Có giỏi thì làm giả! - Tạp chí Đẹp

Có giỏi thì làm giả!

Thời Trang

Những năm đầu thế kỷ 20 và sau đó, trong thập kỷ 1950-1960, nhiều thương hiệu haute couture Paris, từ “ông tổ” của nó, Charles Frederick Worth, đến Paul Pioret, Christian Dior, Balmain, hay Chanel đều có thu nhập không nhỏ từ tiền bán quyền sử dụng thiết kế mốt cho những trung tâm mua sắm lớn và tên tuổi ở Mỹ. Người Mỹ được phép sao chép “đến từng milimét” một số bộ cánh haute couture mới nhất để bày bán trong các cửa hàng của mình, nhưng không được dùng mác áo có logo hay tên của thương hiệu xịn. Đó là giai đoạn mà các “nhà độc tài” thời trang Pháp có quyền định đoạt chiều dài váy áo chính xác đến từng centimet. Hẳn họ làm điều này không chỉ vì danh tiếng cho kinh đô thời trang.

Mẫu đầm của nhà thiết kế Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Mondrian

Sự thống trị của Paris trên trường thời trang thế giới thời đó đảm bảo cho lợi nhuận từ những BST “nhái công khai”. Cũng nhờ đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao người Pháp lại sùng bái Christian Dior như vậy. Bộ sưu tập “The New Look” của ông (được đặt tên bởi Carmel Snow, biên tập viên thời trang người Mỹ của Tạp chí Harper’s Bazaar) không những tạo nên phong cách thời trang của thập kỷ 1950, mà còn vực dậy thời trang Pháp, đưa Paris trở lại vị trí số một của thời trang thế giới chỉ hai năm sau khi chiến tranh tàn phá Châu Âu kết thúc. Tuy vậy, không hẳn là “thủ đô” thì lúc nào cũng soi sáng “vùng sâu vùng xa”, người Mỹ không phải chỉ luôn theo chân người Pháp.

Người đầu tiên giới thiệu chiếc váy mang mô típ kẻ ca rô Mondrian – biểu tượng của sự sùng bái của thời trang dành cho nghệ thuật – chẳng hạn, không phải là Yves Saint Laurent như chúng ta vẫn nhầm tưởng. Đó là “sáng kiến” của nhà thiết kế Mỹ Anne Klein vào năm 1961, bốn năm trước khi Azzedine Alaïa thực hiện chiếc váy mẫu Mondrian cho BST Yves Saint Laurent Haute Couture Thu Đông 1965. Sau đó, một nhà thiết kế Mỹ khác là Sally Victor cũng đã thiết kế mũ với mô típ Mondrian vào năm 1962.

Những mẫu thiết kế New Look của NTK Christian Dior

Tuy nhiên, giám tuyển của triển lãm “Faking It: Originals, Copies, and Counterfeits” Ariele Elia cũng nhấn mạnh rằng, ngay từ giai đoạn đầu tiên của thời trang haute couture, nhiều NTK như Paul Poiret, Madeleine Vionnet, và cả Coco Chanel (trong thập kỷ 1930) cũng đã đấu tranh không mệt mỏi chống lại đồ nhái. Vionnet thậm chí còn dùng cả vân tay để xác thực các sản phẩm của mình. Christian Dior lấy ý tưởng từ công nghệ do thám, đánh dấu sản phẩm bằng mực chỉ nhìn thấy rõ dưới ánh sáng tím. Năm 1956, Balenciaga và Givenchy cấm cửa các nhà báo tại show của mình để thông tin không bị thất thoát.

