1. Những chiếc áo màu lính đặc biệt được thiết kế riêng cho Tam ca đỏ: Trọng Tấn – Đăng Dương – Việt Hoàn đã nhắc nhớ rằng, dù các anh đã mở rộng “biên độ” trình diễn với những bản tình ca, thậm chí nhạc tiền chiến, thì các anh vẫn thuộc về nhạc đỏ. Và khi các anh hát, những bài hát đã quá quen như: “Việt Nam quê hương tôi”, “Đường chúng ta đi”… vẫn được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt nhất.
Tam ca đỏ: Trọng Tấn – Đăng Dương – Việt Hoàn một thời, kết hợp trở lại trên sân khấu “Bài ca không quên” tối 21/11
2. Trọng Tấn cứ đứng với Đăng Dương – Việt Hoàn là gây hiệu ứng: Bằng chứng là, phần trình diễn được khán giả vỗ tay rền vang nhất chính là khi anh cất giọng cùng hai người còn lại. Dù đã “ra riêng” từ lâu và ngày càng chứng tỏ những thành tựu riêng so với hai giọng ca còn lại, nhưng khi hợp lại, họ vẫn tạo thành sức mạnh. Vì thế, đêm qua, khi Việt Hoàn, Đăng Dương đã lui vào cánh gà, họ vẫn “bị” khán giả “lôi” trở lại sân khấu. Phần trình diễn của Tam ca đỏ cũng là phần duy nhất đựơc khán giả yêu cầu hát lại.
3. Trọng Tấn hát nhạc âm hưởng dân ca rất đã tai. Bằng chứng là, khi anh hát nhạc đỏ một mình, khán giả có vỗ tay, nhưng khi anh hát “Lời ru” (Lê Minh) hay “Neo đậu bến quê” (An Thuyên), thậm chí hát “Dáng đứng Bến Tre”, khán giả càng cổ vũ nồng nhiệt hơn.
4. Trọng Tấn và Hồ Quỳnh Hương hát chung mà… cách xa. Là bởi, dù hát chung ba ca khúc rất tình là: “Ngày em đến”, “Hãy đến với em” và “Trăng lưỡi liềm” nhưng cặp đôi không một lần… gần gụi. Hồ Quỳnh Hương bảo, cô “sợ”, vì vợ Trọng Tấn đứng ngay trong cánh gà. Còn Trọng Tấn thì đùa vui: “Không dám đứng gần Hương”. Vậy nên, dù họ kể chuyện về những ngày tháng bắt đầu cùng nhau trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1998, khán giả cũng khó cảm nhận được sự kết nối trong suốt gần 20 năm ca hát của hai người.
Trọng Tấn – Hồ Quỳnh Hương trên sân khấu
Kết luận: “Bài ca không quên” của Trọng Tấn, nếu so với Trọng Tấn – In the Spotlight năm trước, có cố gắng tạo ra những mảng màu khác biệt. Nhưng nếu về độ thành công và dấu ấn, có lẽ “lần đầu tiên” năm 2014 “ép phê” với khán giả hơn. Giám đốc nghệ thuật Thanh Phương đã không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn phác họa được chân dung của Trọng Tấn, người hát hay nhất những khúc tráng ca, nhưng cũng rất tình (một cách chuẩn mực) khi hát tình ca. Thực tế thì, Trọng Tấn cứ hát những bài ca không thể quên, và anh sẽ trở thành “người không thể quên”.
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Hải Bá