Album này khi chưa chính thức ra mắt, thì đã nhanh chóng được “leaked” (tải lậu) tại Việt Nam, và trong đó có một ca khúc Coldplay hát cùng ngôi sao Rihanna với cái tên: “Princess of China”. Ca khúc này đã khiến giới truyền thông lẫn những người làm nghệ thuật ở Việt Nam sôi sục, bởi vì… nghi ngờ đạo nhạc từ bản nhạc “Ra ngõ tụng kinh” (ca sĩ Trần Thu Hà, sáng tác: nhạc sĩ Trần Tiến, hòa âm phối khí: guitarist Thanh Phương).
Nghi án này chỉ im ắng sau khi album của Coldplay chính thức được phát hành, và ở mặt sau của bìa đĩa, Coldplay đã có ghi rõ ràng rằng trong album này họ sử dụng một phần đoạn nhạc sample của bài “Takk” từ ban nhạc Iceland Sigur Ros. Những nghi án đạo nhạc vẫn là những câu chuyện dài tập và bài viết này không nhằm mục đích đề cập sâu hơn, nhưng có điều nhờ vậy mà Coldplay đã được một cú áp-phe PR rầm rộ “miễn phí” ở đất nước nhỏ bé này, nơi mà đa số công chúng vẫn hầu như chưa biết nhiều về họ.
Quay trở lại với Glastonbury & Coldplay, nhân sự kiện nhóm lần thứ 3 trở thành headliner ở lễ hội âm nhạc nghệ thuật này, đài BBC đã thực hiện một đoạn phóng sự quay ngược thời gian trở về thời điểm năm 2000, thời điểm lần đầu tiên Coldplay được xuất hiện trên sân khấu của Glastonbury (lúc đó chưa phải là headliner, dĩ nhiên rồi). Thời điểm đó Coldplay vừa mới phát hành đĩa đơn “Yellow”, một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm đến thời điểm này, và sau đó là album đầu tay “Parachutes”, chính thức ghi dấu cái tên Coldplay trong làng âm nhạc của nước Anh và thế giới.
Nhiều người vẫn còn nhớ, Chris Martin (ca sĩ/ trưởng nhóm) của Coldplay đã phát biểu như sau trước đám đông khán giả trước khi ban nhạc bắt đầu trình diễn tại Glastonbury năm đó: “Chắc là đa số mọi người chưa biết đến chúng tôi, chúng tôi là Coldplay. Rất tuyệt khi thấy các bạn đến xem chúng tôi diễn, trước khi chúng tôi trở thành một ban nhạc ‘khủng’ cỡ như Bon Jovi”. Lời phát biểu của chàng trai trẻ khi đó đã khiến đám đông phì cười và họ cũng chẳng mấy để tâm, nhưng 11 năm sau, nó đã trở thành hiện thực.
Coldplay giờ đây đã là nghệ sĩ kinh điển của “thánh địa” Glastonbury và là một trong những ban nhạc tuyệt vời nhất thế giới, và sẽ chẳng ai nghĩ đến việc so sánh họ với Bon Jovi mà nếu có thì phải so với những ban nhạc có tầm vóc cỡ như U2 chẳng hạn.
Nhưng dù vậy âm nhạc của họ vẫn mang những khác biệt nhất định. Chất nhạc của Coldplay trong hai album đầu, dưới tay nhà sản xuất Ken Nelson, mang đậm không khí trầm lắng, đầy tự sự và nội tâm. Ca từ của Coldplay được viết rất đẹp, như những vần thơ, nhưng cũng thường bị chê là khá nữ tính. Nhưng Coldplay đặc biệt rất giỏi trong việc chuyển hướng tâm trạng và cảm xúc của người nghe từ thấp lên cao, từ trầm lắng lên hứng khởi, từ buồn bã đến lạc quan.
Rất nhiều ca khúc của nhóm thường được bắt đầu với guitar thùng và piano trầm lắng, ca từ nhả chữ chậm rãi, và có nhiều khoảng lặng nhưng chỉ sau một đoạn riff guitar, cả không khí bài nhạc đều thay đổi, trở nên rộn ràng, bừng sức sống. Tiêu biểu cho phong cách này là bài hit “Fix you” hay “Yellow”. Bởi thế mà Coldplay được người ta gán cho cái tên “Ban nhạc của niềm lạc quan”.
Sự nghiệp của Coldplay tính đến thời điểm này, có thể được chia làm hai giai đoạn, trước album ‘“X&Y” và sau đó.
Trước “X&Y” thì “A Rush of Blood To The Head” ra mắt năm 2002 được xem là album hay nhất, thành công nhất. Ngoài 2 giải Grammy năm 2003 (cho “Album nhạc Alternative Xuất sắc nhất”) và 2004 (cho “Ghi âm của Năm”), Coldplay còn được độc giả của tờ Rolling Stones bầu chọn là nghệ sĩ và ban nhạc xuất sắc nhất năm. Sau đó ở album “X&Y” cả nhóm cảm thấy khá mệt mỏi và nhàm chán với chính những gì mình đang làm và quyết định sẽ cần phải thay đổi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện album, nhóm nhận thấy các bản thu đều nhạt nhẽo, vô vị, không có gì mới mẻ. Và hậu quả là họ phải thay nhà sản xuất Ken Nelson đồng thời cho vào khá nhiều chất liệu âm nhạc điện tử ảnh hưởng từ thập niên 1970. Tuy nhiên kết quả thì “X&Y” vẫn bị nhận những đánh giá thiếu tích cực.
