngăn cách giữa hành lang và phòng khách hay giữa nhà vệ sinh và bậc cửa – nơi ba đôi dép khác nhau được sử dụng. Sự thiếu hụt những lằn ranh giới tưởng chừng như quá nhỏ ấy lại chính là lý do khiến một dự án nhà căn hộ ở Kyoto không bán được nhanh như dự kiến. Cùng với cách nhìn tương tự, những căn nhà kiểu Anh với máy giặt được nối liền một khối với tủ bếp cũng khiến khách hàng người Nhật băn khoăn vì ranh giới giữa đồ ăn sạch sẽ và quần áo bẩn thỉu bị phá vỡ.

Vì tôi biết rất khó để trở thành một uchi, nên mỗi lần giao tiếp hoặc bước chân vào căn nhà một gia đình người Nhật, tôi luôn cảm thấy như mình đang trải qua những cuộc sát hạch nhỏ. Những cánh cửa machiya và những cánh cửa tâm hồn của người Nhật vừa mong manh dễ vỡ, vừa ẩn ý với bao nhiêu lớp lang ngữ nghĩa.

Shaiwase và tôi từ hồi đó vẫn giữ liên lạc thường xuyên, những email không có gì thay đổi, thậm chí những chủ đề hỏi thăm gần như lặp lại một cách nhàm chán. Dường như chẳng có gì thay đổi giữa chúng tôi bao năm qua, trừ việc trong một email, Shaiwase đã ý nhị nhắc đến tôi với một từ khác hẳn hồi đầu gặp nhau: uchi no mono (người mình).

Chạm tay vào tâm hồn người Nhật là thành tâm tôn trọng những giá trị Nhật, để sau đó có thể giải mã những thông điệp ẩn dụ, và mở ra những cánh cửa, những ranh giới, những đường biên hữu hình và vô hình. Giữa những lớp lang cửa giấy của căn machiya tối hôm ấy, nếu như trong đầu tôi không có cái ước muốn kiểu thân lừa ưa nặng là phải vật vã khiêng cái nệm nặng trịch để nằm ngủ trên sàn cho tầm mắt đúng tầm hoa, thì làm sao một kẻ chuyên vất vưởng đường xa như tôi có thể tìm thấy món quà bất ngờ mang tên may mắn, không biết vô tình hay hữu ý, nằm lặng lẽ giấu mình trên khung sắt?

  Bài & ảnh: Phương Mai

logo


From the same category