Con gái lái ô tô thời ngập nước

Tiết kiệm nhiên liệu à? Có chú ý chứ, nhưng chẳng biết làm sao để tiết kiệm?
– Tránh tăng tốc và phanh gấp.
 – Tránh đi số thấp nhưng vòng tua cao mà ngược lại, phải lái xe ở chế độ số cao, tốc độ của vòng tua thấp sẽ tiết kiệm được 25 – 30% nhiên liệu.
 – Lái xe tạo đà và sử dụng đà của xe để tiết kiệm nhiên liệu.
 – Tắt máy khi dừng, đỗ lâu giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải, bảo vệ môi trường.
 – Kiểm tra áp suất lốp xe (áp suất của lốp xe thấp hơn 20% mức tiêu chuẩn sẽ làm tăng lực cản 10% và tiêu hao nhiên liệu 2%)
 – Số không phù hợp với vận tốc cũng làm tiêu hao năng lượng đấy nhé!

Tại buổi Hướng dẫn lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, các thành viên CLB đều hết sức bất ngờ khi nghe kỹ sư Phạm Ngọc Bá, chuyên gia của Ford Việt Nam khẳng định, biết lái xe đúng kỹ thuật sẽ tiết kiệm đựoc 10 -15% nhiên liệu tương đương với việc tiết kiệm được chừng 120 lít xăng/năm. Vấn đề đặt ra với môi trường là, nếu 1 triệu xe sẽ tiết kiệm được số lít xăng khổng lồ và đồng thời với nó là việc giảm đáng kể khí thải gây ô nhiễm môi trường nhờ vào sự chú ý và thói quen trong kỹ thuật lái xe của mỗi chị em khi ngồi sau tay lái.

Chương trình hướng dẫn lái xe an toàn này đang được sự hưởng ứng của các quốc gia tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á Thái Bình Dương. Những kỹ thuật trong lái xe an toàn được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại và dường như quá quen thuộc nhưng các chị em vẫn “rất thật”: Việc thắt dây an toàn đôi khi cũng bỏ qua, điều chỉnh ghế, gương chiếu hậu… lại càng hay quên. Lên xe, “Bacogai” (nick trên forum CLB) còn thổ lộ: “Lái xe ở nước ngoài thì nhớ thắt dây chứ lái ở Việt Nam, mình toàn “bỏ qua”. Sau khóa học này, phải nhớ mới được”.

Học phanh: Sao chẳng giống James Bond?

Vì là phụ nữ, nên không thể giống James Bond, dù sao anh ta cũng là đàn ông. Nhưng chị em vẫn thích giống James Bond trong phim khi được lái xe với tốc độ cao và phanh gấp. Tiếng xe phanh két trên mặt đường cộng với chiếc kính đen trên những khuôn mặt xinh đẹp khiến ai cũng nghĩ, mình đang làm một… “James Bond” thứ thiệt.

Bài thực hành học phanh được chị em hăm hở nhất. Mới đầu cũng hơi e dè, mỗi “Song Ngư” dám xung phong với “cảm giác mạnh” đầu tiên, lái xe với vận tốc 50km/h và …phanh. Trước khi lên xe, cô gái với vẻ ngoài e ấp này còn quay lại “nhắn nhủ” chị em: “đi nhé!”. Cú phanh đầu tiên, khoảng cách trượt dài hơn 20m và bị phanh trước khi có tín hiệu.

“Song Ngư” bạo dạn thêm vòng nữa. Chiếc xe phóng đến 80km/h và “Kít…kít…”. Giảng viên thông báo: “15m”. Chị em bắt đầu phấn khích với cảm giác mạnh. Cộng với việc “Song Ngư” tuyên truyền: “Lúc phanh thích cực, két một cái, tóc… bay ra sau”. Hỉ hả, dù là lao xe với vận tốc 80, 90km/h thì vẫn phải để ý đến mái tóc chứ, nhỉ!

“Xu ka” thì yểu điệu trên đôi giày cao gót chót vót, được gợi ý, hay là bỏ giày phanh cho thật chân. Nhưng, không thể ngừng tạo dáng ngay cả khi… phanh xe. “Xu ka” tự tin lên xe và tăng tốc với tốc độ trên chuẩn như yêu cầu của giảng viên.

