Có nên tự mix mỹ phẩm

Một ngày nọ, tôi mua được chai serum dưỡng ẩm, không chứa dầu từ một thương hiệu nổi tiếng. Theo chỉ dẫn của hãng, loại serum này có thể mix với một loại phấn nền (cũng của hãng) để make up vào ban ngày và giúp da trông căng mượt và mịn màng hơn. Vấn đề là tôi không mua đúng loại phấn nền đó vì đã trót trao lòng tin cho một thương hiệu khác. Tôi tặc lưỡi, dù sao chúng đều là phấn nền và với tinh thần quả cảm của một kẻ thích thử nghiệm mọi thứ, tôi đã mix một giọt serum của thương hiệu nọ vào loại phấn nền dạng kem kia, kết quả: chúng tạo ra một hỗn hợp kỳ lạ, trơn trượt và gần như không thể hòa tan vào nhau.

Bài học đầu tiên mà tôi nhận được khi mày mò tự mix mỹ phẩm: không bao giờ mix hai sản phẩm có kết cấu khác nhau. Cụ thể, một sản phẩm có kết cầu gốc nước (water based) sẽ chẳng thể pha trộn với một sản phẩm có kết cấu gốc dầu (oil based) hoặc với một sản phẩm có kết cấu gốc silicone (silicone based). Tưởng tượng bạn dùng nước đổ vào một bát dầu, bạn sẽ thấy nước và dầu chia tách rõ rệt và điều này cũng xảy ra tương tự với việc mix mỹ phẩm.

 

Nếu cố mix? Thay vì có một loại kem – phấn mỏng nhẹ, như hòa tan vào da và có độ phủ mềm mại, chúng ta có các vệt phấn trơn, sệt, vón cục và không thể sử dụng được.

Đến đây, hẳn có người sẽ hỏi: “Chẳng phải thị trường vẫn đang bán những loại mỹ phẩm là sự pha trộn giữa dầu và nước, hay giữa silicone và nước đó sao?”. Bạn đừng quên rằng hỗn hợp các thành phần trên đã được các thương hiệu xử lý theo những công thức đặc biệt, với sự có mặt của các chất nhũ hóa giúp pha trộn các kết cấu lỏng khác nhau. Đây là một quá trình vô cùng phức tạp. Một số sản phẩm tẩy trang của Shu Uemura hoặc Dermalogica có kết cấu gốc dầu nhưng có thể rửa sạch bằng nước chính là nhờ các công thức này.

Một lưu ý nhỏ: Trong trường hợp da bạn có xu hướng dầu, tốt nhất hãy tránh pha trộn các sản phẩm mỹ phẩm có kết cấu gốc dầu (tốt nhất không dùng bất kỳ sản phẩm nào gốc dầu cả). Nguyên tắc kết cấu gốc dầu + kết cấu gốc dầu không áp dụng cho trường hợp này. Bởi hai lớp dầu pha trộn sẽ là quá nặng nề và có thể bịt tắc lỗ chân lông đối với da dầu.

 

Về cơ bản, có nên thường xuyên mix các loại mỹ phẩm không? Câu trả lời là không, ngay cả khi các sản phẩm của bạn đều đến từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Những thành phần khác nhau trong các loại mỹ phẩm khi kết hợp có thể trở thành tác nhân gây ra các kích ứng và các phản ứng không thể kiểm soát trên da. Ví dụ, nhóm Copper peptides (các chuỗi axit amin giúp lành sẹo, chống nhăn) thường xuất hiện nhiều trong các sản phẩm chống lão hóa, vitamin C cũng là một sản phẩm có tác dụng chống lão hóa và làm sáng da. Tuy nhiên, hai chất này sẽ vô hiệu hóa tác dụng của  nhau khi bị pha trộn. Một lý do khác là sự khác biệt về độ pH. Một số thành phần có tính axit, chỉ hoạt động tốt nhất ở môi trường có độ pH thấp, trong khi nhiều thành phần khác lại hoạt động tốt khi ở môi trường có độ pH cao. Da, tất nhiên, chỉ có thể duy trì một độ pH tại một thời điểm nhất định. Vitamin C chỉ có thể thẩm thấu vào da khi độ pH ở dưới mức 3,0 nhưng khi nó được trộn với các thành phần như retinoid (có độ pH tối ưu 5,8), bạn sẽ thấy nó hầu như chẳng còn chút tác dụng nào.

