Trong khi “red flag” (cờ đỏ) thường là dấu hiệu rõ ràng để chấm dứt một mối quan hệ không lành mạnh, thì “yellow flag” (cờ vàng) được sử dụng để chỉ những dấu hiệu cảnh báo cần được giải quyết nhằm đảm bảo tính ổn định và bền vững của mối quan hệ đó.
“Yellow flag” có thể không phải là yếu tố then chốt phá vỡ hạnh phúc nhưng nó sẽ biến thành “red flag” nếu vấn đề đó không được xử lý hoặc giải quyết. “Yellow flag” tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau và không dễ đoán trước, nếu bạn đang hẹn hò hay trong một mối quan hệ, việc nhận biết “yellow flag” sẽ giúp bạn đánh giá tình huống hiện tại và quyết định có nên tiếp tục hay kết thúc mối quan hệ đó.
Họ muốn dành toàn bộ thời gian cho bạn: Theo Laura Wasser – một luật sư nổi tiếng tại Mỹ, chuyên gia về Luật gia đình: “Nếu ai đó trở nên quá phụ thuộc vào người bạn đời của họ, đó có thể là một dấu hiệu đáng báo động, điều này dẫn đến áp lực quá mức và sự mất cân bằng trong mối quan hệ”.
Không có thú vui hoặc sở thích nào: Những sở thích bên ngoài giúp con người trở nên toàn diện hơn. Nếu nửa kia của bạn không có mối quan tâm nào khác ngoài chuyện tình cảm, hãy xem liệu họ có đang tự cô lập mình hay phải đối mặt với chứng trầm cảm hoặc lo âu không. Việc không có thú vui cá nhân có thể gây ra sự mất cân bằng trong mối quan hệ vì bạn không thể chia sẻ được sở thích và hoạt động với người yêu của mình.
Không có các mối quan hệ xã hội khác: Việc không có bạn bè thân thiết có thể là dấu hiệu cho thấy nửa kia của bạn thiếu kỹ năng xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Không sẵn lòng thỏa hiệp: Trong mối quan hệ, nếu bạn là người luôn cố gắng giữ hòa khí thì đó là một vấn đề cần lưu ý. Bởi một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi cả hai bên phải sẵn sàng lắng nghe và cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp.
Có quá nhiều khoản nợ: Không phải tất cả các khoản nợ đều xấu, tuy nhiên bạn cần chắc chắn rằng đối phương không trốn tránh hay chi tiêu bừa bãi mà phải có kế hoạch giải quyết chúng rõ ràng.
Không tôn trọng giới hạn cá nhân của bạn: Nếu đối phương thường xuyên đến trễ và khiến bạn phải chờ đợi hoặc không tôn trọng các quy tắc mà bạn đặt ra, điều này cho thấy họ thiếu quan tâm và lo lắng cho cảm xúc của bạn.
Thường xuyên đổ lỗi cho người yêu cũ: Nếu nửa kia của bạn thường đổ lỗi cho người yêu cũ về mọi vấn đề, thậm chí là những vấn đề không liên quan đến mối quan hệ của bạn, thì bạn cần phải xem xét lại chuyện tình này. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ không chịu trách nhiệm cho hành động của mình và không sẵn sàng giải quyết các vấn đề một cách trực tiếp.
Ít chia sẻ với bạn: Nếu đối phương luôn che giấu mọi thứ hoặc ít chia sẻ chi tiết về cuộc sống của họ với bạn thì đó có thể là dấu hiệu của “yellow flag”, điều này cho thấy các vấn đề về lòng tin hoặc giao tiếp cần phải được cùng nhau giải quyết.
Họ quá lạnh nhạt hoặc quá thân thiết với người thân trong gia đình: Khi nửa kia quá gần gũi với gia đình, họ có thể sẽ không dành đủ thời gian cho bạn hoặc có trường hợp, gia đình họ sẽ can dự quá sâu vào mối quan hệ của hai người.
Họ không muốn đề cập đến chuyện tương lai của cả hai: Điều này có thể cho thấy nửa kia của bạn chưa muốn cam kết vào một mối quan hệ dài hạn. Trong một mối quan hệ chân thành và nghiêm túc, việc nói chuyện về tương lai là điều cần thiết để cả hai hiểu rõ mong muốn của nhau và xác định được hướng đi chung.
Sau khi đã xác định được những dấu hiệu “cờ vàng” trong mối quan hệ, trước tiên bạn hãy nhìn nhận vấn đề từ hai phía để dễ dàng cảm thông cho nửa kia. Tiếp đến là giao tiếp chân thành và cởi mở để hiểu quan điểm của nhau, xem những thay đổi nào có thể được thực hiện, những thỏa hiệp nào có thể được đồng ý để quyết định xem có nên tiếp tục mối quan hệ hay không.
Trong khi cho nhau thời gian và không gian để giải quyết vấn đề, bạn hãy làm rõ những tiêu chuẩn và ranh giới của bản thân, tuyệt đối không đổ lỗi và quy hết trách nhiệm cho đối phương. Đặc biệt, bạn phải chú ý đến cảm nhận của chính mình, hãy lắng nghe những gì đang diễn ra bên trong bạn. Thực hành chánh niệm là một cách tốt để khai thác cảm xúc cá nhân và giữ cho tinh thần lý trí. Trên tất cả, hãy trung thực với chính mình để không hối hận khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ảnh: Pinterest
Nguồn: werywellmind.com