– Nghe nói anh vừa từ giã nghề đứng lớp à?
– Nghỉ dạy thì không hẳn, nhưng đúng là cách đây bốn ngày tôi vừa nhận quyết định điều chuyển từ khoa Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội sang Tạp chí khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội…
– Thế mà tôi lại tưởng anh đã chán nghề đứng lớp?
– Không bao giờ, vì với tôi, dạy học cũng là một cách học của người thầy. Chưa nói, cơ hội tương tác với thế hệ trẻ cũng là một cách giúp tôi nuôi dưỡng cảm hứng học tập ở mình.
– Bậc ĐH của anh thì không nói, nhưng các bậc học dưới, thấy bảo năm nay Bộ siết chặt vụ dạy thêm, học thêm ghê lắm, anh thấy có ổn?
– Ô hay, tại sao mọi ngành nghề đều không cấm làm thêm, mà lại cấm dạy thêm? Dạy thêm thì có gì là xấu? Có phải người ta ăn cắp ăn trộm đâu!
– Thì chắc cũng do phụ huynh người ta kêu quá! Đầu năm đã phải còng lưng gánh bao khoản lạm thu thì chớ, lại còn thêm vụ học thêm…
– Thế sao năm nào đi họp phụ huynh cho con, tôi cũng thấy phụ huynh nhất loạt đề nghị cô giáo mở lớp dạy thêm kèm cho các cháu nhỉ? Năm nào cũng như năm nào, mà hầu như lớp nào cũng thế. Cứ nài nỉ cô dạy thêm, rồi ra lại trách cô bắt học thêm, là sao?
– Biết đâu được là do Ban phụ huynh “thông” với giáo viên, mà giữa cuộc họp thì ai dám làm phật ý cô giáo kia chứ, nhất là bậc tiểu học? Nhỡ đâu con mình bị trù thì sao?
– Hiện nay tôi thấy có một tâm lý rất phổ biến là cứ đưa tiền là xong hết, nên không ít phụ huynh cứ mặc định trong đầu là thầy cô nào cũng muốn được “chăm chút” theo kiểu đấy. Trong khi đâu phải ai cũng vậy. Tương tự, người vi phạm luật giao thông khi “làm luật” và được cho đi thì quay ra nói xấu người phạt mình. Nhưng liệu đã bao giờ tự hỏi: Ai mới là người có lỗi trước hết? Việc dạy thêm tất nhiên là một câu chuyện khác, nhưng thử hỏi, nếu như phụ huynh không yêu cầu, làm sao giáo viên người ta dám ép?
– Thế con anh, anh có cho học thêm không?
– Học nhiều là khác! Tuần 5 buổi, có ngày còn phải học liên tù tì từ sáng đến tối…
– Ô, tôi tưởng một người có tư tưởng cách tân giáo dục mạnh mẽ như anh chắc phải dị ứng với chuyện dạy thêm – học thêm này chứ!
– Tại sao lại phải cấm, khi con mình đi học một cách thích thú và không cảm thấy đó là áp lực? Vấn đề là làm sao cho con trẻ phải cảm thấy việc đi học là một niềm vui, và việc học thêm do đó cũng chính là có thêm niềm vui…
– Cụ thể thì anh cho cháu học gì?
– Tuần 2 buổi tiếng Anh, 3 buổi học piano…
– Ôi giời, học thêm kiểu đấy thì nói làm gì! Đây đang nói chuyện học thêm các chương trình chính khóa cơ mà!
– Ô, thì mình chỉ cho con học những gì mà mình cảm thấy con cần được bổ khuyết và con cảm thấy hứng thú thôi chứ, ai bắt được mình?
– Bắt thì đúng là không bắt được rồi, nhưng chỉ sợ cô “bằng mặt mà không bằng lòng”, thì con mình “ăn đủ”!
– Ai thì tôi không biết, nhưng với trường hợp con tôi thì tôi không hề thấy thế. Tuy cháu không học thêm cô giáo ở trường như các bạn, nhưng tôi thấy cháu vẫn được cô yêu như thường, chẳng làm sao cả! Chả thầy cô nào lại đi ghét trò giỏi trò ngoan cả, và đó là một tâm lý rất tự nhiên trong nghề này, như chính tôi từng trải nghiệm…
– Đi nhiều, biết rộng, vậy anh thấy ở các nước tiên tiến, người ta có chuyện dạy thêm như mình không?
