Người Hà Nội đương đại
Tiếng thơm của Hà Nội được lưu truyền qua câu ca dao: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Trong tâm thức của nhiều người, hai tiếng thanh lịch vang lên đầy kiêu hãnh trong câu ca dao trên được coi là biểu tượng văn hóa của con người Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Hay nói cách khác, từ trước cho tới nay, mọi người vẫn gắn người Hà Nội với sự thanh lịch. Và ngược lại, sự thanh lịch cũng “để dành” để chỉ người Hà Nội. Dường như, đây là một sự thật miễn bàn!
Ấy thế mà, “bức tường thành” vững chãi về cái gọi là hằng số của văn hóa Hà Nội trên đang có nguy cơ sụp đổ, hoặc đã sụp đổ, khi người ta đang nhìn thấy toàn những sự “xô bồ, nhộm nhoạm, với văn hóa ứng xử thấp kém” của người Hà Nội đương đại.
Và hiển nhiên, sản phẩm của bất kì 1 tư duy đơn giản nào cũng phải cho ra kết luận đánh giá về văn hóa của người Hà Nội hiện nay là “thụt lùi”, “thấp kém”, hay thậm chí là “xuống cấp”.
Nhận thức trên đã tạo cảm giác tiếc nuối cho 1 Hà Nội của thời “vàng son” về văn hóa!? Để rồi, khi quay lại nhìn vào Hà Nội với văn hóa “chướng tai gai mắt” hiện hữu, người ta dấy lên cảm xúc thất vọng, tức giận, đau xót, xấu hổ, chán nản….
Hơn thế nữa, từ chỗ coi Hà Nội trong quá khứ là 1 cái gì đó mới là đỉnh cao về văn hóa, người ta đi đến giải phẫu nguyên nhân và tìm phương cách để “phục hưng” nó. Một trong số nhiều ý kiến cho rằng, chính dân nhập cư, dân tỉnh lẻ đã làm xấu đi hình ảnh Hà Nội.
Nhưng e rằng, ngay từ bước đầu tiên của quá trình nhận thức về văn hóa Hà Nội, chúng ta vấp phải sai lầm, để rồi kéo theo một chuỗi các sai lầm khác. Tiền đề người Hà Nội thanh lịch cần phải được hiểu cho đúng.
“Cột mốc” không đủ vững chãi?
Khi nói đến sự xuống cấp của bất kể sự vật, hiện tượng nào, tức là người ta đang đặt nó trên 1 trục thời gian để so sánh. So sánh với chính nó ở giai đoạn trước đó nhưng đẹp đẽ hơn, chuẩn mực hơn.
Nói văn hóa Hà Nội xuống cấp, ngầm hiểu là văn hóa Hà Nội không còn được sự thanh lịch, tinh tế, lịch sự… như nó từng có – những mỹ từ ít ra đã tồn tại trong nhận thức của chúng ta. Nhưng tiếc rằng, cột mốc để ngắm này không đủ vững chãi để đem ra so sánh.
Chưa kể đến hiện nay người ta đang dần không coi văn hóa Hà Nội là thanh lịch nữa, thì ngay cả trong lịch sử, nói rằng văn hóa Hà Nội gắn với thanh lịch là đánh đồng, ngộ nhận.
Từ trước cho tới nay, mọi người vẫn gắn người Hà Nội với sự thanh lịch. |
Là kinh đô của cả nước, Hà Nội tập trung rất nhiều người đến từ khắp các nơi, và sự phân tầng trong xã hội cũng diễn ra rõ rệt. Không gian sống khác nhau của các thành phần dân cư khác nhau đã tạo nên không gian văn hóa đa dạng.
Mặt khác, sự không ổn định về mặt dân số, do di dân (chủ yếu là nhập cư) và liên tục mở rộng địa bàn hành chính, là 1 yếu tố nữa khiến cho văn hóa Hà Nội luôn luôn biến động.
Vì vậy, nếu có đi chăng nữa, không thể đánh đồng văn hóa Hà Nội là văn hóa của sự thanh lịch, hay là bất kì 1 hằng số văn hóa đơn nhất nào khác. Mà thay vào đó, văn hóa Hà Nội là sự hội tụ văn hóa của nhiều tầng lớp dân cư khác nhau.
Trong nghiên cứu “Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội”, PGS. TS Nguyễn Văn Chính đã có những lý giải mang tính khoa học về văn hóa Hà Nội.
Bằng những cứ liệu lịch sử, ông đã chứng minh, nho sỹ dưới thời phong kiến và trí thức, thị dân dưới thời Pháp thuộc luôn chiếm 1 bộ phận rất nhỏ so với nông dân và giữa các nhóm này có không gian cư trú khác nhau.
