Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng tâm huyết với giáo dục
“Trong suốt cuộc đời, ba tôi vẫn nói với chúng tôi rằng: nếu không có chiến tranh ba vẫn là một thầy giáo” – ông Võ Hồng Nam đã chia sẻ chân thành với sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội trong lễ ra mắt cuốn sách viết về cha mình: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo”
Khi chiến tranh đi qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự, nhưng cả cuộc đời ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho giáo dục. Ông từng viết hàng trăm bài báo, xoay quanh về việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Những ngày còn đứng trên bục giảng, ông luôn biết cách thu hút cả lớp bằng cách trình bày vấn đề theo cách riêng của mình. Như đứng thẳng trước lớp, nhìn thẳng vào đám học trò dõng dạc nói: “Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này rồi. Nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: cuộc cách mạng và Napoléon”.
Thậm chí, nửa thế kỷ qua rồi, ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Mỹ thời đó là một cậu bé 13 tuổi, vẫn không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của Đại tướng Giáp: “Sự miêu tả chi tiết về sự tàn tạ của vương triều cũng như đồi bại của Marie Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp. Như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp và những nhân vật nổi bật của thời đó: Danton Robespierre, ông giáo sư họ Võ sôi nổi hào hứng kể lại những việc làm của Uỷ ban cứu quốc, của Công xã Paris để trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ lợi ích của quần chúng”.
Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi. Ngay sau khi biết tin, rất nhiều người dân không khỏi bàng hoàng và đau xót. Hàng trăm người không kìm nén được sự xúc động đã lặng lẽ quỳ khóc trước cổng nhà Đại tướng. Và trong suốt 10 ngày lễ tang, dòng người xếp hàng thăm viếng linh cữu không lúc nào đứt đoạn.
Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê: Một đời truyền lửa văn hóa
Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư đã làm tất cả mọi việc để đưa nhạc Cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử, hát ví dặm trở thành di sản văn hóa phi vật thế của thế giới, như những gì ông nói: “Trong lúc nghiên cứu, khi tìm thấy những gì hay, đẹp, có giá trị đang có nguy cơ bị chìm vào trong quên lãng thì tôi ra sức cứu sống nó để những giá trị này đừng bị bụi thời gian vùi lấp mà có thể trực tiếp hòa mình vào cuộc sống. Đây là quan điểm của tôi về thái độ dấn thân trong nghiên cứu. Xét lại quá trình làm việc của mình, tôi đã từng cứu sống lại những bộ môn tưởng đã tàn rụi tợ cây khô thiếu nước như nghệ thuật ca trù, chầu văn, nhạc cung đình Huế”.
Điều đáng nể hơn hết, kiến thức của Giáo sư không chỉ gói gọn ở cây đàn, nốt nhạc. Khi nhắc về ông, có người đã nhận xét rằng: “Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà bác học, ngoài âm nhạc, ông nói về văn hoá, về ẩm thực, về giáo dục, về tín ngưỡng, phong tục, lời nào chuyện ấy đều rất hấp dẫn, mới mẻ, bằng trải nghiệm của một người từng trải và thuyết phục người nghe bằng cả lý thuyết lần thực hành. Ông là một bậc danh vọng trong làng trí thức, có đời sống thanh cao, lịch sự, nhưng bất cứ ai tìm đến ông vì bất cứ điều gì ông đều đón nhận chân thành. Lắng nghe, giảng giải ôn tồn, nâng đỡ ân cần, Trần Văn Khê là một bậc thạc đức trong làng trí thức gốc Việt trên thế giới cũng như ở Việt Nam”.
Ngày 24/6/2015, Giáo sư trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94. Sự ra đi của ông là niềm mất mát lớn lao của nền âm nhạc nước nhà. Theo di nguyện của Giáo sư, toàn bộ số tiền phúng điếu sau tang lễ sẽ được tổng kết và dùng lập quỹ học bổng mang tên Giáo sư cùng các hiện vật, tài liệu, vật dụng của ông để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam.
PGS.TS Văn Như Cương – Người thầy tài hoa
“Bố đã sống một cuộc đời vẻ vang. Đến khi ông nằm trên giường bệnh, vẫn có gần 4.000 học sinh hát đồng ca cổ vũ thầy” – cô Văn Thùy Dương (Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh), con gái của PGS.TS Văn Như Cương đã chia sẻ như vậy trong những ngày thầy cận kề với lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Ở tuổi lẽ ra hưởng an nhàn cùng con cháu, nhưng thầy vẫn tâm huyết và trăn trở với nền giáo dục Việt. Giống như năm ấy thầy viết thư tay cho Bộ trưởng Giáo dục, sau quá trình kiên trì quyết tâm để được phép mở trường Lương Thế Vinh – trường dân lập đầu tiên kể từ năm 1975. Nơi mà thầy mong muốn “để con em đi học mà ở đó dạy thực, học thực”
Với thầy, giáo dục không chỉ đơn thuần là để dạy kiến thức, mà còn để truyền tải cho các trí thức tương lai cái “Đạo” làm người: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế”.
Sau bao nhiêu thế hệ học trò, dù không còn đứng trên bục giảng, nhưng thầy Văn Như Cương vẫn chiếm trọn tình cảm của nhiều người. Bởi ở thầy không có chỉ có sự gần gũi mà còn thẳng tính khi dám chỉ ra những hạn chế của nền giáo dục. Hiếm có ai mạnh dạn phát ngôn rằng “Ai cũng vào đại học là lạc hậu” hay nhìn ra được cái bất cập của các chương trình đào tạo để xót xa thốt lên “Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ”.
Ngày 9/10/2017, PGS.TS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư gan. Trong suốt đoạn cuối của đời mình, thầy vẫn cố gắng tham gia tất cả hoạt động của trường Lương Thế Vinh khi có thể, như đánh trống, phát biểu tại lễ khai giảng, tiễn học sinh lớp 12 ra trường…