Cơ hội nào cho "xuất khẩu" phim Việt? - Tạp chí Đẹp

Cơ hội nào cho “xuất khẩu” phim Việt?

Review

Chúng ta từng nói nhiều về chuyện xuất khẩu phim Việt, nhưng phát hành thương mại một bộ phim điện ảnh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các phim “bom tấn”, phim bản địa của nước bạn còn là khái niệm tương đối mới đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, đây được coi là hướng đi tiềm năng.

Khán giả trong nước tăng, phim Việt vẫn phải tìm đường ra thế giới

Trong vài năm trở lại đây, thị trường điện ảnh trong nước thực sự khởi sắc. Một số phim “bom tấn” ngoại và phim Việt đã đạt được doanh thu triệu đô tại thị trường Việt. Điều đó tạo đà cho các nhà đầu tư trong nước khiến số lượng phim tăng lên đáng kể sau các năm.

Đơn cử, năm 2014 có khoảng 25 phim Việt trên tổng số khoảng 100 phim ra mắt khán giả Việt Nam, nhưng năm 2015, con số này dự tính tăng gấp đôi: gần 50 phim. Trong đó, gần 30 phim Việt đã ra mắt.

Cuộc cạnh tranh vì thế cũng trở nên khốc liệt hơn, do khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn và bắt đầu cân nhắc khắt khe hơn. Vì vậy, dù nhu cầu xem phim của khán giả Việt còn lớn, nhưng không đồng nghĩa, phim Việt sẽ được ủng hộ vô điều kiện như trước đây, nếu như không nỗ lực tìm một hướng đi mới cho riêng mình.

Xuất khẩu phim ra nước ngoài vốn là giấc mơ của bất cứ nền điện ảnh nào, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với nhiều nhà sản xuất phim, đây là cách để thu hồi vốn.

Năm 2003, phim truyền hình “Đất Phương Nam” (đạo diễn Vinh Sơn, dựa theo tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Tp.HCM (TFS) sản xuất) được một công ty Mỹ mua bản quyền và chuyển thành bộ DVD, có phụ đề tiếng Anh, bán tại Mỹ. “Chuyến hàng” đầu tiên của TFS đã mở đường cho hàng loạt phim truyền hình khác như: “Ngọn nến Hoàng cung”, “Mekong ký sự”… cũng bán được cho một đại lý ở Mỹ để phát hành DVD phục vụ cộng đồng người Việt. Hay như tại Thái Lan, là bộ phim “Người đẹp Tây Đô” và sau đó là một số phim truyền hình khác.

Về phim điện ảnh, BHD là đơn vị đi tiên phong trong việc tiếp thị, giới thiệu phim Việt ra nước ngoài. Vốn là đơn vị chuyên mua bán phim và có mặt tại hầu hết các hội chợ phim trên thế giới, BHD đang là đại diện của rất nhiều hãng phim tại Việt Nam trong các giao dịch, mua bán bản quyền phát hành với nước ngoài (Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải Phóng, Phước Sang Film, HK Film…). Đa số phim đoạt giải tại các LHP quốc tế, đều đã được BHD mua lại và chào bán ra thị trường nước ngoài như: “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Cánh đồng bất tận”, “Bi, đừng sợ”…

Ngoài “ông chủ lớn” BHD, các phim của hãng Chánh Phương sản xuất như “Dòng máu anh hùng”, “Lửa Phật” cũng đã tìm đường đến 30 quốc gia. “Để Mai tính” được phát hành tại cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Tuy nhiên, hầu hết các phim điện ảnh do Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đều phát hành theo hình thức DVD, kinh doanh phòng vé, chiếu trên ti vi hoặc trình chiếu quảng bá phi lợi nhuận tại các trường đại học, viện bảo tàng… ở Mỹ và một số nước thông qua các tổ chức giao lưu văn hóa. Đây là sự nỗ lực đáng kể giúp phim Việt tiếp cận được với khán giả nước ngoài, nhưng chưa phải là con đường đột phá.

Phim “Nước” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh

Phát hành thương mại tại rạp: Phim hài không có cửa!

Năm 2014, lần đầu tiên một phim điện ảnh Việt Nam được phát hành thương mại tại các cụm rạp chiếu ngoài lãnh thổ Việt Nam, đó là “Chung cư ma” (đạo diễn Văn M.Phạm) của hãng Skyline. “Chung cư ma” được phát hành trên 30 cụm rạp tại Malaysia, chiếm 70% tổng số cụm rạp tại nước này. Tại Campuchia, phim được phát hành trên 4 cụm rạp hiện có. Ngoài ra, phim còn được phát hành ở một số nước khác trong khu vực như Indenosia, Singapore và sắp tới là Đài Loan, Myanmar.

Năm 2015, bộ phim thứ hai, vẫn thuộc thể loại kinh dị – “Ngủ với hồn ma” (đạo diễn Bá Vũ) tiếp tục được Skyline phát hành ở Campuchia, Malaysia và đang có kế hoạch tiến đến Đài Loan. “Ngủ với hồn ma” còn xuất hiện trong nhiều bài đánh giá, nhận định trên báo chí Malaysia.

Đặc biệt, bộ phim nghệ thuật (art-house) “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di gây tiếng vang khi là phim Việt Nam đầu tiên tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin hồi tháng 2/2015. Tại Hội chợ phim này, “Cha và con và….” đã được Memento Films – hãng phim phát hành lớn nhất Pháp về dòng nghệ thuật, mua. Được biết, phim sẽ được phát hành tại hơn 400 rạp chiếu vào tháng 9/2015 hoặc đầu năm 2016.