Vậy có thể tự mix đồ mỹ phẩm khi nào? Khi thương hiệu khuyên dùng. Một loại serum dưỡng ẩm, chống nhăn có thể mix với phấn nền hoặc kem lót (với một dung lượng rất nhỏ) để trang điểm và dưỡng cùng lúc. Một loại serum kích thích làm dài mi có thể mix với mascara. Một loại tinh dầu dưỡng tóc có thể mix với dầu gội đầu hoặc kem ủ tóc. Tất nhiên, điều này cần được ghi chú trong bảng hướng dẫn sử dụng của sản phẩm. Thường thì thương hiệu sẽ ghi chú rất cụ thể rằng những sản phẩm nào có thể mix với nhau. Bạn nên đọc kỹ các ghi chú trước khi thực hiện việc pha trộn.

Trong một số trường hợp, việc mix mỹ phẩm sẽ dễ dàng hơn nhiều khi mix các sản phẩm cùng dòng của cùng một thương hiệu. Ví dụ, mix hai màu son hoặc hai màu phấn nền để tạo ra một màu son, màu phấn nền mới. Hoặc mix các loại mỹ phẩm có cùng thành phần tinh dầu nguyên chất từ thiên nhiên như olive. Nếu đôi môi quá khô rát, trộn lẫn son và một chút dầu olive với nhau trước khi thoa để khiến đôi môi căng mọng.

Một số thương hiệu dưỡng da đang đưa ra khái niệm “quầy bar cho làn da”. Cụ thể khách hàng sẽ được giới thiệu các tinh chất khác nhau và có cơ hội tự tạo ra một sản phẩm làm đẹp bằng cách mix 2-3 loại trong số đó. Dĩ nhiên, việc này có sự cố vấn và kiểm tra kỹ càng từ các chuyên gia của thương hiệu. Việc này diễn ra như thế nào?

 

Tôi đã đến gặp một nhà phân phối chuyên cung cấp các loại serum này. Một thương hiệu khá có tiếng ở nước ngoài và vừa được phân phối về Việt Nam. Chị cho biết, mỗi loại tinh chất được đựng trong một lọ riêng biệt. Có thể đó là tinh chất chứa các collagen và elastin chống lão hóa, chảy xệ. Cũng có thể đó là loại tinh chất chứa các ceramide khác nhau dành cho da thô ráp và nhạy cảm. Hay một loại tinh chất khác chứa Acid Hyaluromic – mỗi đơn vị dưỡng chất này có thể giữ lại 6 lít nước trên bề mặt da, giúp bổ sung độ ẩm, lấp đầy các nếp nhăn. Tuy nhiên, trước khi mix các loại tinh chất, bạn sẽ được các chuyên gia của thương hiệu tư vấn dựa trên bài test kiểm tra loại da của bạn. Sự kết hợp của từ 2 đến 3 loại tinh chất sẽ mang lại một giải pháp tổng hợp cho làn da nhiều vấn đề. Một lợi ích khác: nó hoàn toàn mang tính tương thích cao với làn da của từng cá nhân, bởi khi đó, bạn sẽ sở hữu một loại serum đặc biệt chỉ dành cho chính bạn.

Mix n Match rất thú vị, nhưng điều này chỉ đúng khi bạn đã làm chủ các nguyên tắc cơ bản – và với mỹ phẩm, điều này cũng không phải là ngoại lệ!

Thanh Hoa (theo Style)


From the same category