Co ro ngày cuối năm “vét” Tết - Tạp chí Đẹp

Co ro ngày cuối năm “vét” Tết

Tin Tức

Mưu sinh đêm giao thừa

Một manh áo mỏng lang thang trên phố chiều 29 Tết, chị Lê Thị Ngần (Hưng Yên) vẫn mải miết với thùng bánh giò nóng sau yên xe đạp. Phố cổ đã vắng người, nhưng khách hàng mua vội chiếc ăn đỡ đói lòng vẫn khá đông. Chị Ngần cho biết, chị còn ở lại Hà Nội đến sau giao thừa để bán hàng.

 

Người phụ nữ tảo tần mưu sinh ngày cuối năm trên phố cổ HN 

“Người ta đi chơi, đi xem bắn pháo hoa… nửa đêm đói lòng mua chiếc bánh ăn lót dạ hoặc ăn vui. Hàng quán những ngày này nghỉ nhiều nên tôi bán cũng được kha khá” – chị thành thực bảo.

Trời đổ lạnh đột ngột đêm 28, rạng 29 nên chị không có quần áo ấm để mặc. Tất cả đã được chị gửi về quê để bán hàng xong thì về nhà đỡ phải lỉnh kỉnh mang vác. Rét, nhưng chị không dám mua áo mặc tạm vì sợ tốn tiền.

“Thôi thì đi vài vòng, nóng người lên là đỡ. Nếu đêm lạnh quá thì mua tạm cái áo mưa” – chị cười hiền, chia sẻ.

 

Chở “lộc” đi bán đêm giao thừa 

Chỉ vài tiếng nữa sang năm mới nhưng ngày làm việc của người phụ nữ lam lũ này vẫn còn dài phía trước. Đối với chị, nỗi lo mưu sinh đã át hết những buồn tủi phải xa nhà, xa chồng con trong đêm giao thừa. Động lực của chị là những đồng lời lãi cao hơn bình thường, nếu may mắn, ra Tết sẽ đủ để chị lo tiền ăn học cho hai đứa con nhỏ.

“Ở nhà Tết nhất chồng con tôi tự lo hết rồi. Mai mẹ về sớm, rồi chiều đi chúc Tết. Mùng 3 là tôi lại lên Hà Nội. Ngày tư ngày Tết làm ăn gấp đôi gấp 3 ngày thường, mình không cố thì ai cố cho!” – chị vui vẻ nói.

Trong cơn giá rét, ngược dòng người vui vầy đi bến nhau đón tân niên, anh Hải – một người đàn ông có vẻ vội vàng chở theo hai bó mía lộc đằng sau xe. Dường như anh không biết lạnh, chỉ thấy vẻ phấn khởi, hào hứng trên gương mặt. Anh khoe, năm nào vợ chồng, anh em họ cũng tranh thủ đi bán mía lộc giao thừa ở nhiều điểm trong thành phố. Năm nay hàng đẹp, hứa hẹn được giá, dù vất vả ngược xuôi tí nhưng chẳng ai nề hà.

“Mỗi người mỗi nghề, cái nghề của tôi cả năm “đắt” nhất đêm giao thừa, vất vả có là bao!” – anh giãi bày.

“Vét” Tết

Với một số nghề, giao thừa quả thực là thời điểm lý tưởng để hốt bạc. Nhưng với nhiều nghề khác, giao thừa lại là thời điểm khép lại mùa làm ăn của họ.

Ngồi co ro trên phố Hoàng Quốc Việt, vợ chồng chị Lý Thị Thu Hiền (quê Quảng Ninh) buồn thiu vì vẫn còn cả trăm cây quất chưa bán được. Chị Hiền cho biết, vợ chồng mới cưới, có với nhau một mặt con chưa đầy 7 tháng. Cả hai đều lên Hà Nội làm thuê. Tết này, nghe lời người họ hàng xa rủ buôn quất, anh chị cũng đánh bạo bỏ ra 15 triệu góp vốn với hi vọng thu lãi lớn, đỡ đần cuộc sống nuôi con nhỏ.

Buồn thay, tiết trời nắng nóng thất thường cùng với sự non nớt trong kinh nghiệm khiến kế hoạch kinh doanh của hai vợ chồng lâm vào cảnh bết bát: Quất xuống giá, quả chín dụng, xác xơ…

Mấy đêm liền chồng chị Hiền hốc hác không ngủ được, “cắm rễ” trên phố Lạc Long Quân – Hoàng Quốc Việt để bán hàng. Thương chồng, xót của, chị phải gửi con ra phụ giúp.

29 Tết vẫn còn tồn hàng, anh chị chẳng còn đâu tâm trí đón Tết. Cha mẹ gọi điện hỏi thăm, hai người cũng phải “giấu” chuyện đi buôn. Đôi vợ chồng trẻ đã thấy trước một cái Tết buồn…

“Chiều nay chắc chỉ có nước xuống giá chứ không lên được. Chúng em cố ở lại vét được đồng nào thì vét, chứ bỏ về bây giờ cũng không đành” – chị Hiền lí nhí chia sẻ.

Vẫn còn vài tiếng nữa giao thừa mới bập đến, đôi vợ chồng trẻ vẫn cố gắng hi vọng sẽ bán hết hàng…

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

09/02/2013, 21:01