Nhưng nếu nó lại là con gái thì điều đó đâm thành đặc biệt. Người
phương Đông, nhất là người Việt, hầu như đều là những người lo xa.
Và khi phải chới với đầu tư cho tương lai, con cái được coi như một thứ của để dành. Nói chung, những người có tuổi đều nơm nớp nuôi cái hy vọng phảng phất tuyệt vọng này. Tới một lúc chân tay thì lẩy bẩy mồm miệng thì móm mém, chẳng trông vào con giai, con gái, con dâu, con rể, thậm chí cả bọn lóc nhóc cháu chắt thì còn biết nhờ cậy ai.
Thế nhưng, chăm người già vốn là việc thiên nan vạn nan tỉ mỉ khó, vì thế con cháu tuy làu làu thuộc chữ hiếu nhưng nhiều đứa vẫn ngần ngại lắm. Bởi vậy có đông cụ ông bi quan khôn sớm, âm thầm nhặt nhạnh gửi ít tiền còm vào sổ tiết kiệm, đề phòng gặp cảnh trái gió trở giời thì còn biết đường mà theo phương hướng “trẻ cậy cha, già cậy… tủ”.
Vài cụ goá vợ có điều kiện dư dật hơn, ví như quan chức về hưu chẳng hạn, thì đàng hoàng lấy hẳn vợ trẻ, khăng khăng tin vào câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tuy nhiên hỡi ơi, thời buổi kinh tế thị trường, bọn vợ trẻ cũng có thật đông những đứa mất dạy.
Sau khi đã chung tên ở sổ đỏ, rồi còn điều tra biết được chỗ cụ đã chôn vàng, nó nham hiểm hú hí với thằng nhân tình nghĩ trăm phương nghìn kế đưa cụ đi trại dưỡng lão. Trong cái thế hiểm nguy nhan nhản bất trắc thập diện mai phục ấy, với đông đảo người cha, con gái đầu lòng luôn là thứ tử tế đáng tin. Điều này được đảm bảo bằng ba lẽ.
Thứ nhất, cả truyền thống đạo đức dân gian Ta lẫn nghiên cứu tối tân khoa học Tây đều khẳng định con gái quý cha là một sự thật. Theo Sigmund Freud, tổ sư người Áo của phái Phân tâm học thì con trai có thiên hướng tự nhiên yêu thương mẹ, cái thiên hướng này quá đậm thì sẽ gọi là “phức cảm ơ đíp” (complex d’Oedipe).
Phát triển thêm, các học trò của ông cho rằng ở con gái cũng có một thiên hướng y xì như vậy đối với bố, đấy là “mặc cảm Diane” (Tên của nữ thần săn bắn Hy Lạp rất nam tính). “Cô ta luôn xem người cha là một sức mạnh, một sự chỉ dẫn. Ước muốn chiếm hữu bố mình làm cô ta bám chặt vào người cha rồi đặt ông ta lên bệ để tôn thờ.
Từ đấy cô ta muốn mình có nam tính một cách quá đáng, mong được sự che chở của cha”. (Tâm lý học hiện đại – Pierre Daco – NXB Lao Động, trang 265). Về phía chủ quan người bố, sự cảm tình với con gái cũng rất chân thành, không phải ngẫu nhiên mà các người cha hay âu yếm gọi “con gái rượu”. Đại loại bọn họ nghĩ, nếu có đưa tiền cho ái nữ đi mua Whisky thì còn đủ chai cầm về, chứ nhờ mấy thằng “phá gia chi tử”, chắc chắn sẽ bị tu trộm hết chừng phân nửa.
Thứ hai, con gái đầu lòng do thiên tiên căn tính, đa phần đều tồ tệch chất phác hồn hậu. Ngày xưa làm nông vất vả, có đứa con gái lên chín lên mười là nhà đã có thêm một nhân lực lao động. Nó ẵm em xay lúa, nó kiếm củi chăn bò. Ruộng cho dù sâu một năm hai vụ, trâu cho dù nái sòn sòn mười tháng đẻ nghé con, xem ra cũng không lợi hại bằng nó.
Đã thế khi gia cảnh gặp tai biến, ví như mưu sinh cực nhọc hay thua lỗ làm ăn, thì duy nhất đứa có thể đem bán được chỉ là đứa con gái đầu lòng. Con Tý lớn bị bán cho vợ chồng Nghị Quế ở tiểu thuyết “Tắt đèn” là một ví dụ. Vương Thuý Kiều bị bán cho Tú Bà qua agency Mã Giám Sinh trong “Đoạn trường tân thanh” là hai ví dụ.
Những đứa con gái đầu lòng luôn thuần thiện nghĩ “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Giả dụ đem Thuý Vân hoặc Vương Quan ra bán mà xem, chắc cả hai sẽ nhao nhao nhảy lên gân cổ cãi trả. Ở cõi đời còn vô số gồ ghề ngạo ngược này, thì con gái đầu lòng là điển hình của sự ôn nhu dễ bảo.
Điều thứ ba vô cùng quan trọng, phải là con gái đầu lòng mới tiềm năng khả năng trở thành chị. Một người chị tần tảo thường sẽ là một người vợ người mẹ chân chính hoàn hảo. May mắn thay cho những đứa em mồ côi bố mẹ mất sớm mà còn có chị hiền. “Thương nhau chị em gái” là điều đã hiển nhiên, nhưng tình yêu vô bờ của chị cho em giai mới thật là chót vót cảm động.
Một thằng em nhỡ sai lầm sa chân lạc bước, nó chạy đến chị, ngay lập tức nó có được một che chở bao la. Mặc xác thằng anh rể đang phát sốt vì đố kỵ lo sợ, chị cứ âm thầm nức nở bao bọc đứa em. “Cá chuối đắm đuối vì con”, chị tương tự gần được như mẹ, và sự đắm đuối tuẫn tiết vị tha ấy nồng nàn không hề kém.
Chính vì thế mà ở thời xa xưa với nhiều người cha, con gái đầu lòng đích thực là một thứ của để dành vô giá, ruộng hay trâu bỗng trở thành vụn vặt chẳng là cái đinh.
Tới ngày nay, con gái đầu lòng tuy vẫn còn đông, nhưng do quen thói ở nhà lầu xe hơi ngày hai buổi chúi mặt vào tiền nên cư xử với chữ hiếu có hơi khang khác. Nhưng cho dù có khác, bọn họ cũng không quá bạc bẽo như mấy đứa con thứ.
Đại loại, nếu phải chủ động cho bố vào trại dưỡng lão thì vẫn thuê cho cụ tắc xi, rồi ân cần đi theo. Thỉnh thoảng, lại rút mùi xoa âu yếm chấm chấm hộ những giọt nước mắt đang giàn dụa trên gò má nhăn nheo của bố.
Minh họa: Mớ