Chỉ đến khi thực hiện album thứ tư “Viva la Vida or Death and All His Friends” thì giai đoạn đổi thay quyết liệt nhất của Coldplay mới thật sự bắt đầu. Album này dưới sự dẫn dắt của nhà sản xuất nổi tiếng Brian Eno, vốn là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nhạc ambient & electronic, nhạc thể nghiệm, người đã từng sản xuất và biểu diễn cho những tên tuổi như Talking Heads, David Bowie, U2, Depech Mode…
Brian Eno với quyết tâm thay đổi âm nhạc của Coldplay một cách toàn diện, đã bắt cả nhóm phải thử nghiệm nhiều hình thái âm nhạc khác nhau, bắt các thành viên phải mở rộng gu nghe nhạc, thưởng thức âm nhạc của mình. Cả nhóm nhạc đã trải nghiệm việc ghi âm ở các nước nói tiếng Bồ Đào Nha như Mexico hay Tây Ban Nha, hoặc thậm chí trải qua việc thu âm với những nhạc cụ và thiết bị cơ bản ngay trong những nhà thờ ở thủ đô Barcelona, Tây Ban Nha, để thử nghiệm và tìm kiếm những kiểu âm thanh nhất định. Nhưng điểm quan trọng nhất về mặt cải tiến của album này là Chris Martin đã quyết định hạ tông giọng hát của mình từ nam cao xuống những quãng thấp hơn, trầm hơn rất nhiều. Đó cũng là một trong những yêu cầu của producer Brian Eno, nhằm tạo ra sự khác biệt trong từng ca khúc.
Bên cạnh âm nhạc thì “Viva La Vida” còn là một bước đột phá về mặt hình ảnh thị giác và chủ đề trong ca từ. Để tạo cảm hứng cho việc hình thành những ý tưởng về mặt hình tượng, thị giác cho những ca khúc trong album, Chris Martin tiết lộ rằng anh đã đọc rất nhiều tiểu thuyết của Charles Dickens.
Thêm vào đó về mặt chủ đề nội dung ở album này là một sự mở rộng rất lớn với chủ đề chính truyền tải tinh thần cách mạng. Album đề cập đến những vấn đề về chính trị, chiến tranh, cách mạng và tình yêu. Thậm chí để mọi thứ được đồng nhất một cách cao độ, Coldplay đã quyết định mặc những kiểu trang phục cách tân từ phục trang của các chiến sĩ của Cách mạng Pháp, và sơn, vẽ những họa tiết, tông màu của phong cách đó lên toàn bộ nhạc cụ mà ban nhạc luôn chơi khi biểu diễn.
Với những đổi thay và cách tân mạnh mẽ đó, Coldplay đã thật sự bước sang một giai đoạn khác, lớn mạnh hơn, cá tính hơn.
Ba năm sau, từ những gì đổi mới ở “Viva La Vida” giờ đây với “Mylo Xyloto”, ban nhạc tiếp tục hành trình khám phá những chất liệu và sáng tạo mới một cách rõ ràng, tự tin.
Tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất Brian Eno, Coldplay thực hiện “Mylo Xyloto” với chủ đề chính là một câu chuyện tình với kết cục có hậu của hai nhân vật: Mylo và Xyloto. Hai nhân vật này sống trong môi trường đô thị đầy bức bối và lạc lõng, tình cờ gặp nhau trong một nhóm có tên “The Lost Boys’ và yêu nhau.
Ngày 26 tháng 10 mới đây, Coldplay đã có buổi biểu diễn “Unstaged” ra mắt album “Mylo Xyloto” tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha và buổi biểu diễn đó đã được truyền trực tiếp trên Youtube đến 11 triệu fans trên 22 quốc gia (rất tiếc là không có Việt Nam). Buổi biểu diễn được đạo diễn bởi Anton Corbjin, đạo diễn tài năng nổi tiếng với bộ phim “Control” nói về sự nghiệp của chàng trai Ian Curtis trưởng nhóm Joy Division, tự tử ở tuổi 23.
“Mylo Xyloto” đến thời điểm này đã nhận được vô vàn những lời phê bình tích cực của giới chuyên môn, cũng như liên tục đứng đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Coldplay trở thành nhóm nhạc thứ 3 trong lịch sử âm nhạc Anh Quốc có tất cả 5 albums đứng đầu bảng xếp hạng ngay trong tuần đầu tiên phát hành, sau The Beatles (11 albums) và Oasis (7 albums).
Các thành viên: Chris Martin: ca sĩ/ trưởng nhóm
– Jonny Buckland: Guitars chính
– Guy Berryman: guitar bass & Will Champion: trống/ bộ gõ
Các album: “Parachutes”, “A Rush of Blood To The head”, “X&Y”, “Viva La Vida or Death and All His Friends”, “Mylo Xyloto”.
Giải Thưởng: 7 giải Grammy, 6 giải Brits Awards & 4 giải MTV Video Awards.
Những điều bạn có thể chưa biết về Coldplay:
• Nghệ sĩ có ảnh hưởng và tạo cảm hứng nhiều nhất cho Coldplay là Jeff • Trong album “X&Y” bản gốc khi mới phát hành có một ca khúc ẩn với • Coldplay là nhóm nhạc duy nhất (cùng với ca sĩ Norah Jones) được mời • Trong khoảng thời gian năm 2007-2009 mỗi khi Coldplay biểu diễn, công • Đứng đằng sau những thành công của Coldplay, ngoài vai trò của các nhà |