Trong chuyên đề đặc biệt “Underground Men”, xin trân trọng giới thiệu 5 người đàn ông ở độ tuổi trên dưới 30 với 5 nghề nghiệp khác nhau. Đó là những nghề đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt, phải mất nhiều công sức lao động miệt mài, đồng thời lại phải có những phẩm chất sáng tạo đặc biệt. Họ không hẳn là những người nổi tiếng, nhưng lại có những ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của mình và được người trong giới thừa nhận.
Mời bạn đọc làm quen với 5 con người đã chọn cho mình những nghề nghiệp đặc biệt vì niềm đam mê nhiều hơn là để kiếm sống, đúng như Khổng Tử từng nói: “Hãy chọn công việc bạn yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình!”.
Tôi vẫn nhớ lần gặp Nguyễn Thành Phong (người vẫn được bạn bè quen thuộc hơn với cái tên Ronin) lần đầu tiên. Anh đi một chiếc xe đạp địa hình, mặc chiếc áo như lính đánh trận, và điều đầu tiên anh nói đến khi ngồi xuống là… mặt nạ phòng độc. Những người biết Phong vẫn bàn tán cười đùa về ám ảnh tận thế ấy ở anh, khi anh trang bị mọi thứ cho sự sinh tồn giữa hoang dã, say mê không thua gì mê vẽ. Dẫu vậy, nếu biết Phong đủ lâu, người ta thấy về mặt tinh thần, Phong cũng sẵn mang cho mình một mặt nạ phòng độc rồi.
Phong chọn cho mình một cách nhìn hài hước, trong sáng về tất cả mọi điều. Dẫu sau nhiều năm, kể từ ngày rời khỏi trường Đại học Mỹ thuật, chàng nghệ sĩ “đeo lăng kính hồng” ngày nào đã có nhiều thay đổi. “Thời gian thay đổi mọi thứ”, anh thừa nhận như vậy. Anh càng ngày càng sáng tác nhiều hơn về các vấn đề “chướng tai gai mắt của xã hội”, từ những dự án bàn về ý thức giao thông như Không Còi, loạt truyện kể về Hà Nội cho tới tập thành ngữ bằng tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” (tập sau có tên là “Phê như con tê tê”) đều chứa đựng sự mỉa mai, xót xa của anh trước các vấn đề văn hóa xã hội.
Vậy Hà Nội, có phải là điều anh yêu không? Có độc giả sau khi xem hàng loạt tác phẩm của Phong đã phải thốt lên rằng anh sinh để vẽ Hà Nội, từ những cột điện chằng chịt dây như tổ chim, những con đường hễ mưa là lụt, những ngôi nhà chật hẹp ngổn ngang đồ đạc trong con phố cổ tới cả cử chỉ của nhân vật trong tranh. Hà Nội là nơi anh sinh ra và lớn lên, “ranh giới giữa sáng tác và đời thực không còn rõ ràng nữa”. Càng vẽ thành phố này, chàng họa sĩ càng kinh ngạc về khối lượng chất liệu mà nó có thể mang lại: “Hà Nội có nhiều câu chuyện lắm, tôi nhận ra những gì tôi biết vẫn còn rất ít. Có những điều mình nghĩ là chuyện bình thường, không đáng kể, nhưng khi nhìn ở góc độ khác, lại thấy đó chính là Hà Nội”.
Dẫu vậy, một lần nữa, sự thay đổi của thời gian lại trở về với câu chuyện của chúng tôi. Cảm giác trái chiều, hỗn tạp mà thành phố quê hương mang lại cho anh mỗi ngày cũng đến lúc làm anh thấy mệt và muốn chọn bước lùi lại để nhìn mọi điều rõ ràng hơn. Anh viện tới câu nói của một nghệ sĩ khác rằng cứ khai thác đề tài trong đống rác, thì cũng sẽ tới lúc mình sẽ thấy mệt mỏi vì mùi. Phong muốn hướng đến một hướng sáng tác mà anh cho là ít “cường điệu” hơn, “đời” hơn. Anh đang ấp ủ ra một cuốn sách về thời bao cấp, song song cùng với việc cộng tác với các dự án. Có lẽ, khi là người chọn một con đường đi còn mới mẻ, vừa cho mình cơ hội được nổi bật, vừa tạo ra cảm giác phải cô độc chống chọi giữa sa mạc, chàng họa sĩ Ronin sẽ còn nhiều bước rẽ phải lựa chọn. Nhưng rồi, anh biết dù có tận thế, mình vẫn phải “sống” bởi “cốc nước đầy thì mới cho đi được”.
Text: Louis Nguyen, Phuong Huyen
Photo: Trupi
Producer:C.H
Assistant: Ly Binh Son