Con đã là tween! - Tạp chí Đẹp

Con đã là tween!

Sống
Từ 8 đến 13 tuổi, con chưa phải là những anh chị tuổi teen với những ước mơ muốn khẳng định cá tính riêng, nhưng cũng không còn là những em bé nhi đồng bám theo bố mẹ nữa. Con đến tuổi này chuẩn bị có những thay đổi quan trọng về thể chất và cùng với đó là cả tâm lý. Con có thể khiến bố mẹ bất ngờ về sự chững chạc của mình, nhưng đồng thời cũng có thể khiến bố mẹ bực mình muốn… điên. Để cùng con vượt qua giai đoạn này, không chỉ các con mà bố mẹ cũng có rất nhiều điều phải học đó, bạn biết không?

Làm bạn với con

Tuần vừa rồi đi học tiếng Anh về, con gái mình phát biểu tỉnh bơ tỉnh rụi: “Thầy giáo đẹp trai kinh dị mẹ ạ!”. Mình mắt chữ O mồm chữ A luôn. Hỏi lại con thì được biết thầy là học sinh tình nguyện người Anh, 17 tuổi. Mình nghĩ, nếu mắng con hay dặn dò kiểu “giáo điều” lúc này, e rằng con chẳng nghe mà sau này còn thôi không kể chuyện cho mẹ nghe nữa luôn. Thế nên mình mới trêu đùa thân mật: “Thế con buôn chuyện với thầy bằng miệng hay phải dùng tay chân để ra hiệu đó?”. Con gái trả lời: “Đương nhiên là con nói tốt rồi, thầy còn khen con phát âm dễ thương cơ! May thế”. Tuy trọng bụng vẫn còn lo lo, nhưng mình bèn chuyển sang nói chuyện về việc học tiếng Anh luôn, con cũng say mê nói về những chuyện trên lớp mà không đả động đến cậu thầy giáo nữa.

Sau này, thỉnh thoảng mình vẫn nửa đùa nửa thật hỏi thăm: “Thầy giáo đẹp trai của con dạo này thế nào?”. Nhưng chỉ thấy con nhận xét về thầy xung quanh chuyện thầy dạy hay dạy dở ra sao, các bạn trong lớp thích học tiếng Anh theo kiểu nào, chứ không thấy có những chuyện ngoài lề, mình mới yên tâm phần nào. Làm bạn với con không dễ, duy trì tình bạn đó để con yên tâm nói hết mọi chuyện cho mình nghe càng không dễ chút nào, nên quan trọng nhất là tâm lý của những bà mẹ có con tuổi tween là phải bình tĩnh và cởi mở”.

(Chị Phạm Hồng Hoa, Ngõ Huyện, Hà Nội)


Chuyện thần tượng

Ở tuổi này, con bắt đầu có những rung động, có thần tượng, có đam mê. Thần tượng cả con là mấy ban nhạc Hàn Quốc mà mình vẫn gọi đùa là “nửa trai nửa gái”. Đùa vậy, nhưng mình vẫn rất tôn trọng và chiều con. Mình không chỉ cho con tiền và chở con đi mua những vật dụng có in hình những thần tượng của con, mà còn đích thân đi mua lúc vắng mặt con. Nhưng mình chỉ sợ con vì quá đam mê những điều đó mà quên đi cuộc sống thực của con, quên những việc chính con phải làm như học hành, chăm sóc bản thân, dọn dẹp nhà cửa, giúp đỡ bố mẹ, giao lưu với cuộc sống bên ngoài.

Cho nên, không phải vô cớ mà vợ chồng mình rất thích tham gia những hội nhóm gia đình, kiểu như câu lạc bộ cầu lông, câu lạc bộ nhiếp ảnh… rồi mỗi lần họp mặt câu lạc bộ là đưa cả các con theo luôn. Những lần như vậy, mình muốn con thấy người lớn cũng có những sở thích và ham mê riêng, nhưng điều quan trọng là phải lành mạnh, đúng mực. Cũng trong những lần các gia đình đưa trẻ con đi chơi ấy, con cũng gặp gỡ thêm nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, học thêm cách ứng xử và cư xử. Ông xã mình còn đầu tư tiền mua hẳn cho con một cái máy ảnh cũ, cuối tuần hai bố con rủ nhau lang thang đi “sáng tác”, cốt là để lôi kéo con ra với những hoạt động ngoài trời, không ở nhà ôm máy tính để xem các clip của thần thượng suốt ngày nữa…

(Chị Lê Hoàng Yến, Trung hòa – Nhân chính, Hà Nội)

Con chỉ biết có học!

