“Con đường Âm nhạc”, show ca nhạc truyền hình được chờ đợi nhất hàng tháng, là cái cớ cho bài viết này. Dù có bị mang tiếng lăng-xê thì cũng xin chịu, bởi những ý tưởng mà chương trình ấy gợi ra, quả thực đang rất cần thiết cho việc thay đổi cả một bầu không khí của nhạc Việt (đó, lăng-xê rõ ràng quá còn gì – biết trước bạn sẽ nghĩ vậy!)
Con đường – Không cứ phải dài và đương nhiên chẳng thể thẳng một lèo…
Những cái khung quy định một dạng chương trình tác giả tác phẩm – đăng đối và mang tính “cúng cụ” – đang dần được thay thế bằng một tư duy mới: Thay vì mải mê ôn cố, kể lể chuyện ngày xưa; rồi cho các bài hát xếp hàng theo tuổi tác lên sân khấu… sẽ là những nỗ lực làm tươi mới trở lại những bài hát đã “cũ”, cũ không phải bởi thời gian hay tính thời thượng mất đi, mà có khi là do gu thưởng ngoạn của khán giả đã thay đổi cũng như sự vận động của đời sống ca nhạc đã làm nhiều giá trị phải biến hình. Những bài hát cũ được đặt vào một không gian mới, tức là được làm cho khoẻ khoắn hơn, trở nên đương đại hơn.
Một cách làm đơn giản như thế mà trước nay vẫn bị tư duy The best of lấn át. Kiểu The best of ấy thoạt nhìn thì rất đăng đối, đủ làm hài lòng những người thích nhận là tri âm của nhạc sĩ, nhưng thực tế đã giữ rịt, thậm chí kéo lùi nhạc sĩ lại với những những cái mốc âm nhạc mà họ tạo ra. Nhạc sĩ sẽ rất khó bứt phá sau khi đã có một bức tường The best of sừng sững chắn đằng trước. Như vậy thương nhau quá bằng mười hại nhau, những người tri ân tác giả một cách vô tư chẳng bao giờ nghĩ xa xôi đến thế. Mà cũng có thể nghĩ thế nhưng lại không muốn làm khác đi, vì sợ phải đụng với cả những thế lực khổng lồ mang tên “định kiến” và “thói quen”.
Một con đường, nghĩa đen, có thể sẽ đến điểm cuối cùng của nó. Nhưng con đường âm nhạc, và những con đường nghệ thuật nói chung, thì không ai dám nói trước cái đích của nó sẽ được đặt ở đâu, kể cả khi những người sáng tạo, những nhạc sĩ, đã vĩnh viễn ra đi. Bởi tàng thư âm nhạc họ để lại sẽ là nền móng để các thế hệ sau khai thác nối dài thêm con đường họ đã đi. Cụm từ “làm mới” dễ gây phản ứng từ những khán giả trung thành, đã gắn cả ký ức âm nhạc của mình với quá khứ sáng tạo của các nhạc sĩ, nhưng đem lại một sức sống mới cho những bài hát tưởng như đã cũ chính là cách để khẳng định giá trị phi thời gian của những bài hát ấy. Một cách tri ân tác giả thực tế hơn nhiều những lời khen cửa miệng hay trên giấy.
Vào giữa lúc nhạc “mới” đang phải chịu nhiều cái nhìn khắt khe sau những scandal hay sự bùng nổ các phong cách lai tạp, thì sự trở lại của nhạc “cũ” bỗng nhiên được ủng hộ một cách cũng rất… tự nhiên. Nhưng để những thứ vẫn bị cho là cũ tồn tại được trong đời sống ca nhạc hiện nay mà không bị rơi vào thế cạnh tranh với nhạc “mới” thì phải cần những tư duy thực tế thay vì những tràng vỗ tay suông hay những khao khát có tính thời trang, kiểu nghe nhạc xưa như một thứ mốt.
Nếu không có những cách nghĩ mới, dù chưa táo bạo nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm thông thường, thì có lẽ ấn tượng của bao nhiêu khán giả về âm nhạc Nguyễn Cường chỉ đọng lại ở những bài được gọi là “rock rừng”, trong khi anh còn cả một mảng ca khúc (chưa kể khí nhạc) đồ sộ về mang đậm bản sắc văn hoá của vùng đất đã sinh ra anh. Những ca trù cải biên hay chầu văn mượn tạm đã làm nên một “bản sắc Nguyễn Cường”, dù bản sắc ấy không làm anh nổi tiếng bằng những bài ca về Tây Nguyên.