Với cách thức phát hành thương mại, đây là lần đầu tiên các bộ phim Việt Nam không chỉ xuất hiện trong khuôn khổ một buổi giao lưu, giới thiệu hay LHP mà đứng độc lập như bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào khác, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, trong con đường tìm kiếm khán giả cho mình.

Nhà sản xuất của cả hai bộ phim “Chung cư ma”“Ngủ với hồn ma” cho biết, tổng doanh thu phát hành ở nước ngoài của các phim này còn rất khiếm tốn, nó chỉ là phần “bù” thêm cho chi phí đoàn phim. “Chung cư ma” sau khi đặt chân tới 6 nước đã mang về khoảng 20% tổng doanh thu mà bộ phim đạt được. Tính đến thời điểm này, “Chung cư ma” mới coi như hòa vốn (vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng). Trong khi đó, Ngủ với hồn ma vẫn tiếp tục chinh chiến thêm ở nhiều nước khác.

Chia sẻ về lý do vì sao cả hai phim Skyline chọn mang đi xuất khẩu đều thuộc thể loại kinh dị, bà Hằng Trịnh – Giám đốc phát hành cho biết, trong quá trình nhập khẩu phim nước ngoài về phát hành tại Việt Nam, Skyline đã phần nào nắm bắt được thị hiếu khán giả ở từng quốc gia. Tại thời điểm này, với cách thức làm phim của Việt Nam, thì phim hành động và kinh dị được dự đoán là hai thể loại có tiềm năng “mang chuông đi đấm” nhất. Trong khi đó, phim hài, dù rất “ăn” ở thị trường trong nước, lại không “có cửa” khi đi ra ngoài.

Là nhà sản xuất non trẻ, mới gia nhập thị trường sản xuất phim từ 2014, nhưng từ đầu, Skyline đã định hướng phim mình làm ra sẽ phải đi ra ngoài biên giới. Từ đó, lựa chọn phát triển nội dung phù hợp. Qua khảo sát và thực tiễn, bà Hằng Trịnh kết luận: “Thị trường nào cũng cần phim có nội dung tốt, nhưng nội dung có phù hợp với thị trường đó không mới là yếu tố quyết định”. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở trường hợp bộ phim ca nhạc “Love and Mercy” mới phát hành tại Việt Nam hồi cuối tháng 6/2015. Mặc dù được giới ghiền phim mê tít, nhưng “Love and Mercy” không phù hợp với gu thưởng thức của đa số khán giả Việt, nên khi ra rạp, nhanh chóng bị xếp vào dánh sách những bộ phim có số phận hẩm hiu.

Đó cũng là lý do hiện BHD là người sở hữu nhiều phim điện ảnh có chất lượng tốt nhất, bao gồm cả phim art house và phim thương mại có chất lượng tốt, nhưng chưa có phim nào được phát hành tại các cụm rạp chiếu quốc tế. Tham dự nhiều chợ phim, BHD thậm chí còn thuê booth để quảng bá cho phim Việt – một nỗ lực tìm đường dài cho phim Việt ra thế giới, nhưng cần chi phí rất lớn và cả sự kiên trì.

“Đa số phim Việt phát hành gần đây mới chỉ dừng lại ở mức hòa vốn và lỗ. Số phim có lãi rất ít… vì thế, phát hành phim ở nước ngoài, dù chưa thu được lợi nhuận cao, nhưng vẫn là thêm một kênh giúp các nhà sản xuất kéo lại vốn, để từ đó có thêm tiềm lực đầu tư phim mới.”
Còn cái “dễ ăn” nhất, là len vào những thị trường nhỏ, gần gũi với Việt Nam – đó chính là Châu Á, và dễ hơn nữa là Đông Nam Á. Theo khảo sát của Skyline, phim hành động và phim kinh dị đang có tiềm năng. Các hãng hoàn toàn có thể chọn khởi đầu với phim kinh dị. Lý do, ngân sách đầu tư cho thể loại này không quá cao, còn về kỹ thuật thì đã có sẵn các mô típ.

Khán giả nội địa tăng là cơ hội cho phim Việt, nhưng thời điểm thuận lợi nhất đã qua. Thông tin hậu trường cho biết, đa số phim Việt phát hành gần đây mới chỉ dừng lại ở mức hòa vốn và lỗ. Số phim có lãi rất ít. Trong số gần 30 phim Việt được phát hành từ đầu năm 2015 đến nay, tính ra chỉ có chừng 3 – 4 phim có lãi. Vì thế, phát hành phim ở nước ngoài, dù chưa thu được lợi nhuận cao, nhưng vẫn là thêm một kênh giúp các nhà sản xuất kéo lại vốn, để từ đó có thêm tiềm lực đầu tư phim mới. Theo đó, phim càng được phát hành ở nhiều nước thì càng tốt.

Như vậy, cho đến thời điểm này, việc phát hành thương mại phim Việt tại các thị trường ngoại đang có hai “cửa”: Phim thương mại phù hợp với các nước có địa lý và văn hóa gần gũi với Việt Nam, còn dòng phim art house phù hợp với khán giả Châu Âu và Mỹ.

Và “người tí hon” đã bắt đầu tìm thấy cho mình những cơ hội mới.

 

Bài: Hải Khôi
Ảnh: Các đoàn phim cung cấp

logo 

Thực hiện: depweb

21/08/2015, 17:22