Phải nói một cách khách quan rằng các con bây giờ có nhiều ưu điểm hơn hẳn chúng ta ngày xưa. Như con gái mình, 12 tuổi, đã đặt mục tiêu rõ rằng và lên kế hoạch thực hiện bằng được. Mơ ước trở thành nhà ngoại giao (trong khi bố mẹ chỉ là công chức bình thường ở tỉnh lẻ), con đã tìm hiểu thế nào là nhà ngoại giao giỏi, làm thế nào để thi đỗ Học viện quan hệ Quốc tế… Một lần, mình chỉ nói qua loa với con rằng “Muốn trở thành nhà ngoại giao thì phải tự tin, giao tiếp tốt…” Thế mà, từ chỗ năm ngoái cực nhút nhát, năm nay con đã rèn luyện việc tự tin nói trước đám đông bằng cách xung phong lên bảng, xung phong điều khiển sinh hoạt cuối giờ, tự mò mẫm học ngoại ngữ. Hết lớp 6, con có điểm tổng kết cao nhất lớp ở trường chuyên, giải nhì Olympic tiếng Anh toàn tỉnh… Mình ngạc nhiên vô cùng, hy vọng con vẫn giữ được ý chí như thế.

Nhưng đồng thời, với việc sinh hoạt hàng ngày của con thì mình đau khổ lắm lắm. Sáng ra nhìn chiến trường mà con để lại thật ngao ngán. Quần thì ống trái ống phải, chăn màn không gấp. Kinh khủng hơn, con không biết tên nhiều loại rau, không biết nhặt rau, chỉ biết nấu mì và tráng trứng – là những món mà con phải tự làm để ăn những hôm thức học đêm. Hè này, mình đang quyết tâm cùng con sáng sáng đi chợ, không biết có cải thiện được phần nào kỹ năng mềm cho con không…

(Chị Đoàn Ngọc Anh, Điện Biên Phủ, Hải Phòng)

Mong con dễ thích nghi hơn

Công nhận là tuổi tween là tuổi hay cãi, tween nhà mình, mẹ sai làm cái này thì đi làm cái kia. Nói con đi học thì con lại đi tắm, mà kêu đi tắm thì nói con đang học bài… nhưng với con mình, mình đang thấy có một vấn đề mà không biết con các bà mẹ khác ra sao. Đó là con rất thiếu tự tin và cứng nhắc khi ra hỏi môi trường quen thuộc. Ví dụ một lần, mình cho con gái đi du lịch, một phần thỉnh thoảng cho con đi để biết đây biết đó, một phần mẹ con có thời gian dành riêng cho nhau mà không bị em bé quấy. Vì thời gian không có nhiều, mình rủ con vừa đi vừa ăn vặt, hoặc ăn ở quán vỉa hè, hoặc ăn ở trên tàu, taxi, con đều không chịu với lý do ăn ở nơi công cộng là mất lịch sự. Con cũng không bao giờ dùng ngôn ngữ teen, không xưng tao mày với bạn mặc dù cả lớp của con xưng hô khá thoải mái,. Nhiều người bảo mình nên yên tâm là con làm việc, học tập nghiêm túc và có trách nhiệm, nhưng mình thì lại muốn con cứ thoải mái và vô tư cho đúng tuổi, đôi khi lệch chuẩn một chút cho cuộc sống nhiều màu sắc. Mình sợ khi rời môi trường trường chuyên lớp chọn, con khó thích ứng được với những mặt trái của cuộc sống, khó biết tự bảo vệ bản thân khi gặp khó khăn… Sinh con đã vất vả, nhưng làm mẹ cũng thật là khó phải không mọi người?

(Chị Nguyễn Thúy Hằng, Q. Bình Thạnh, TP. HCM)

Theo Lưu Hà

Tư vấn Tiêu&Dùng

 

Thực hiện: depweb

13/08/2012, 01:37