Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc - Tạp chí Đẹp

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc

Sống
Giờ thực tập nghề tóc của các nữ phạm nhân

Những học viên khoác áo sọc, tập trung đến lớp vào hai ngày cuối tuần. Cả thầy lẫn trò đều ngầm hiểu với nhau về một nguyên tắc: tôn trọng từng cá nhân và không được đánh mất niềm tin. Đó là lớp dạy nghề tóc dành cho những nữ phạm nhân, thuộc dự án “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” do L’Oreal khởi xướng từ năm 2009. Chương trình mang đến cơ hội học nghề một cách chuyên nghiệp dành cho những người đã từng lầm lỡ, phạm tội để mở ra những cánh cửa mới mà ai cũng có thể nhìn thấy bầu trời vẫn rất xanh. Mỗi khóa học kéo dài 42 tuần, hướng dẫn tất cả các kỹ năng của thợ phụ ngành tóc: gội, sấy tạo kiểu, uốn, duỗi, nhuộm, làm móng và trang điểm. Sau khi ra trại, những học viên này sẽ được giới thiệu việc làm tại các salon tóc của L’Oreal và còn có cơ hội tiếp tục học nâng cao để lấy bằng tốt nghiệp ngành tóc chuyên nghiệp mà không phải trả bất cứ chi phí nào.

Một trong những giáo viên đã theo đuổi dự án này từ ngày đầu là Nguyễn Thị Hương Thảo Vi. Với Thảo Vi, hành trình hơn 6 năm đi cùng các nữ phạm nhân là những tháng ngày đẹp đẽ để một cô gái trưởng thành. Sau các lớp học trong trại giam ở Tp.HCM và Hà Nội, gần hai năm qua, Thảo Vi lại tiếp tục theo đuổi công việc này tại trại giam Đồng Sơn, Quảng Bình. Từ Tp.HCM, xa gia đình, bạn bè, khăn gói đến nơi xa xôi, hoàn toàn xa lạ này, ai cũng hỏi Thảo Vi có thấy thiệt thòi, vất vả không, nhưng cô chỉ nghĩ đơn giản rằng, nơi nào cần có mình thì mình sẽ sẵn sàng đến đó. Thảo Vi nói: “Tôi trao họ nghề, họ trao lại cho tôi ý nghĩa của cuộc sống. Từ một cô gái 21 tuổi khi bắt đầu dự án, giờ tôi đã được học thêm rất nhiều để trưởng thành hơn, và thấy cuộc sống này thật đẹp”.

Những lớp học mà Thảo Vi giảng dạy không giống các lớp học nghề tóc khác vì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chỉ có những nữ phạm nhân với nhau chứ không có khách hàng để thực tập. Nhưng điều này cũng mang đến một ý nghĩa khác: Với những người phụ nữ trong trại giam, được làm đẹp là một món quà lớn. Bất cứ ai, khi cười và bày tỏ niềm vui đều lấp lánh tính thiện và sự chân thành. Tuy nhiên, dẫu thế nào thì họ vẫn là những người rất dễ bị tổn thương bởi khó vượt qua mặc cảm về quá khứ tội lỗi. Vì vậy, lớp học không chỉ dạy nghề mà còn có các buổi chia sẻ về tương lai, những con đường, hướng đi ổn định cho sau này. Trong các câu chuyện với học viên, Thảo Vi thường chỉ tập trung vào những đề tài đang diễn ra trong hiện tại hoặc tương lai và tránh khơi gợi lại quá khứ.

Đôi khi “trái gió trở trời”, cũng có vài học viên không muốn học và bất hợp tác. Những lúc ấy, cô giáo Thảo Vi chọn cách… làm ngơ. Cô nói: “Tôi hiểu họ cần những khoảng lặng riêng để giải tỏa cảm xúc, rồi sẽ trở lại với nhịp đời hiện tại tốt hơn. Tôi luôn nhớ rõ nguyên tắc dung hòa giữa kỷ luật trong lớp học và sự tự do sáng tạo của những người theo đuổi công việc mới là làm đẹp cho mọi người”.

Nhiều năm qua, Thảo Vi đã giúp cho gần 100 phạm nhân có được nghề tóc sau khi ra trại. Trong đó, có hai chị tiếp tục tham gia khóa học nâng cao, đang chuẩn bị mở tiệm tóc nhỏ với sự hỗ trợ của L’Oreal.

Với họ, những cánh cửa mới sẽ mở ra một bầu trời rất xanh!

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ĐẶC BIỆT

Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.

Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 86 tuổi đã hơn 20 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!

Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”

 Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa  đạt được đến chữ  ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 86 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
– Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy  đặc biệt của 3 đứa trẻ  mồ côi mẹ
– Thầy giáo 15 năm cắm bản, dạy trò bằng 5 thứ tiếng
– Mr. Luc Gheysens: “Không gì tuyệt vời hơn là giúp đỡ trẻ em học”
 Góc nhìn hài hước của đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!

Thực hiện: depweb

20/11/2018, 08:00