Những ngày đầu tiên tôi thấy Thanh Tùng
là lúc ông đang “cực thịnh”. Trên đời được cái này thì mất cái kia, nhưng Thanh Tùng hồi đó được mọi thứ, được sạch sành sanh.
Ông cao to lừng lững, đã thế còn có một dáng vẻ đàn ông đến kinh người. Mắt ông sáng rực, người ông vững chãi, lại còn trắng trẻo. Đó là vào những năm 1990, Thanh Tùng đang “đỡ đầu” cho Ba Con Mèo, ba cô gái xinh xắn bé bỏng còn ông giống hệt đại bàng.
Thuở ấy, khi mà sở hữu một chiếc xe máy cũng đủ để bạn có bồ thì bà con thì thầm một cách sợ hãi là
Thanh Tùng giàu lắm. Ông có đến vài căn nhà, căn nào cũng giống lâu đài, lại tọa lạc ở những vị trí… kim cương. Xe hơi ông đi mang nhãn hiệu xe của tổng thống Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Thanh Tùng tuyệt nhiên không lòe loẹt, không trưởng giả, cũng không giống thương gia. Ông chỉ đẹp hùng tráng như một cái cây, và vào thời gian đó, chắc chắn không là cây cổ thụ.
Là một kẻ dốt về nhạc ngay từ thuở ấu thơ và mãi mãi sau này, Lê Hoàng luôn phân chia các nhạc sĩ theo cảm giác. Trần Tiến thì ngây thơ trẻ con;
Phú Quang sang trọng, hay làm điệu;
Dương Thụ thích dằn vặt về những vấn đề be bé, to to. Còn Thanh Tùng ư? Thanh Tùng thích kể chuyện đời mình.
Văn là người thì nhạc chắc chắn cũng là người. Nhạc của Thanh Tùng hình như cũng như ông, thường kể về những nỗi khổ đã qua, những ước mơ ngày xưa một cách trìu mến, hơi buồn hơi day dứt nhưng tuyệt nhiên không than thở. Nói một cách ngắn gọn, ông là người có khả năng mang đến cho nỗi buồn một vẻ sang trọng và trân trọng không giống bất kỳ ai.
Mãi sau này, tôi mới có dịp đến nhà và ăn cơm với Thanh Tùng đúng một bữa duy nhất. Lý do là nhờ Hoàng Hà Tùng (cũng lại Tùng), một họa sĩ vừa tài năng vừa quái đản vừa quái kiệt và có những phút pha quái thú, kéo đi. Hình như Tùng già và Tùng trẻ chơi với nhau rất lâu rồi.
Hôm ấy trong một căn nhà rất to, Thanh Tùng chủ yếu ngồi, ông kể cho chúng tôi nghe những chuyện mà đến kiếp sau cũng không nên tiết lộ, khiến cả bọn bò lăn ra cười nhưng Thanh Tùng không hề cười. Ông dửng dưng một cách kỳ ảo.
Hôm ấy có ba thứ trong nhà ông khiến
Lê Hoàng tê dại. Thứ nhất là một phòng khách cực to, có đủ hai hàng ghế uy nghi như phòng hội nghị, tất cả đều có bụi phủ đầy, chứng tỏ ông chưa khi nào làm hội nghị ở nhà mình từ hai ngàn năm trước.
Thứ hai là chiếc giường ông nằm rất lớn và rộng, nhưng một bên đệm và khăn trải giường dày đặc các vết cháy đen lỗ chỗ. Chúng tôi nhìn ngạc nhiên, Thanh Tùng giải thích: “Tao vừa nằm vừa hút thuốc một mình, nhiều khi thiếp đi, thế là tàn thuốc rơi xuống làm đệm cháy…”
Cuối cùng là một bức chân dung Thanh Tùng do Hoàng Hà Tùng vẽ. Bức chân dung mà ai nhìn thấy cũng phải giật mình. Kiểu như bức tranh trong truyện ngắn nổi tiếng của đại văn hào Nga Gogol. Nhân vật trong tranh có một thần sắc cháy bỏng dữ dội đến mức có vẻ sắp trèo ra khỏi khung tranh. Nếu tôi không nhầm, hình như chính nhờ bức vẽ xuất thần đó mà Tùng già chơi với Tùng trẻ. Nhạc sĩ bảo chúng tôi: “Nó vẽ đúng lúc ấy của tao”. Nhưng lúc ấy là gì thì ông không tiết lộ. Trong bức tranh đó, màu đỏ là màu chủ đạo. Giờ phút này, tôi không hiểu bức tranh ấy ở đâu, nhưng tôi tin rằng chỉ cần một tấm đệm giường do Thanh Tùng tự vẽ và một chân dung do bạn thân vẽ, như vậy cũng đã đủ để miêu tả đời ông.
Sau lần gặp đó, tôi thỉnh thoảng thấy Thanh Tùng ngồi một mình trong quán bar nổi tiếng góc Lý Tự Trọng, Đồng Khởi. Ông có một cái bàn và một ghế riêng đặt sẵn. Phần lớn ông ngồi một mình và hút thuốc, để tàn lửa rơi vào tiếng nhạc, tiếng hát của các ca sĩ trẻ. Cứ vài phút ông lại lóe lên!
Bài: Lê Hoàng
Minh họa:
Nha Đam