Cơ thể bạn thuộc thể hàn hay nhiệt? - Tạp chí Đẹp

Cơ thể bạn thuộc thể hàn hay nhiệt?

Sức Khỏe

Đông y đã sớm phát hiện ra rằng thể chất của mỗi người không giống nhau và được chia thành hai nhóm: nhóm dương và nhóm âm. Nhóm thiên về nhiệt là nhóm thể chất dương, nhóm thiên về hàn là nhóm thể chất âm.

Sự phân chia thể chất theo nhóm này đã xuất hiện từ rất lâu nhưng càng về sau y học hiện đại càng đi sâu phân tích nhiều hơn để lấy cơ sở cho những nghiên cứu khoa học liên quan đến sức khỏe của con người.


Đông y cho rằng những người thuộc nhóm dương mang tính “thăng”, là tuýp người hoạt bát, hướng ngoại, mạnh mẽ, các tổ chức trong cơ thể thuộc nhóm dương luôn hoàn thành tốt mọi chức năng của nó.

Còn những người thuộc nhóm âm mang tính “giáng”, là những người trầm tĩnh, hướng nội, các bộ phận trong cơ thể thuộc nhóm âm được đánh giá là “trạm hậu cần” của nhóm dương, có nhiệm vụ dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Có thể kết luận về hai nhóm âm – dương trong một cơ thể như sau:
Nam dương – nữ âm
Ngoại dương – nội âm
Lưng dương – bụng âm
Đầu dương – tay chân âm
Ngoại hình dương – nội trạng âm
Da dương – cơ bắp âm.

Âm dương cân bằng là sự kết hợp tuyệt vời nhất của cơ thể con người, nếu cơ thể thiên về âm hoặc dương đều là có bệnh. Nếu âm – dương hài hòa, bạn sẽ không phải lo lắng vì bệnh tật.

Khi bác sĩ Đông y thăm khám bệnh nhân, công việc đầu tiên của họ là phân tích âm dương, kiểm tra rõ sự thừa thiếu của chúng rồi mới đưa ra biện pháp điều hòa cân bằng.

Ví dụ, đều là chứng đau dạ dày, nhưng nếu đau do bị nhiễm lạnh hoặc do ăn quá nhiều dẫn đến những cơn đau bột phát, thích ăn đồ nóng cho ấm bụng, cảm giác ớn lạnh, lưỡi nhợt. Khi đó bác sĩ có thể kết luận dạ dày bị nhiễm lạnh dẫn đến đau, biện pháp chữa trị là dùng thuốc tản hàn cho dạ dày.

Nếu bụng có hiện tượng cồn cào, nóng ruột, dạ dày như có lửa đốt, bực dọc vô cớ, đồng thời có cảm giác nóng trong người thì đó là hiện tượng nhiệt vị. Lúc này chỉ cần một vài thang thuốc thanh nhiệt là có thể giúp cơ thể lấy lại phong độ.

Một ví dụ khác là việc hiến máu, có những người cảm thấy thực sự thoải mái khi cho máu nhưng có người lại có cảm giác như vừa bị rút mất một phần sinh lực, cả ngày lơ mơ buồn ngủ. Đó cũng là do những sự khác biệt về thể chất. Người thể nhiệt về cơ bản là máu nóng, khi mùa xuân, hạ đến cũng là lúc dương khí thịnh nhất, rút một chút máu cũng đồng nghĩa với việc làm giảm bớt áp lực của cơ thể.

Người thể hàn là người thiếu dương khí, sau khi mất máu nếu không chú ý bổ sung dương khí từ bên ngoài vào dễ xảy ra tình trạng thiếu máu, dẫn đến hiện tượng tứ chi mệt mỏi, buồn bực, lúc nào cũng trong trạng thái thèm ngủ.