Hãy tưởng tượng rằng vải được trùm lên người mẫu để không lộ trang phục khi họ đi từ các xưởng may đến show diễn, đồng thời vẽ phác thảo là hành vi bị nghiêm cấm trong show thời trang. Nhưng những khách hàng giàu có bên kia đại dương cũng không chịu thua. Họ thường đến show với nhóm “chuyên gia”, mỗi người ghi nhớ một bộ phận của trang phục để có thể vẽ dựng lại kiểu mẫu ngay sau khi show kết thúc. Thậm chí, các khách hàng “gián điệp” cũng được phái đến nhà mốt để “mượn tạm” trang phục, lấy cớ thử đồ nhưng thực ra là cho đội chuyên gia sao chép. Lịch sử thời trang cho thấy mô hình mua bán quyền sản xuất “đồ sao chép” rõ ràng hiệu quả và thành công hơn mô hình bưng bít thông tin.  

Hẳn là các thương hiệu “thời trang nhanh” (fast fashion) hiện nay đã vận hành đến mức hoàn hảo nghệ thuật sao chép thiết kế của thời trang ready-to-wear. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bộ máy phục vụ cho thời trang may sẵn vốn dựa trên xu hướng không thể chạy trơn tru nếu không có sự vay mượn ý tưởng, màu sắc, mô típ in hay thậm chí toàn bộ một thiết kế. Chi tiết tua rua (fringe), phong cách retro của thập kỷ 1970, màu xanh bộ đội, họa tiết ca rô gingham hay đồ denim – những xu hướng Xuân Hè 2015 – vốn vẫn “trôi dạt” từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, từ mùa này sang mùa khác, từ phố phường lên sàn diễn và ngược lại. Tuy vậy, trong vô vàn những món đồ na ná nhau đó, không phải món nào cũng được ca ngợi.

Những chiếc áo với các dòng logo “tai tiếng” lại rất được lòng giới trẻ ngày nay

Từ logo của Cartier thành dòng chữ Partier (những kẻ thích bù khú, tiệc tùng)

Khi thời trang cao cấp sao chép trang phục đường phố cho tầng lớp trung lưu chưng diện, đó là “lấy cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày”. Ngược lại, khi “đường phố” ước ao được long lanh như “sàn diễn” – đó lại thành câu chuyện về đạo đức và chạy theo các giá trị ảo. Khi một thương hiệu thời trang Mỹ hoặc Châu Âu “lấy cảm hứng” từ trang phục của những cư dân Châu Á hoặc Châu Phi, đó là sự “ca ngợi vẻ đẹp của một nền văn hóa xa xôi”. Tất nhiên tình cảm yêu mến này không đi kèm với quà tặng. Nhưng cũng chính những thương hiệu này sẽ nổi giận khi cư dân của những nền văn hóa xa xôi muốn “ca ngợi vẻ đẹp đồ hiệu” theo cách riêng của họ.

Xem xét việc sao chép từ góc nhìn của những xã hội, quốc gia kém phát triển hay những nhóm người yếu thế hơn các tập đoàn thời trang có thể đem lại những câu hỏi bất tiện cho các thương hiệu đẳng cấp. Liệu có thể hoặc có nên bảo hộ những họa tiết batik có tính văn hóa xã hội của người Indonesia và đã được du nhập vào một số quốc gia Châu Phi, lễ phục của các nhóm người dân bản địa Bắc Mỹ, những bộ đồ được coi là truyền thống của người Nhật hay người Việt, ngang như họa tiết kẻ của Burberry, màu đế giày của Louboutin, monogram của Louis Vuitton hay logo của Chanel? Hay việc bảo hộ thiết kế và các dấu hiệu đặc trưng vẫn chỉ là đặc quyền và độc quyền của các thương hiệu giàu có?

Rất nhiều tiền bạc đã được tiêu tốn để chứng minh và thuyết phục chúng ta rằng, trang phục gốc thua xa những sản phẩm “lấy cảm hứng” của các thương hiệu Pháp, Ý, Mỹ, cả về chất lượng lẫn thẩm mỹ. Tuy nhiên, tại sao với số tiền đầu tư như thế, với tay nghề như vậy, những thương hiệu này không thể tự nghĩ ra điều gì riêng cho họ? Vay mượn văn hóa bản địa càng ngày càng gần với “chiếm đoạt văn hóa”, và thời trang không còn chỉ là lĩnh vực dành cho việc thưởng thức cái đẹp hay thể hiện gu thẩm mỹ. Nó còn liên quan đến sự áp đặt của người phương Tây lên các quốc gia nghèo, việc di dời quá trình sản xuất trang phục đến các nước nghèo vì ở đó có nguồn nhân công rẻ mạt, hay sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Một tín đồ thời trang nhỏ bé có thể làm được điều gì ngoài việc tìm, chọn cho mình những góc nhìn mới về cái đẹp, mua sắm và sự hợp thời.

