Con lai thời thượng

Xin được mở đầu bài viết bằng câu trả lời của ông hoàng thời trang đương đại Karl Lagerfeld trên tờ New York Times năm 2008 khi được hỏi thời trang liệu có phải là nghệ thuật hay không. Karl đã trả lời một cách thẳng tưng rằng thời trang là thời trang, nghệ thuật là nghệ thuật. Thời trang không phải là nghệ thuật. Và cũng chính bởi vậy, nó mới có những cuộc liên minh, hợp tác với nghệ thuật. Chuyên trang How to spend it của tờ Financial Times tán đồng với ý kiến đó bằng nhận xét, ngày càng nhiều nhà thiết kế tìm đến các viện bảo tàng, các phòng trưng bày nghệ thuật để tìm cảm hứng.

Điều này thì không ai có thể phủ nhận ở cả quá khứ và hiện tại. Thập niên 20 của thế kỉ 20, thời trang gắn liền với người đàn bà huyền thoại Coco Chanel. Phải nói ngay rằng, người đàn bà của Little Black Dress (Chiếc váy đen huyền thoại) này có rất nhiều người bạn thân thiết, thậm chí cả người tình, là những gương mặt đầy ảnh hưởng trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ như danh hoa Picasso, Dali, nhà soạn nhạc lgor Stravinsky… Thế nên không có gì lạ khi Chanel đưa vào thời trang không ít các ý tưởng bắt nguồn từ nghệ thuật. Bà cũng nổi tiếng “mát tay” khi thiết kế trang phục cho một loạt vở ballet của Serge Diaghilev và cả Jean Cocteau với vở Antigone và Orphée.

Bộ đầm của Elsa Schiaparelli nổi bật với bức họa tôm hùm của danh họa Dali.

Elsa Schiaparelli, một nhà thiết kế đầy ảnh hưởng trong lịch sử thời trang cũng chẳng phải ngoại lệ. Elsa Schiaparelli mệ hội họa và cũng nổi tiếng trong lịch sử thời trang bởi mối quan hệ hợp tác với danh họa Dali. Suốt thập niên 30, thời trang rung động bởi những bức hoa của Dali trên những bộ đầm do Elsa Schiaparelli thiết kế. Cho đến nay, dù Elsa Schiaparelli đã đi vào cõi vĩnh hằng thì bộ đầm thiết kế đơn giản trên chất liệu lụa trắng nổi bật với hình con tôm hùm vẫn là một phần đặc biệt thú vị trong cuốn biên niên sử của ngành thời trang.

Yves Saint Laurent lại là cái tên rất đặc biệt trong mối quan hệ cộng sinh của sáng tạo này. “Thánh” Laurent mê nghệ thuật nhường nào thì không ai còn lạ gì, bộ sưu tập của ông giá trị và bề thế ra sao thì cũng xin miễn bàn. Chỉ biết rằng, với Yves Saint Laurent, nghệ thuật luôn được coi là chất xúc tác tuyệt vời để ông tạo ra những tác phẩm kinh điển. Nếu bạn là một tín đồ thời trang đúng nghĩa thì chắc hẳn bạn chẳn lạ gì chiếc váy có tên Mondrian. Nó nằm trong bộ sưu tập Haute Couture trình làng năm 1965. Về nguồn gốc, nó lấy cảm hứng từ những ô màu trừu tượng của danh họa thuộc trường phái tân tạo hình Piet Mondrian. Thú vị ở chỗ, nó đã khuấy đảo và chinh phục các quý bà sành sỏi Âu Mỹ suốt thập niên 60 và cho đến tận bây giờ Mondrian vẫn là thứ vô cùng hấp dẫn của thời trang đương đại.

 

Nhắc đến mối lương duyên giữa xa xỉ và nghệ thuật thì càng không thể không nhắc đến cái tên Louis Vuitton. Có lẽ cho đến nay, một trong những thành công vĩ đại nhất cua Marc Jacobs khi gia nhập đế chế này là làm mới những giá trị của nhãn hiệu bằng việc bắt tay với các nghệ sĩ đương đại. Cũng sẽ không ngoa khi nói Louis Vuitton là cái tên mở đầu cho trào lưu kết duyên với các nghệ sĩ đương đại của các nhãn hiệu xa xỉ trong thế kỉ 21. Năm 2001, chính nhờ thương vụ hợp tác với nghệ sĩ đường phố Stephen Sprouse mà những chiếc túi in logo chữ graffiti như một cơn địa chấn làm rúng động những tín đồ thời trang. Còn năm 2003, bản hợp đồng kí kết với họa sĩ đương đại Nhật Bản Takashi, Murakami đã biến những họa tiết monogram LV trở nên tươi mới và sống động đến không ngờ với 33 gam màu sặc sỡ, và đem lại một doanh thu thuộc hàng “khủng”: 300 triệu USD.

Người ta có thể kể ra một loạt những mối duyên khác ở thời hiện tại như nhãn hiệu xứ Scotland Pringle với nghệ sĩ Hans Ulrich Obrist, niềm tự hào của thời trang Anh quốc Mulberry với nhóm Fred… Và trong các thương vụ đó, chính sự tương đồng về khía cạnh sáng tạo giữa xa xỉ và nghệ thuật đã mang đến những “đứa con lai” mới mẻ, thời thượng và quyến rũ đến không ngờ.

Bài: Vân Anh
Theo Sành điệu

From the same category