Mới đây, Britney Spears, từng được mệnh danh là công chúa nhạc pop, xông vào một
The Beatle |
tiệm cắt tóc và yêu cầu “cạo trọc cho tui” trước sự sửng sốt của mọi người. Khi thợ từ chối, cô tự lấy dao và cạo đầu mình (theo nguồn tin của tờ US Magazine). Cạo đầu xong, Britney còn ghé hiệu xăm để xăm mình!
Robbie Williams, ca sĩ solo có đĩa bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Anh quốc, đã không thể tham dự lễ trao giải Brit Awards vì phải vào trại cai nghiện. Robbie không thể dừng việc sử dụng thuốc trầm cảm.
Cuộc chơi với danh tiếng hình như gắn liền với các chất gây nghiện. Nhưng với làng nhạc, chuyện các ngôi sao bị trầm cảm, sử dụng thuốc quá liều… chỉ là phụ bởi toàn bộ bộ máy “siêu sao” mà ngành công nghiệp âm nhạc dày công xây dựng đang dần tan chảy.
Từ Elvis Presley cho đến Eminem, trong 50 năm qua, làng nhạc đã đưa ra nhiều nhân vật biểu tượng, có ảnh hưởng trên toàn thế giới và âm vang của họ dĩ nhiên là vượt xa làn sóng radio. Âm nhạc, hình ảnh, thời trang và cá tính của họ đã góp phần định hình thời đại mà họ sống, từ Bob Dylan, the Beatles, the Rolling Stones, Elton John, Led Zeppelin, Bob Marley, Bruce Springsteen, U2, Michael Jackson, Madonna. Với những gương mặt này, bạn không cần phải thích nhạc của họ mới biết họ là ai hay cảm nhận được ảnh hưởng của họ.
Thế nhưng gần đây, làng nhạc bắt đầu chật vật, doanh số băng đĩa sút giảm, thị trường âm nhạc quốc tế bị phân hóa mạnh, sự trỗi dậy của nhạc kỹ thuật số lan truyền trên Internet, đã khiến nhiều người băn khoăn: “phải chăng thời của các siêu sao âm nhạc đã chấm dứt?”
Các hãng đĩa lớn phải sáp nhập, cắt giảm chi tiêu và thường xuyên đưa ra các cảnh báo về lợi nhuận sút giảm; hiện chỉ còn 4 “ông lớn” là Universal, SonyBMG, Warners và EMI. Vấn đề không chỉ là do sự ra đời một phương pháp phân phối âm nhạc mới hay tệ nạn băng đĩa lậu mà quan trọng hơn là do sự thay đổi của cả nền văn hóa nghe nhìn, tác động đến việc âm nhạc sẽ được thưởng thức, nói nôm na là tiêu thụ, như thế nào.
Năm rồi, kênh BBC phải đóng cửa chương trình Top of the Pops sau 40 năm tồn tại bởi lượng người xem sút giảm nghiêm trọng. Giờ đây, sự tập trung vào văn hóa pop đã không còn nữa, không đài phát thanh, tạp chí âm nhạc hay chương trình truyền hình nào có thể định hình, thậm chí là phản ánh được thị hiếu âm nhạc của người nghe hiện tại. Internet mở ra một kho tàng khổng lồ, chiều chuộng mọi khẩu vị âm nhạc, mọi độ tuổi. Mọi người sẽ nghe cái mà riêng mình thích, chép vào máy iPod và không phải nghe bất cứ gì mà mình không muốn, kiểu như phải nghe hàng giờ phát thanh mới có được vài bài mình thích.
Britney Spears |
Robbie Williams |
Michael Jackson |
Ví dụ như trường hợp của nhóm Arctic Monkeys. Nhiều người cho rằng năm ngoái là năm của nhóm nhạc này bởi họ có album đầu tay bán chạy nhất mọi thời đại, chiếm 2 giải Brit Awards và là gương mặt xếp đầu trong danh sách tham dự nhạc hội Glastonbury năm nay. Nhưng liệu bạn có nhận ra họ nếu gặp trên đường phố? Nhóm vô danh một cách kỳ lạ, không giống các gương mặt thành công tương tự trước đây như Oasis và Robbie Williams trong thập niên 90. Arctic Monkeys nổi lên từ diễn đàn của người hâm mộ (fan) nên chỉ nổi tiếng với riêng fan của họ. Điều này có vẻ phù hợp với ý muốn của họ nhưng nhóm là những kẻ chống lại hình tượng ngôi sao. Làm sao bạn có thể bán những kẻ “phản-ngôi-sao” cho thiên hạ?