Những câu hỏi trắc nghiệm xem cơ thể mình thuộc thể hàn hay nhiệt

Hãy đánh dấu đúng – sai vào những câu hỏi trắc nghiệm sau

 1  Mùa đông rét mướt vẫn thích uống đồ lạnh
 2  Thân lưỡi màu hồng đậm
 3  Nói nhanh, phát âm rõ ràng, chuẩn xác
4  Nước bọt thường tiết nhiều
 5  Lòng bàn tay luôn ấm áp
 6  Hai má hồng hào, mịn màng
 7  Thường hay bất giác mở to mắt
 8  Thân nhiệt trung bình khoảng 36,3oC trở lên
 9  Tư thế ngồi không yên, thường hay vặn qua vặn lại
 10  Khung xương hơi nhỏ,
nhìn bên ngoài có thể đoán chính xác trọng lượng cơ thể
 11  Bắp chân lỏng lẻo, dễ bị sưng, thâm khi cấu véo

Nếu câu trả lời của bạn là “đúng” nhiều hơn “sai” thì đích thị cơ thể bạn thuộc thể nhiệt, còn ngược “sai” nhiều hơn “đúng” lại sẽ thuộc thể hàn. Nếu số câu trả lời “đúng” càng nhiều thì thể trạng càng nóng, số câu “sai” càng nhiều thì thể trạng càng hàn.

>> Người thể nhiệt thường có xu hướng mập, tính cách hướng ngoại, sợ nóng, hay khát và thích uống nước mát, ăn ngon miệng, sắc mặt hồng nhuận, tinh thần dễ hưng phấn, thể lực khỏe, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục mạnh mẽ, huyết áp, mỡ máu và đường máu có xu hướng cao hoặc hơi cao.

Người thể nhiệt nói chung có một nền tảng sức khỏe ổn định hơn người thể hàn nên chỉ cần thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, có chọn lọc và hoạt động thể chất hợp lý là hoàn toàn có thể tự cân bằng được cơ thể của mình.

>> Người thể hàn tay chân rất dễ bị lạnh, nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, sắc mặt nhợt nhạt hơn những người bình thường, thích uống đồ nóng, rất ít có cảm giác khát. Thậm chí trong những ngày hè nóng nực, bước chân vào phòng điều hòa cũng cảm thấy lạnh, luôn thích uống trà nóng hay mặc thêm áo khoác ngoài mới cảm thấy dễ chịu.

Do hệ thống tuần hoàn máu không tốt nên những người thuộc thể hàn dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, nồm ẩm và hay mắc các bệnh về cơ, xương, khớp… Khả năng miễn dịch kém, rất dễ bị cảm lạnh và hay bị lặp đi lặp lại liên tục khó khỏi dứt điểm.

Khả năng tiêu hoá kém, dễ bị tiêu chảy, phù nề, hay tiểu đêm, khả năng sinh sản suy giảm, khí hư nhiều, kinh nguyệt thường bị trễ và nhiều máu đông. Người thể hàn do âm khí quá thịnh, các chức năng của cơ thể kém, sức lực kém nên rất cần bồi bổ dương khí. Đông y cho rằng thận là cơ quan dương khí của cả cơ thể, tì là để tiếp nhận dinh dưỡng, đột biến sinh huyết là cội nguồn của năng lượng.

Vì vậy, để cải thiện cơ thể đang âm thịnh dương suy cách cốt yếu là tập trung bồi bổ thận, tì, nên sống trong gian phòng nhiều ánh sáng để nạp dương khí tự nhiên, bổ sung cho nguồn dương khí còn thiếu. Nếu thường xuyên sống trong môi trường âm lạnh, cơ thể sẽ tiêu tán rất nhiều nhiệt lượng, làm co các mạch máu ảnh hưởng đến sự tuần hoàn khí huyết.

Người thuộc thể hàn tính trầm, ít nói, nếu hoạt động quá nhiều dễ bị mệt mỏi. Nhưng “hoạt động sẽ sinh dương khí” nên người thể hàn cần tăng cường hoạt động, đi bộ nhanh là cách đơn giản nhất để cải thiện thể chất. Về dinh dưỡng nên tăng cường ăn ngân hạnh, thịt bò, táo đỏ… và hạn chế những đồ ăn đồ uống lạnh ngay cả trong mùa hè nóng nực.

Thực hiện: depweb

14/05/2009, 16:18