Cock tail: Tận hưởng cuộc sống!

Đầu thế kỷ 19, người ta ngơ ngác khi một từ lạ hoắc lần đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo giấy ở Mỹ: “cocktail”. Lúc ấy người ta coi nó như một thứ đồ uống bình thường, đại khái như trà hay cà phê. Hơn 200 năm sau, công cụ tìm kiếm Google trả về hơn 50 triệu kết quả khi bạn gõ từ khóa “cocktail”.

 Khó có thể tưởng tượng nổi một quán bar ngày nay lại không có một danh sách vài chục loại cocktail. Thứ đồ uống này giờ đã trở thành một thứ văn hóa, thậm chí thưởng thức và pha chế cocktail là một nghệ thuật tinh tế của loài người.

Từ nước Mỹ, cocktail vượt đại dương chinh phục cả châu Âu, rồi toàn thế giới. Những quán bar đông đúc ở Anh, tiệc rượu trang trọng ở Pháp, những bãi biển vắng lặng như thiên đường ở Hawaii… đều có hình bóng của những ly cocktail đầy màu sắc.

Nếu như những hình ảnh đại diện cho văn hóa Mỹ như Coca-Cola, McDonald’s… thường gặp khó khăn khi tìm cách len lỏi vào những cộng đồng không ưa lối sống Mỹ thì cocktail lại được đón chào như một người bạn cũ. Thực là một hiện tượng lạ trong lịch sử du nhập văn hóa của loài người.

Không chỉ được chào đón, ở mỗi nơi cocktail xuất hiện, nó đều được những bartender ở vùng đất mới say mê sáng tạo thêm cho nó vô vàn hình hài khác nhau.

Ở Anh, những công thức cocktail với Gin đã được ra đời. Ở  Ireland là những sự pha trộn với Irish Whisky. Nước Pháp không bỏ lỡ cơ hội lôi champagne, cognac ra thi thố.

Đến Nhật Bản thì lại có những cocktail pha từ sake… Bất kể đâu cocktail cũng nhanh chóng được coi là một phần văn hóa ẩm thực bản địa.

Trong 200 năm, cocktail đã thể hiện một sức sống mạnh mẽ mà rất ít thứ đồ uống nào có được. Luật “khô” – cấm đồ uống có cồn – ở Mỹ, rồi ở Nga thực chất chỉ làm cho cocktail có thêm sức sống mới, thêm những biến hóa mới mà không thể loại cocktail ra khỏi những bữa tiệc sang trọng của những chính trị gia hay những tay quý tộc giàu có.

Với những kẻ khốn cùng, pha cocktail là một cách “dễ nuốt hơn” để họ tìm lại chút ấm áp trong những ngày đông giá rét, quên đi những mệt nhọc ban ngày.

Những thủy thủ tàu buôn, chiến binh hải quân hay thậm chí những tên cướp biển cả đời lênh đênh trên sóng lại cùng có chung những món đồ uống pha chế với rượu rum.

Từ một, hai công thức đơn giản ban đầu, cho đến nay có hàng vạn loại cocktail được đóng góp vào kho công thức pha chế. Không chỉ các bartender mà cả những khách ẩm thực sành điệu khắp nơi cũng góp phần vào việc sáng tạo ra vài trăm loại mới mỗi năm.

 Có thể nói không một cuốn sách dạy pha chế nào từ trước đến nay dám khẳng định rằng mình đã liệt kê đầy đủ các công thức hiện có. Tương tự, không ai biết đến bao giờ loài người mới dừng những sáng tạo dành cho cocktail.

Mỗi ly cocktail đều mang trong nó một câu chuyện, ít nhiều mang tính lịch sử và văn hóa. Hơi thở của thời đại luôn phảng phất đâu đó trong hương vị chúng. Này thì là Dry Martini không chỉ là của những đời tổng thống Mỹ mà còn nổi danh cùng anh chàng điệp viên 007.

 Daiquiry luôn có trên bàn viết của nhà văn Hemingway. Những thợ dầu khí Mỹ làm việc tại Iran với ly Screwdriver có cắm thứ dụng cụ lao động bất ly thân là chiếc tuốc-nơ-vít.

Rồi thì những ly Sidecar dành cho một viên sỹ quan Pháp mê cả cocktail lẫn xe xít-đờ-ca… Có những loại cocktail chỉ nghe tên thôi đã tưởng tượng ra cả những câu chuyện dài: B52, Sex on the Beach, Cuba tự do, Mùa hè Ấn Độ, Moon River…

Với đặc tính phong phú, cocktail thừa đủ để chiều khẩu vị, gu thưởng thức của đủ mọi lứa tuổi, giới tính, đẳng cấp bất chấp quý khách có khó tính đến mấy.

Thích chua có chua của cam, chua nữa thì có chanh, mặn cũng có, ngọt thì không biết bao nhiều mà kể, vị cà phê, vị dâu, vị chuối, vị trứng, vị hồi quế… tóm lại là thích gì cũng chiều.

Nếu gặp khách khó tính quá thì xin mời các vị cứ việc tự nghĩ ra cho mình một công thức mới, bartender sẵn sàng tiếp chiêu. Nếu may mắn, ly cocktail mới ấy còn vinh danh cả người khách khó tính đã nghĩ ra nó ấy chứ.

Một điểm kỳ lạ nữa là cocktail không hề khó tính trong việc chọn người nâng nó trên tay. Cùng một ly Margarita, bà cụ toan về già cũng nâng lên đặt xuống, cô gái trẻ cũng nhấp môi, anh thanh niên to khỏe cũng nhón tay cầm cốc.

 Đại khái là ai uống nhìn cũng hợp. Chuyện này thì thời trang và quần áo chắc chắn không thể nào bằng được cocktail. Vậy nên, cứ thoải mái gọi một ly cocktail bất kỳ mà không sợ có kẻ đàm tiếu: “Trông thế kia mà lại uống cái ấy!”

Bartender luôn khá cầu kỳ trong việc trang trí một ly cocktail trước khi mang đặt trước bạn.

Thế nhưng vẻ đẹp của một ly cocktail không đơn giản chỉ nằm ở cái bề ngoài sặc sỡ màu mè. Cũng như những sản phẩm văn hóa khác, nâng một ly cocktail lên để thưởng thức luôn cần một sự trân trọng vừa đủ.

Không chỉ để cảm nhận hết sự tinh tế của những thứ đồ uống mang trong mình những câu chuyện dài của hàng thế kỷ mà còn là trân trọng cảm xúc của chính mình. Đó chính là cách tận hưởng cuộc sống tuyệt đẹp này!

 Bài và ảnh: Exe
Bartender: Nguyễn Thái Dương ( Mosaique Livingrom)

Các tin liên quan

Ly Cocktail cuối cùng
Cocktail cho riêng mình!
Cocktail: Uống cả nền văn hóa!

 

 

 


From the same category