Đợi cấp biển số xe tại Đội Đăng ký xe quận 5, TP.HCM. Ảnh: Pháp Luật TPHCM.
Sửa cả thủ tục lẫn thuế, phí
– Sau cuộc họp của Bộ Công an với Bộ Tư pháp ngày 19-11, tới đây chúng ta sẽ sửa đổi các quy định như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện?
– Ông Trần Thế Quân: Vấn đề này còn phải nghiên cứu và lấy thêm ý kiến của các đơn vị liên quan. Nhưng có mấy hướng theo chúng tôi cần tập trung tháo gỡ, như đối với những xe đã qua nhiều đời chủ thì có thể thủ tục đăng ký sẽ đơn giản hơn.
Ví dụ, chỉ cần người bán và người mua cuối cùng cam kết chịu mọi trách nhiệm liên quan thì sẽ cho đăng ký. Điều này cũng phù hợp với luật dân sự, vì người mua và người bán đã cam kết nếu có rủi ro gì thì họ tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đấy chỉ là một ví dụ thôi chứ bây giờ tôi cũng chưa thể khẳng định được sẽ sửa quy định theo hướng nào. Nhưng chắc chắn một điều là phải đơn giản hóa các thủ tục để phù hợp thực tế hơn và quan trọng là dễ cho người dân.
– Nhưng nếu muốn đơn giản hóa các thủ tục, chúng ta sẽ phải sửa đổi hàng loạt quy định pháp luật. Bộ Công an có sẵn sàng kiến nghị sửa đổi?
– Bộ Công an không ngại gì cả, miễn sao việc sửa đổi đó tạo thuận lợi hơn cho cả người dân và cơ quan quản lý. Hiện chúng tôi cũng đang trong quá trình nghiên cứu rút gọn các thủ tục để giảm phiền hà cho người dân.
– Nhưng nếu thuế, phí vẫn cao như hiện nay, người dân sẽ ngại không chủ động đi sang tên đổi chủ?
– Đúng là nếu lệ phí quá cao sẽ khiến người dân không chịu chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là trong điều kiện đời sống khó khăn như hiện nay.
Ví như, hiện mức lệ phí đăng ký xe của Hà Nội cao gấp nhiều lần các địa phương khác, vì thế người dân Hà Nội sẽ đi đăng ký ở các tỉnh, thành khác và xe lại mang tên người khác.
Vấn đề này trước đây Bộ Công an đã có công văn kiến nghị nhưng Bộ Tài chính chưa đồng ý, bây giờ phải tiếp tục đề nghị thêm.
Xem xét lại việc phạt
– Nếu người dân mua bán xe lâu rồi, giờ mới đi chuyển quyền sở hữu thì theo quy định, họ sẽ bị phạt hành chính. Như vậy có bất hợp lý không?
– Điều này phải tùy thuộc vào thời điểm vi phạm. Chẳng hạn, anh vi phạm sau khi Nghị định 71 có hiệu lực thì anh bị xử phạt theo Nghị định 71. Còn nếu anh vi phạm trước đó thì phải áp dụng các nghị định trước theo nguyên tắc có lợi cho người dân.
– Nhiều ý kiến cho rằng nên tạm dừng xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71 trong một thời gian nhất định…
Đây cũng là một hướng mà các cơ quan đã bàn đến và dự định sẽ kiến nghị (có thể áp dụng ba tháng, sáu tháng, thậm chí dài hơn) để mọi người thực hiện. Sau giai đoạn đó cứ đúng luật mà làm, ai vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Xử phạt nặng chưa hẳn đã tốt Cá nhân tôi cho rằng nên lựa chọn một số trường hợp cố ý và có khả năng gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng để xử phạt nặng chứ không nên xử phạt nặng kiểu đại trà, phổ biến như Nghị định 71. Xử phạt nặng tất cả chưa chắc đã tốt, vấn đề là khi có hành vi vi phạm thì phát hiện và xử lý ngay, không để sót lọt. Ngoài ra, Bộ Công an nên nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể để tạo thuận lợi việc sang tên đổi chủ, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý. Ví dụ xe mua bán lâu rồi thì chỉ bắt người đăng ký sang tên đổi chủ có cam đoan, lưu hồ sơ về giấy đăng ký xe, rồi cơ quan đăng ký xe có thông báo công khai trong một thời gian phù hợp (ví dụ 30 ngày). Sau đó, nếu không có khiếu nại, tranh chấp thì chấp thuận cấp đăng ký mới cho xe đó. Nếu có tranh chấp về quyền sở hữu thì với hồ sơ lưu cũng đủ điều kiện để giải quyết. Ông LÊ HỒNG SƠN, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp |
Theo Pháp Luật Việt Nam