Con đường Âm nhạc của Nguyễn Cường rõ ràng là không thẳng một lèo chạy về một hướng cao nguyên như nhiều người vẫn tưởng, mà còn nhiều khúc quanh, ngã rẽ mà ngay cả nhiều người, dù tự nhận yêu âm nhạc Nguyễn Cường, do ngại đi, ngại rẽ nên chẳng hề biết đến. Chương trình Nguyễn Cường được coi là thành công nhất trong 4 show Con đường Âm nhạc cũng bởi những gì tưởng đã cũ hoặc bị quên lãng, ít được để ý, nay được đưa lên sân khấu trong một sức sống mới, với những ca sĩ mới lần đầu đến với âm nhạc của anh. Sau đêm diễn này, Nguyễn Cường có thể yên tâm tiếp tục những sáng tạo của mình mà không còn bị bó buộc bởi không gian “rock rừng”, nhất là giờ đây anh đã biết thêm được những giọng hát mới thể hiện hoàn hảo những bài hát của mình. Một thí dụ hiển nhiên cho thấy sự tác động của những tư duy mới để đẩy những “nhạc cũ” vào một đời sống mới.
“Đối đầu” với ký ức của khán giả không phải là chuyện dễ với những người làm nhạc thích cách tân dựa trên nền tảng những giá trị đã được xác lập. Đã có rất nhiều lời phàn nàn về cách mà Con đường Âm nhạc đối xử với những bài hát đã trở thành một phần kỷ niệm của nhiều người. Tuy nhiên, nếu bỏ qua một bên những ưu ái hay sở thích có tính cá nhân, kiểu đã thích nghe Thanh Lam hát thì không đời nào chịu nghe Mỹ Tâm “cover”, thì cách làm của Con đường Âm nhạc, tuy đôi khi có hơi gây sốc hay khó chịu, vẫn là cách cần phải làm nếu muốn đời sống âm nhạc không bị cột mãi vào những cái mốc quá khứ, không biết khi nào mới tới cái đích, nếu có, ở phía trước con đường dẫn tới tương lai.
Con đường – Có nhiều cách đi
Thay đổi được tư duy “cúng cụ” The best of kể đã là thành công đáng kể của Con đường Âm nhạc. Đó là cách để khẳng định rằng trên một con đường có nhiều cách để đi. Cưỡi ngựa xem hoa, với mỗi nhạc sĩ chọn đại khái vài bài hát có gắn với những mốc lịch sử (để dễ viết lời dẫn) hay những vùng đất, những con người (để dễ hỏi chuyện)… cũng là một cách; cưỡi xe phóng vèo qua thật nhanh và chỉ chịu dừng lại trước những vật cản hay những cột mốc ấn tượng, chọn lấy chúng để giới thiệu… cũng là một cách không ai dám bảo không hay; hoặc chỉ cần đi một đoạn đường thôi, nhất là những đoạn ít người đi rồi miêu tả đoạn đường ấy, kéo được nhiều người phải quay lại đi vào đó… cũng là một thành công mà chẳng phải ai cũng dám dấn thân, cũng bởi thói quen “ngại”.
Con đường Âm nhạc mới đi được những chặng đầu, thành công ai cũng thấy, trắc trở thì “cả làng” đã hay. Sau chương trình Thanh Tùng – Tôi sẽ kể em nghe đầy trắc trở, có tin tới đây, sau liveshow số 5 Phó Đức Phương – Những giấc mơ trên sóng, những người đã khai sinh ra Con đường Âm nhạc sẽ rút lui, không phải vì mệt mỏi hay cạn ý tưởng mà vì những nguyên nhân… tế nhị, và bản thân họ cũng muốn khai phá những vùng đất âm nhạc mới cũng nên.
Sẽ là thật tiếc với nhiều người khi còn đang mong đợi sự hiện diện của biết bao nhạc sĩ lừng danh mình từng yêu thích, trong đó có những tên tuổi lớn như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… Liệu một tư duy mới được khai mở có bị sớm khép lại và bị thay thế bởi những cách làm truyền thống như… ngày xưa? Chẳng ai dám nói trước, bởi câu “Vắng mợ chợ vẫn đông” vẫn còn đấy. Nhưng một tư duy mới thì hiển nhiên không thể dễ tìm như một “mợ” trong đám đông được. Con đường Âm nhạc sẽ đi tiếp ra sao? Chờ đến sau tháng 9!/.