Cho tới tận bây giờ, các nhà sử học vẫn và sẽ còn tiếp tục cãi nhau xem đâu là cái rìu đầu tiên, đâu là con dao đầu tiên, đâu là cái máy vi tính, máy pha cà phê đầu tiên… do loài người nghĩ ra. Chỉ có một thứ không thấy ai tranh luận: đâu là bộ quần áo đầu tiên của sinh vật bậc cao ấy! Có lẽ vì một lý do giản dị: đối với loài người, ít ra là thuở ban đầu, quần áo không quan trọng.
Rõ ràng loài khỉ (có ý kiến nói rằng loài đười ươi) trở nên văn minh nhờ biết đi thẳng hai chân, biết tìm ra lửa, tìm ra các công cụ lao động, chứ không phải tìm ra thời trang. Suy nghĩ này có thể làm phật lòng các nhà tạo mẫu hoặc các chủ cửa hàng bán vải nhưng tôi xin phép bảo lưu, tối thiểu là trong thời kỳ nguyên thủy.
Tóm lại, lúc mới xuất hiện, con người rất hở hang.
Trong tài liệu của: “Sở lưu trữ đoàn truyền giáo hải ngoại” do các tu sĩ phương Tây mới đặt chân tới Việt Nam cách đây vài thế kỷ đều miêu tả: dân chúng ăn mặc rất sơ sài, trẻ con từ mười mấy tuổi trở xuống đều không vận gì cả.
Nhưng may quá, cuộc sống đổi thay. Quần áo ngày càng trở nên quan trọng theo nhiều nghĩa. Cơ bản nhất, ngày trước thì mặc lắm hơn có nghĩa là sang hơn. Chả thế mà có câu ca dao:
“Hơn nhau tấm áo manh quần.
Đến khi bóc trần ai cũng như ai”
Sự phân hóa giai cấp do trang phục mang lại ngày càng lớn, đến mức người ta phải giải quyết bằng truyện Chử Đồng Tử với Tiên Dung. Một nàng công chúa và một anh thổi sáo chỉ lấy được nhau khi rơi vào hoàn cảnh… chẳng mặc gì. Bởi lúc đó họ mới bình đẳng.
Nếu tôi là một nhà tạo mẫu, và tôi được phép chia lịch sử theo ý mình, tôi sẽ chia đơn giản thành hai thời kỳ: mặc và không mặc.
Những người trong lứa tuổi tôi lớn lên trong thời đại mặc, điều ấy không còn gì phải bàn cãi. Thậm chí, mặc hoàn toàn giống nhau. Bắt đầu từ khi tôi biết quan sát, nghĩa là từ khoảng những năm 60, các cô gái (ngay từ đó, tôi đã ít để ý tới các chàng trai) đều quần đen, áo sơ mi dài tay, cổ bẻ. Mặc áo không cổ thì vô cùng kinh khủng. Thử tưởng tượng nếu lúc ấy có một nàng mặc áo hai dây thì khéo sẽ bị bà con (thậm chí bố mẹ) băm ra hàng trăm mảnh.
Không một ai dám nghĩ tới hở hang chứ đừng nói dám khoác các của nợ đó vô người.
Ấy vậy mà ngay từ thời đại “sắt” đó, tôi đã đọc được ở đâu rằng, vẻ đẹp thân thể là vẻ đẹp cao nhất, và tranh hay ảnh khỏa thân nghệ thuật rất đáng trân trọng.
Nghĩa là về lý thuyết, xã hội lúc ấy cũng không hề tụt hậu. Nhưng chỉ là lý thuyết mà thôi.
Bốn mươi năm đã trôi qua. Lúc này là thời kỳ không mặc! Ôi, đừng! Viết thế thì chết. Hãy nói nhẹ hơn: thời kỳ của bớt mặc.
Có thể nói về trang phục, cả thế giới đang tiến tới chỗ ngày giảm mặc hơn. Áo hai dây đã trở thành bình thường. Áo không dây đang tiến lên, áo không lưng đang xông vào vạch xuất phát.