Chẳng những thế, ngay cả với quan chức hay những người “ăn nhờ, ở đậu” trong thành phố, họ vẫn tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê hương, với đồng ruộng thông qua sở hữu đất đai và các công việc liên quan đến tổ tiên, hương hỏa dòng tộc. Văn hóa Hà Nội bao gồm 2 dòng văn hóa “văn hóa bác học” và “văn hóa dân gian” song song tồn tại.
Trên 1 phương diện nào đó, ông đồng ý với ý kiến cho rằng tính thanh lịch mà người ta đang nói đến “chỉ trở nên phổ biến và được nói đến nhiều dưới thời cận đại, trong những gia đình trí thức, quan lại và công chức Tây học, trên cơ sở tiếp nối truyền thống kẻ sỹ của những đạo đức nho học trước đó”.
Nhưng ông cũng khẳng định, cách nói người Hà Nội thanh lịch là để “thể hiện một ước vọng muốn phổ biến và phát triển những lối sống và thế ứng xử có văn hóa của người dân thành phố hơn là 1 thuộc tính phổ quát có thật, đã từng tồn tại ở Hà Nội mà nay đã mất đi”.
Mới đây, trong bài viết “Người Hà Nội chưa bao giờ … thanh lịch” của tác giả Phan Đăng trên báo VietNamNet, như nhan đề của nó, tác giả không coi sự thanh lịch là tính cách của người Hà Nội. Tác giả lập luận, dưới thời phong kiến, có đến “80 – 90% dân số là nông dân, mà sự thanh lịch dĩ nhiên không thể là tính cách điển hình của người nông dân”.
Trong khi đó, thời Pháp thuộc, bộ phận trí thức, tiểu tư sản- thành phần được coi là có nếp sống thanh lịch, thì cũng chỉ chiếm số lượng hết sức nhỏ nhoi so với một “biển nông dân” mà thôi.
Như vậy, nói văn hóa Hà Nội là thanh lịch, tinh tế, hào hoa… chẳng khác nào chúng ta đang lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể, là 1 sự “ngoa ngôn”, “quy chụp” cho văn hóa Hà Nội những đặc tính trên hay sao?
Nếp sống thanh lịch không có tính chất gốc!
Sự thay đổi của Hà Nội đã được nhạc sỹ Dương Thụ, 1 người được coi là am hiểu về văn hóa Hà Nội cảm nhận qua cách ông gọi Hà Nội qua các thời kì. Ông coi, trước năm 1945, Hà Nội là “một Paris thu nhỏ ở Châu Á”. Sau năm 1954, Hà Nội là một “Hà-Nội-Mới”, và bây giờ là một “Hà-Nội-Khác”.
Hà Nội luôn biến đổi và văn hóa của nó cũng vậy. Vậy thì tại sao vẫn cứ gán Hà Nội với sự thanh lịch? Đây thực chất chỉ là một thói quen trong suy nghĩ đã ăn sâu, bám rễ do được truyền tụng trong 1 thời gian dài hơn là thực tế.
Hơn nữa, nói rằng người Hà Nội thanh lịch hay văn hóa Hà Nội thanh lịch còn trở thành 1 yếu lý nếu xét từ góc độ chủ nhân của nó, người Hà Nội.
Bởi “nếp sống thanh lịch được hình thành và phát triển trên cơ sở của những gia đình nhập cư. Vì phần lớn những người làm quan, học hành đỗ đạt và làm công chức trong bộ máy công quyền ở Hà Nội, đều được tuyển dụng từ nơi khác đến, và hợp thành 1 nhóm tinh hoa của đô thị”.
Nói như vậy để thấy rằng nếp sống thanh lịch không có tính chất “gốc”.
Như vậy, nếu coi sự thanh lịch là điểm tựa để đưa ra kết luận đánh giá về văn hóa Hà Nội đã xuống cấp là không có cơ sở.
Vì vậy, xin đừng cho rằng, vì Hà Nội – là Thủ đô của cả nước, hay vì Hà Nội trong suy nghĩ đã từng là một Hà Nội thanh lịch mà văn hóa Hà Nội phải “sạch”, người Hà Nội ai ai cũng văn minh, lịch sự hơn các nơi khác.
Dù Hà Nội có được trao những sứ mạng lớn lao đến đâu đi chăng nữa mà không có bàn tay và khối óc quản lý can thiệp kịp thời, thì những “vấn nạn” văn hóa hiện hữu sẽ mãi tồn tại và chắc chắn sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Sự hoài niệm, bi quan yếm thế chỉ làm lu mờ đi trách nhiệm đối với những vấn đề văn hóa “nhức nhối” mà chúng ta không làm được mà thôi.
Theo Vietnamnet