Mô hình của các hãng đĩa lớn là chỉ cần 1 trong 10 nghệ sĩ mà họ ký hợp đồng đạt được thành công là đủ trang trải mọi thứ. Giờ đây, mô hình đó sụp đổ. Chi phí ghi âm giảm xuống, các phương pháp phân phối mới giúp nghệ sĩ có nhiều cách tiếp cận người nghe còn người nghe có nhiều lựa chọn hơn. Điều này có nghĩa là vai trò của các hãng đĩa bị giảm sút, cả người nghe lẫn người diễn không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào lựa chọn của các “ông lớn”. Doanh số băng đĩa giảm sút khiến giới kinh doanh âm nhạc hướng mũi nhọn sang các phương thức kiếm tiền khác như trình diễn trực tiếp.
Trong 100 album bán chạy nhất mọi thời, chỉ có 3 phát hành trong thế kỷ 21 (1 trong 3 là album tổng hợp của Beatles, 2 album còn lại của Eminem và Norah Jones). Ngoại trừ Eminem, các ngôi sao lớn nhất của thập niên này hoặc là các ca sĩ solo người Mỹ nổi lên từ dòng nhạc pop sản xuất hàng loạt ở thập niên 90 (Justin Timberlake, Christina Aguilera, Beyoncé) hoặc kiểu nhạc pop có giai điệu, tinh tế thường đến từ Anh (Coldplay, Dido, James Blunt, Norah Jones).
Elvis Presley |
Trong những lúc khó khăn thì họ là những nghệ sĩ mà giới kinh doanh cảm thấy an toàn để đầu tư tiền của. Nhưng dù họ có thể bán đĩa với số lượng lớn (và đang sút giảm) thì họ vẫn thiếu sức hút và ảnh hưởng của một ngôi sao tầm cỡ. Các ngôi sao hiện nay, đặc biệt là ở Anh, lại khiêm tốn và lặng lẽ (vì những lý do khách quan chứ không hẳn là chủ ý của họ). James Blunt, với album bán chạy nhất năm 2005, có thể thoải mái đi xe điện ngầm mà không ai buồn xin chữ ký.
Nếu một người không thích nhạc rock có thể nhận ra Chris Martin, ca sĩ chính của nhóm Coldplay, chẳng qua là vì Chris kết hôn với siêu sao điện ảnh Gwyneth Paltrow.
Nhận mặt một thành viên nào khác của Coldplay là một chuyện khó khăn hơn nữa. Cũng tương tự như vậy với James Morrison hay các thành viên của Keane, Snow Patrol. Ngôi sao âm nhạc giờ đây bình dân và thiếu hẳn vẻ lấp lánh.
Người ta sợ rằng thế giới mạng sẽ đồng hóa mọi thứ, khiến âm nhạc mất bản sắc nhưng mọi việc đang xảy ra theo chiều ngược lại. Đầu thập kỷ này, làng nhạc Anh có một chiêu mới là lăng xê các ngôi sao từ Mỹ nhưng chiêu này thất bại.
Năm ngoái, Top 20 ở Anh chỉ có 4 gương mặt đến từ Mỹ. Các thần tượng nước Mỹ như Justin, Christina và Beyoncé không có được doanh số băng đĩa trên thị trường quốc tế xứng với danh tiếng của họ. Và ngược lại, các ngôi sao lớn nhất của Anh trong 15 năm qua như Oasis và Robbie Williams cũng không được chào đón hào hứng ở Mỹ. Mở rộng hơn nữa, ở thị trường châu Á lại nổi lên những tên tuổi mới và có khả năng xâm lăng ngược lại thị trường Âu Mỹ như Bi hay Utada Hikaru.
Tuy nhiên, thị phần của các gương mặt này tại Mỹ hay Anh còn rất nhỏ nhoi và thế giới âm nhạc phân hóa rõ rệt, rừng nào cọp nấy, mạnh ai nấy hùng cứ một phương mà không ai đủ sức thu gọn về một mối như Elvis Presley hay Beatles đã làm trước đây.
Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng liệu các siêu sao có còn đất sống khi biết rằng ông chủ tiệm cắt tóc đã rao bán phần tóc mà Britney cạo, bên cạnh đó bán kèm lon “bò cụng” Red Bull mà cô đã uống phân nửa, một chiếc bật lửa hiệu Bic của cô bỏ quên và cả chiếc dao cạo đã cạo đầu Britney! Chạm tới các vì sao vẫn là mơ ước muôn đời của con người…