Khi thời trang cao cấp sao chép trang phục đường phố, đó là “lấy cảm hứng từ cuộc sống hàng ngày”. Ngược lại, khi “đường phố” ước ao được long lanh như “sàn diễn” – đó lại thành câu chuyện về đạo đức…

Triển lãm tại FIT, áo nỉ màu cam với dòng chữ Homies của Brian Lichtenberg hay áo phông tai tiếng của Jeanine Heller có mô típ Ghostbuster lồng với hai chữ C của logo Chanel cho thấy việc sử dụng những món đồ “trông như đồ hiệu” bắt đầu được nhìn nhận như sự thể hiện đầy ẩn ý sự phản kháng của những “David nhỏ bé” trước sự thống trị của các thương hiệu “Guliath khổng lồ” toàn cầu.

Trong thời trang đường phố, khó có điều gì cool hơn việc “xoáy lại” các thương hiệu quyền lực. Tạp chí i-D nhắc lại ấn tượng “đồ giả cũng cool” với những bức ảnh chụp “đồ rởm” ngộ nghĩnh được trưng bày trong triển lãm Shanzhai Biennial năm 2011 tại Colette – cửa hàng nổi tiếng tại Paris. Ví dụ như giày Nike mang ảnh Obama và đồng hồ Gucci với hình chuột Disney xuất xứ Trung Quốc, túi du lịch hiệu Chanel từ Ai Cập hay túi mua đồ in hình nước hoa Chanel No.5 xuất xứ Nhật Bản. Thậm chí, thẻ vào hậu trường show diễn của Raf Simons cũng được những người Paris nào đó làm giả.

Cũng chính Collete đã từng phải chịu “trừng phạt” từ Hedi Slimane. Nhà thiết kế này hủy toàn bộ đơn đặt hàng của cửa hàng nổi tiếng nhất hành tinh cho bộ sưu tập đầu tiên vì những chiếc áo phông in chữ “Ain’t Laurent without Yves”, nói kháy việc thay đổi logo tai tiếng khi anh trở thành nhà thiết kế chính của Yves Saint Laurent (nay là Saint Laurent Paris). Rõ ràng là việc được hay không được bắt chước liên quan đến vấn đề tiền bạc hơn là sáng tạo, đến thương hiệu hơn là thời trang.

Hẳn bạn đọc nhớ là Coco Chanel, khác hẳn với các nhà thiết kế thế hệ mình, từng cho rằng được bắt chước mới là điều hân hạnh. Phải chăng bà không quan tâm đến những khoản tiền đáng ra bà phải được hưởng từ những chiếc áo khoác vải tweed hay đầm nhỏ màu đen (little black dress)? Không ai rõ câu trả lời nhưng có lẽ Chanel mới chính là nhà thiết kế mốt tự do nhất của thời đại, tuy bà cũng chỉ là “người làm thuê”. Đầu tiên bà bán một phần thương hiệu của mình để lấy tiền làm nước hoa No.5. Trong thập kỷ 1950, bà bán nốt phần sở hữu còn lại để lấy tiền trang trải cho bộ sưu tập giúp bà trở lại với thiết kế thời trang. Chanel nổi tiếng nhưng chẳng hề bị lệ thuộc vào thương hiệu mang tên mình.

 Thực hiện: Thành Lukasz

logo

Xem thêm: Casey Legler – Người mẫu nữ nam tính hơn cả đàn ông

Thực hiện: depweb

03/03/2015, 16:18