– Thì con tôi là một ví dụ đây: hiện cháu đang học lớp 11 tại Nhật, nhưng ngoài chương trình học chính khóa, cháu còn học thêm kiếm đạo, chẳng là một dạng học thêm đấy sao? Vấn đề là trẻ phải được học theo đúng sở thích thì lúc đấy, việc đi học mới trở thành niềm vui dược.
– Vậy, việc Bộ GDĐT của ta, trước sức ép của dư luận, cứ mỗi đầu năm học lại cho thành lập một đoàn thanh tra “vấn nạn” dạy thêm, học thêm theo anh có là biểu hiện bất thường của một nền giáo dục?
– Nếu không bất thường thì đã… không có câu hỏi này! Như nhiều chuyện khác, tôi thấy ở mình rất hay có những quyết sách nóng vội, xa rời thực tế. Ngay cả trong chuyện dạy thêm này cũng thế, khi nó là nhu cầu thật của một bộ phận không nhỏ phụ huynh vốn không tự tin vào năng lực tiếp thu kiến thức của con mình, trước một chương trình học luôn bị kêu là quá tải và một chính sách thi cử bất hợp lý như hiện nay. Phải hiểu đâu là gốc của vấn đề thì mới đề ra được những quyết sách đúng được chứ?
– Vậy gốc của vấn đề này theo anh là từ đâu?
– Nói chung, có 4 lý do khiến dạy thêm tồn tại:
1) Đồng lương giáo viên không đủ sống.
2) Chương trình học quá nặng không phải vì khối lượng mà do chú trọng quá đáng về thông tin.
3) Yêu cầu của học sinh (và phụ huynh).
4) Mong muốn giúp đỡ học sinh.
Cả 4 lý do đều chính đáng. Vậy, trừ trường hợp có bằng chứng về việc giáo viên trù úm những em không học thêm, tôi không thấy có lý do gì để cấm.
– Nhưng đồng lương của nhiều phụ huynh lúc này cũng đâu có đủ sống, mà còn phải cõng thêm khoản học thêm của con?
– Nếu chi tiêu không đủ thì còn cho con học thêm làm gì? Còn để giảm thiểu chuyện dạy thêm – học thêm theo tôi phải bắt đầu từ gốc của vấn đề đó là làm sao cải thiện được đồng lương cho giáo viên và giảm tải chương trình học cũng như chính sách thi cử bất hợp lý như hiện nay. Còn nếu là cấm dạy thêm, thì trong ngành giáo dục, theo tôi còn bao cái đáng cấm hơn. Chẳng hạn như việc lãng phí kinh khủng trong chuyện in mới sách giáo khoa hàng năm, chưa nói lâu lâu lại “đổi mới”, tiêu tốn hàng bao nhiêu tỷ (đến các nước giàu người ta cũng không dám làm như thế). Tiền đó để làm thêm cầu, xây thêm trường cho các em học sinh miền núi để đường đến trường của các em đỡ bị lũ cuốn, có hơn không? Chưa kể, rất có thể phần lớn sách tham khảo đang lưu hành trên thị trường hiện nay còn cần bị cấm trước tiên … – Đấy không là cách ngành giáo dục “làm thêm” thì là gì?
– Có chuyện rằng: Để đối phó với việc bị thanh tra kiểm tra chuyện dạy thêm, nhiều giáo viên đã dạy học sinh nói dối khi có đoàn kiểm tra vào lớp. Trẻ được dạy nói dối ngay trên ghế nhà trường – Điều này theo anh có phải là di họa lớn hơn nhiều lần nạn dạy thêm – học thêm mà dư luận đang lên án?
– Vậy cho tôi hỏi ông thanh tra nhé: Thế quy định mỗi năm mỗi trường phải đạt chỉ tiêu bao nhiêu học sinh phải đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm thì là nói thật hay nói dối?
Thư Quỳnh (thực hiện)