Tín hiệu phanh, chiếc xe dừng khựng. Quá chuẩn. Mỗi tội, do phanh gấp, chiếc kính đen văng ra theo quán tính. Cô nàng điệu đà quyết bỏ tay lái đề vồ vội chiếc kính xịn chứ không thể để kính rơi. Con gái lái ô tô mà lị! Ai nấy đều thoả mãn, vì đến cuối buổi mới tiết lộ: “Dù sao thì học ở đây mới được phóng nhanh và phanh gấp. Chứ lái xe của mình thì chả bao giờ được phanh thoải mái”.

Hà Nội hay ngập lắm, làm sao để đi xe trong nước?

Câu hỏi khó đây. Các thầy phải cập nhật ngay tình hình thời sự để hướng dẫn chị em trong CLB. Chị em đều xuýt xoa, đúng thật. Làm sao nhỉ?

Đối với xe phun xăng điện tử: chỉ có thể chạy xe trong điều kiện nước ngập tối đa đến tâm bánh xe. Lúc này phải đi số 1. Nếu nước mới ngập từ đất tới nưa tâm bánh xe, nên đi số 2. Lúc nào cũng phải nhớ đi đều ga, không nên phóng ào một cái đâu nhé!
Trong trường hợp ngập nước và bị tắt máy, phải làm sao?

Phải chờ cứu hộ thôi. Tuyệt đối không được đề lại máy vì nước có thể vào xilanh, gãy tay biên đâm xuyên lốc máy. Việc sửa chữa, thay thế sau đó sẽ rất tốn kém. Nếu nước ngập đến mép cửa thì nhất thiết không nên mở cửa vì có thể nước tràn vào làm hỏng các hộp điện tử được bố trí ở sàn xe. Tốt nhất nên mở cửa kính để chui ra (Hướng dẫn kỹ thuật này có vẻ “khó” nhất đối với chị em vì thấy ai cũng “ồ” lên)

Điều gì gây bất ngờ nhất?

Câu hỏi, chạy với vận tốc 50 km/h và 80km/h thì khoảng cách an toàn là bao nhiêu? Hình như kiến thức này chưa học nên chị em toàn đoán. Người thì 1m, người thì 3m… Sau khi thử phanh ầm ầm, hóa ra là 15 m đối với 50km/h và 24m đối với 80km/h. Hú hồn, nếu không học, ai cũng có thể… đâm bay xe đi cạnh với những khoảng cách có trong tưởng tượng. Chưa kể phải cộng thêm vài mét trừ hao nếu trời mưa, đường trơn trượt, nếu người lái xe là phụ nữ cao tuối, khả năng đạp phanh không dứt khoát…

Helen răng khểnh: Gì thì cũng phải làm duyên…  …và tạo dáng chờ đến lượt tập thực hành

Lái xe tạo đà và sử dụng đà để tiết kiệm nhiên liệu

Chị “Kitxinh” được hướng dẫn lái vài vòng về mới tặc lưỡi: Giá mà được học sớm thì tiết kiệm được nhiều nhiên liệu từ lâu. Trước đọc tài liệu cũng có biết lý thuyết là như thế, nhưng không ai hướng dẫn. Hôm nay được hướng dẫn mới biết cách lái xe tạo đà và sử dụng đà. Kết quả là trước đây, chạy xe 100 km hết 15 lít xăng thì nay, chỉ hết 9,5 lít. Phấn đấu thêm thời gian nữa, lái chuẩn thì chỉ còn khoảng hơn 7lít xăng/100 km. Quá đã! Tiết kiệm được quá nhiều tiền xăng nhé!

Đi đúng số cũng không kém phần quan trọng. Với những xe có số sàn thì số 1 và 2 là số khởi hành dưới 30km/h, số 3 tương đương 30km/h, số 4 tương đương 40 km/h. Nhưng đối với số tự động thì giữ đều ga lên 2000 vòng/phút liên tục 30 -35km/h lên số 2; 40 -45km/h lên số 3. 

Chụp thẻ thành viên CLB làm kỉ niệm

 

Bài: Tuyết Chinh
Ảnh: Minh SK


From the same category