Quần lưng xệ đang được rút bớt thành bụng xệ, và đã có nhiều sự cách tân khi cả trước và sau đều xệ. Quần soọc ngày càng chật và ngày càng… xơ ra.
(Và thật kinh ngạc làm sao, trang phục càng nhỏ càng đắt (nhất là trang phục lót) hình như đây là âm mưu toàn cầu của người bán vải?)
Bất chấp những lời phản đối, bất chấp những dư luận nẩy lửa, những roi vọt của xã hội, xiêm y của các cô (và số ít các bà) ngày càng thoáng. Trong cuộc đại chiến vĩ đại đó, phe “bảo thủ” đang rút lui dần dần, phe cách tân đang từ từ tiến lên, để lại trên chiến trường vô số… thương binh và thậm chí không thiếu gì… xác chết!
Đấy là một cuộc xung đột không thể nhận thấy (khác hẳn với cuộc chiến Trung Đông được miêu tả hàng phút trên ti vi), mà rất nhiều chiến binh, loại nhát gan là người của… cả hai phe, liên tục phản bội lí tưởng của mình tuỳ theo dư luận!
Nhưng hễ cứ vài năm nhìn lại, ta sẽ thấy một thực tế (phũ phàng): độ hở hang ngày càng cao, phe “thoáng mát” ngày càng thắng! Nghĩa là sao?
Tôi biết chắc con người luôn được cảnh báo về thảm họa HIV, thảm họa cúm gà, thảm họa hạt nhân… nhưng chưa có một chữ nào, một nhà khoa học đáng kính nào cảnh báo thế giới về thảm họa hở hang cả.
Viết tới đây, nhất định có người bảo: Hay đó là một thảm họa văn hóa?
Văn hóa ư? Suy cho cùng văn hóa là gì? Là biểu hiện tinh thần của chúng ta trước quan hệ xã hội.
Mà những quan hệ ấy không hề bất biến. Càng không hề đơn giản chỉ đo bằng cách mặc bao nhiêu và hở bao nhiêu.
Có một bằng chứng là những nước nổi tiếng về hở hang như Thụy Điển, Đức hoặc Hà Lan… đều là những nước có nền văn minh cao, rất đáng để nhiều dân tộc… thèm muốn (tôi không dám dùng chữ bắt chước) về rất nhiều lĩnh vực, kể cả văn hóa. Những ai đã từng sang đấy, đều nhận thấy một cách rõ ràng là tất cả mọi công dân đều được tôn trọng, không phụ thuộc vào tôn giáo, trình độ văn hoá, giới tính và… lượng vải trên người!
Viết tới đây, lập tức có nhà phê bình bảo: Chúng ta không thế, chúng ta có bản sắc khác, chúng ta theo tập tục khác.
Vâng, tôi không thể cãi được điều này. Một cách thành thực, tôi cũng tin nói vậy là đúng!
Và rất nhiều thanh niên hiện nay cũng không cãi, song họ cứ mặc ít dần.
Phải làm thế nào bây giờ? Phải viết những bài báo cũ rích kiểu như “ăn mặc cần đúng lúc, đúng chỗ, đúng tuổi tác, đúng phong tục tập quán. Ăn mặc phải vừa tôn vẻ đẹp cơ thể, phải vừa cho xung quanh thấy sự nền nã, đoan trang…”. Những bài như thế thì đầy, và cần gì học cao mới sáng tác được.
Sốt ruột quá nhỉ. Có vị sẽ gắt: Nói nhanh lên, ông kia, ông thích hở hang à?
Tôi không nói (kinh nghiệm đã cho tôi thấy, hở hang ý nghĩ còn tai hại hơn hở hang cơ thể). Tôi chỉ bảo rằng: tôi không thích những ai thấy người ta hở hang, vội bảo người ta là xấu!/.