Không phải ngẫu nhiên mà tại Mỹ, các chuyên gia dự báo “Coco” sẽ giành chiến thắng về doanh thu trước bom tấn siêu anh hùng “Justice League” trong đợt nghỉ Lễ Tạ ơn. Đơn giản là bởi chất lượng vượt trội của “Coco” so với nhiều phim chiếu rạp Mỹ kể từ đầu năm chứ không riêng gì dòng phim hoạt hình.
Ngay từ lúc này, có thể nói tượng vàng Oscar “Phim hoạt hình xuất sắc” đầu năm tới đã có một ứng cử viên sáng giá và xứng đáng.
Câu chuyện phim xoay quanh cậu nhóc Miguel (Anthony Gonzalez lồng tiếng) sinh ra và lớn lên tại Mexico. Bà cố của Miguel từng bị bỏ rơi bởi người chồng vì đam mê âm nhạc dẫn tới việc trong đại gia đình Miguel, không ai được phép chơi nhạc. Từ đời bà cố cho đến cha mẹ Miguel đều theo nghiệp đóng giày, trong khi nhóc Miguel lại âm thầm chơi nhạc với thần tượng số một là danh ca Ernesto de la Cruz (Benjamin Bratt).
Tới lễ hội Dia de los Muertos (Ngày của người Chết), Miguel vô tình lạc vào thế giới của những hồn ma sau khi đánh cắp một cây đàn của de la Cruz. Để được trở lại thế giới của con người, Miguel cần gặp de la Cruz trước khi mặt trời mọc để được ông ban phước. Bằng không, cậu sẽ trở thành một linh hồn và mãi mắc kẹt nơi đây.
Cuộc du hành trong thế giới người chết của Miguel được bắt đầu từ đây, với sự trợ giúp của anh chàng hồn ma Hector (Gael Garcia Bernal)…
Không phải ngẫu nhiên mà “Coco” được xem là phim Pixar xuất sắc nhất kể từ “Inside Out”. Nói một cách vui thì Pixar tìm lại được linh hồn khi làm phim về thế giới của người chết.
Trong quãng thời gian giữa hai tác phẩm kể trên, Pixar đã cho ra đời thêm “The Good Dinosaur”, “Finding Dory” và “Cars 3”. Các bộ phim trên đều ăn khách và được đánh giá ở mức từ xem được cho tới khá, nhưng sẽ là khập khiễng nếu so với “chuẩn Pixar.”
Trong quá khứ, cứ mỗi lần Pixar ra phim mới là người ta lại gọi đó là một “kỳ quan hoạt hình” bởi chất lượng xuất sắc. Những “Monster Inc.”, “The Incredibles”, “Wall-E” hay bộ ba “Toy Story”… cho thấy sức tưởng tượng tuyệt vời của đội ngũ làm việc tại Pixar. Đạo diễn của “Coco” là Lee Unkrich – người từng thực hiện siêu phẩm “Toy Story 3” và khi xem phim, khán giả có thể thấy nhiều nét tương đồng: từ cuộc phiêu lưu đặc sắc cho tới khúc cuối vỡ òa cảm xúc.
Pixar từng đưa cảm xúc vào đồ chơi (ba tập phim “Toy Story”), cá (“Finding Nemo”), siêu anh hùng (“The Incredibles”), chuột (“Ratatouille”), người máy (“Wall-E”) cho tới chính… cảm xúc (“Inside Out”).
Và tới “Coco”, tới lượt những vong hồn cũng có thế giới và những cảm xúc của riêng mình. Không như tưởng tượng của nhiều người về thế giới vong hồn âm u đen tối, thế giới của người chết trong “Coco” hiện lên nguy nga sắc màu. Tại đây cũng phân chia đủ công việc, giai cấp hay có cả những ngôi sao như dương gian. Những vong hồn dù đã mất nhưng có những hoạt động giải trí và say mê cổ vũ khi thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Với kinh phí khoảng 200 triệu USD, “Coco” có đồ họa đẹp mắt và gây ấn tượng về thị giác. Ngay từ khoảnh khắc cậu bé Miguel bước qua cây cầu hoa nối dương gian với cõi âm, khán giả đã có thể bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của thế giới linh hồn.
Các hồn ma được thiết kế dưới hình dạng bộ xương thân thiện chứ không gây sợ, trong khi những thần thú toát ra vẻ uy nghiêm. Dù là phim hoạt hình “Coco” nhưng thích hợp nhất đối với trẻ em từ sáu tuổi trở lên bởi cần một số hiểu biết nhất định để thưởng thức phim.
Nếu chỉ có vẻ đẹp thị giác thì “Coco” đã không nhận được nhiều đánh giá tích cực đến vậy. Bộ phim thành công không chỉ trong việc xây dựng thế giới linh hồn hay đưa văn hóa Mexico tới khán giả đại chúng mà còn bởi cách xây dựng tâm lý nhân vật và gửi gắm những thông điệp ngầm.
Nhân vật tiêu biểu là cậu bé Miguel giàu đam mê với niềm đam mê nhưng bị gia đình cấm cản – dù là bà nội ở dương gian hay bà cố ở cõi âm. Nhưng xuyên suốt hành trình kỳ thú để gặp gỡ thần tượng de la Cruz ở cõi âm, Miguel đã vỡ ra nhiều điều. Cậu nhận ra rằng đằng sau không phải cái gì cũng giống như vẻ bề ngoài, người nghiêm khắc có thể ẩn trong mình chan chứa yêu thương còn những kẻ bóng bẩy hào nhoáng có khi lại mang tâm xà. Đó là lúc Miguel phải tìm cách dung hòa giữa đam mê âm nhạc và tình cảm gia đình.
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong “Coco”, Bộ đôi từng giúp “Frozen”thành công rực rỡ là Kristen Anderson-Lopez và Robert Lopez tiếp tục ghi dấu ấn trong “Coco” với ca khúc “Remember Me”. Nếu như đa phần âm nhạc trong phim và ngay cả chính “Remember Me” ở phần đầu mang sắc thái vui tươi hội hè của Mexico thì khi ca khúc này được cất lên ở cuối phim, nhiều khán giả khó lòng cầm nổi nước mắt. Đằng sau ca khúc ấy là một câu chuyện cảm động, và bối cảnh ca khúc được hát càng thêm phần xúc động.
Đó là phép nhiệm màu của Pixar, là thứ khiến hãng phim này trở nên đặc biệt trong lòng giới mộ điệu điện ảnh: Chạm vào trái tim, những mảnh ký ức của khán giả một cách tự nhiên, dung dị nhất mà không cần gồng mình gượng ép. Dù là người lớn hay trẻ con đều có thể tìm thấy một phần nào bản thân mình và những cảm xúc mà mình có thể trực tiếp liên hệ khi xem phim của Pixar.
“Coco” như một bản nhạc đủ những nốt vui tươi cho tới trầm để rồi khi bước chân khỏi rạp, ta không khỏi bồi hồi nghĩ về gia đình, về đam mê của bản thân và thầm cảm ơn phép nhiệm màu của điện ảnh.