Bố mẹ tôi bỏ nhau không lâu sau đó. Bạn có bao giờ nhận ra rằng mọi câu chuyện cổ tích đều chấm dứt vào ngày cưới hay không? Cả tôi nữa tôi cũng cưới hai lần, và tôi cũng đã cảm thấy cùng nỗi e ngại đó, ở mỗi lần, ngay đúng vào khoảnh khắc nói “có”, cái trực giác khó chịu rằng điều tốt đẹp nhất đã ở lại sau lưng rồi” – Frédéric Beigbeder, “Một tiểu thuyết Pháp”.
Cổ tích chấm dứt và bi kịch mở màn. Mời quý vị ổn định chỗ ngồi, chúng tôi sắp trình diễn vở bi kịch mang nhan đề “Anh đường anh, tôi đường tôi”, không không, quý vị đừng quá mẫn cảm, vẻ bề ngoài của bi kịch này trông giống hệt một hài kịch. Tức là rất vui, rất thắm tươi hạnh phúc. Anh đường anh, tôi đường tôi nhưng mà xuất hiện trước họ hàng chòm xóm, bạn bè sơ giao, các mối làm ăn vẫn như một đôi vợ chồng hạnh phúc nhất đời. Hạnh phúc nở hoa rực rỡ đến mức cả thế giới phải ganh tị. Tôi đã nói rồi, đây là kịch… vui cơ mà.
Nếu là tôi, tôi chẳng bao giờ đóng nổi một vai trong vở. Đây không phải là sự chịu đựng vì tình vì nghĩa, đây là trò mèo đánh lừa thiên hạ. Tại sao khi mỗi người đều đã yêu người khác, tung tăng hay là lén lút hẹn hò ngoài phố đông hay là nơi vắng vẻ “thiên đường là đây”, mà về nhà cứ phải diễn vợ chồng đầm ấm, mà tối nào cũng diễn, diễn thường trực đều đặn còn hơn cả sân khấu Idecaf?
Ở đây có một điều gì đó rất ngớ ngẩn
Có phải tình hết còn nghĩa, nên người ta không thể bỏ nhau? Tôi không tin, dù vì nghĩa, người ta có thể cư xử lá mặt lá trái với nhau được. Hẳn ở đây phải có gì đó khác. Hay là quyền lợi về địa ốc, gia sản, con cái? Hay vì sĩ diện? Vâng, thì cũng tạm cho là một phương cách. Nhưng ngớ ngẩn thì cứ là ngớ ngẩn.
Chúng ta hãy thống nhất với nhau nguyên tắc: ta chỉ có thể yêu một người ở một thời điểm. Vậy, khi quan hệ vợ chồng không còn dựa trên cơ sở tình yêu nữa, thì vai kịch vợ chồng hạnh phúc sao cho tròn vai (với họ hàng chòm xóm)? Vẫn cứ phải anh yêu em, em yêu anh cười tươi nhìn vào mắt nhau, tay trong tay, vai sát vai trộn vào nhau hai mái tóc ngắn dài, vào tất cả các dịp giỗ kỵ cưới xin tiệc tùng lễ lạt?
Vậy, những lúc phải “lên sân khấu” ấy, người yêu THẬT của mỗi người – tức là mối quan hệ họ đang có ở ngoài hôn nhân – vứt đi đâu? Cái người mà họ đang yêu ấy, phải chịu đựng nhục nhằn thế nào, như thế có công bằng chút nào không?
Và khi đầu gối tay kề với “người ngoài”, bạn đâu có nói với họ rằng hôn nhân là ngục tù, họa chăng ngục tù chỉ là hôn-nhân-hiện-tại, còn cái viễn cảnh hôn nhân với người ngoài kia thì vẫn là cổ tích, vẫn đầy hoa trái ngọt ngon… Cú lừa của bạn thành một cú đúp, thậm chí nhân ba: ở môi trường các quan hệ ruột thịt (gia đình hai bên), bạn vờ như hôn nhân vẫn đang tồn tại xuôi chèo mát mái; với người yêu hiện tại, bạn bảo rằng hôn nhân hiện có là một sai lầm; và bạn hứa rằng hôn nhân tương lai sẽ có với người yêu mới đúng là hôn nhân đích thực. Haizzz!
Tôi biết một số cặp chơi trò bắt cá hai tay, duy trì hôn nhân hiện có ở mức độ bình thường – bình thường THỰC SỰ, tôi nhấn mạnh – nghĩa là vẫn chung chăn gối, vẫn chia sẻ các trách nhiệm giao đãi bổn phận, vẫn đưa con cái cả nhà cùng đi nghỉ mát. Chỉ khi nào đến với người bạn tình mới, họ mới ca bài con cá sống nhờ nước, anh sống nhờ em, vợ chồng anh tan tác từ đời nảo đời nào mà chưa thể ly dị được ấy là vì… ấy là vì… em cố chịu khó một thời gian nữa không lâu đâu anh sẽ… anh sẽ…
Những đứa con, còn bé không nói làm gì, nếu chúng đã tương đối lớn, chúng dư sức hiểu bố mẹ mình đang đóng kịch, đồng sàng mà dị mộng từ lâu. Chúng sẽ phải chấp nhận cái thực tế ấy một cách vui vẻ, hay là sẽ rơi vào trầm cảm, tự kỷ, trong đầu lúc nào cũng ong ong câu hỏi không lời đáp: sao người lớn họ có thể ngớ ngẩn như thế nhỉ.
Tôi cũng thấy ngớ ngẩn và đáng trách
Cổ tích đã hết, hoàng tử không cứu được Lọ Lem mà lỡ tay làm chết luôn Lọ Lem, thì cũng đành thôi, cũng đã chấm dứt một câu chuyện. Thỏa thuận ngầm rằng cổ tích còn tiếp, còn nhiều tập hơn cả phim Hàn, còn có hậu hơn cả “Nghìn lẻ một đêm”, thì có ích gì ngoài việc đẩy các nhân vật liên quan vào một mớ bòng bong lừa dối, phản bội, tổn thương, trầm cảm?
Hôn nhân, trong hầu hết các trường hợp, là một vết thương. Chữa lành vết thương không bao giờ có thể bằng cách xuê xoa là chẳng có vết thương nào. Nếu không thể cứu vãn, tốt hơn hết là nhanh chóng khoét bỏ chỗ hoại tử. Gia đình đâu bao giờ đứng vững trên một vở kịch, dù bạn đóng khéo cách mấy. Trò đánh lừa mọi người và tự đánh lừa chỉ nói lên một điều là bạn hèn nhát.
Tôi vô cùng dị ứng với kiểu bi hài kịch này. Vui không nổi mà buồn chẳng xong!