Những người thực hiện chuyên đề “Hoài cổ” rất mong qua chùm bài này, một câu hỏi sẽ được trả lời: hoài cổ là nuối tiếc quá khứ, là lý tưởng hóa thời gian đã qua, là chỉ chọn những vẻ đẹp ở thời đại đó để tưởng nhớ, hay chính là thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp bị mai một dần?
Tổ chức: Đinh Phương Linh
Bài liên quan:
– Ai mua hoài cổ không?
– Hoài cổ – giữ hiện tượng hay níu tinh thần?
– Cô dâu Dương Anh Xuân: Tôi còn “chơi trội” hơn nhiều ấy chứ
– Nguyễn Trần Bạt: Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
– Đầu tiên xin được chúc mừng lễ cưới của chị. Ý tưởng tổ chức lễ cưới theo hình thức những năm 1980 được bắt nguồn từ đâu, chị có thể chia sẻ thêm?
– Thật ra nó bắt nguồn từ việc tôi và chồng muốn chính chúng tôi và mọi người cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Cụ thể hơn, khi chụp ảnh cưới ngoại cảnh, chúng tôi không muốn chụp theo kiểu mà rất nhiều cặp hiện nay ưa chuộng. Đơn giản là vì rất mệt, tôi rất ngán cái cảnh phải chụp dưới trời nắng nóng oi bức mà chúng tôi thì phải diễn, tỏ vẻ như là rất hạnh phúc theo sự chỉ đạo của nhiếp ảnh. Thế là chúng tôi quyết định để mọi thứ thật tự nhiên. Một ngày, chúng tôi thuê xe đi Biên Hòa (Đồng Nai) dã ngoại. Trên đường, chúng tôi đi ngang qua một tiệm áo cưới rất bình dân với đủ các thể loại soiree sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng mà các bạn trẻ ở thành thị có thể cho là sến. Chúng tôi đi vào đó, chọn quần áo, váy cưới và thuê một nhiếp ảnh bình dân nhất để chụp.
Kiểu chụp này rất phổ biến ở các vùng ngoại ô và nông thôn. Nó có một nét rất riêng, rất Việt Nam. Và sau đó, khi đến lễ cưới, tôi và chồng cũng muốn có một lễ cưới thật thoải mái, không gò bó, câu nệ lễ nghi như người ta vẫn thường làm ở các nhà hàng, khách sạn lớn nên chúng tôi nghĩ, tại sao không là một lễ cưới theo như cách mà bố mẹ mình đã làm ở thuở những năm 1980?
Cô dâu và chú rể (giữa) chụp ảnh kỉ niệm cùng khách mời trong lễ cưới phong cách những năm 1980
-Việc chuẩn bị cho “lễ cưới năm 1980” của chị như thế nào? Theo tôi được biết là những vật dụng, đồ trang trí theo đúng kiểu cổ xưa như thế hiện đã không còn phổ biến nữa?
– Đúng là không dễ một chút nào! Chúng tôi phải ra vùng ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Hà Tây và đi xem các đám cưới đang được tổ chức tại đó. Chúng tôi xem cách họ tổ chức, chọn các vật dụng ưng ý, truy tìm chỗ cho thuê, đem về trung tâm Hà Nội và bắt đầu “chế biến” lại theo đúng như cách người ta làm ngày xưa. Phải mất đến hơn hai tuần chúng tôi mới có thể hoàn thành được công tác chuẩn bị.
Chúng tôi cũng yêu cầu bạn bè và khách đến tham dự trong bộ trang phục của những năm bao cấp cho hợp chủ đề. Nói chung, mọi người đều cảm thấy rất hứng thú. Bạn bè tôi kể rằng họ phải lục lại tủ quần áo của bố mẹ, xin lại cái quần ống loe, cái áo nỉ hay mũ nỉ và thích thú nhìn mình trong những bộ trang phục tưởng chừng lạ lẫm mà rất quen thuộc đó.
– Những năm 1980, chị và bạn bè của mình chỉ là những cô cậu bé còn rất nhỏ, ít có mối liên kết sâu sắc với thời kì này. Vậy thì phải chăng sự thích thú đó chỉ là hiệu ứng của tính thích “hàng độc” của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay?
– Những gì cá nhân tôi trải qua ở những năm 1980 giờ chỉ là những mảng kí ức rất nhỏ. Cho nên, tôi không loại trừ khả năng mọi người thích ý tưởng tổ chức lễ cưới này là vì nó “độc” (cười). Thói đời, cái gì mới lạ thì thu hút sự quan tâm, thích thú. Nhưng tôi nghĩ thế hệ trẻ chúng ta có sự hiểu biết và chủ động nhất định. Như bạn bè tôi chẳng hạn, họ phải tìm hiểu qua ông bà, bố mẹ và trên mạng cách người thế hệ trước ăn mặc như thế nào, đi dự đám cưới ra sao, tặng quà gì. Tôi cho rằng điều đáng quý là chúng tôi có ý thức tìm hiểu.
– Có không ít người nói rằng chị tổ chức một đám cưới như vậy không ngoài việc muốn chơi trội? Chị nghĩ sao?
– Tôi còn làm nhiều chuyện chơi trội hơn thế này nhiều ấy chứ. Chẳng cần phải chờ đến khi có lễ cưới này người ta mới nói rằng tôi chơi trội. Mà tôi thấy rằng trong xã hội này, chẳng có điều gì mà người đời không đánh giá, dù là chuyện tốt hay chuyện xấu. Người ta đi làm từ thiện mà còn bị nói là chiêu trò đánh bóng tên tuổi mà.
Vậy nên, tôi chẳng quan tâm người khác nghĩ gì. Trước khi làm việc gì, tôi chỉ nghĩ bản thân tôi cảm thấy như thế nào thôi.
– Vậy điều gì làm cho chị thích ở một đám cưới của thập niên 80? Mục tiêu của chị khi tái hiện nó trong đám cưới của chính mình?
– Tôi thích sự giản dị và thân tình của nó. Thời đó, người ta đi ăn cưới và tặng cho cô dâu, chú rể phích nước hoặc mì chính, bánh xà phòng, dây xích xe đạp… Mình không thể tưởng tượng được là đã có lúc những vật dụng bình thường như thế lại quý giá đến mức độ người ta chỉ dành tặng cho nhau ở một dịp quan trọng là lễ cưới.
Sau lễ cưới của tôi, tôi cũng nhận được không biết bao nhiêu là các loại quà tặng như thế. Tôi quí chúng lắm! Và mọi người cũng bảo rằng họ chưa bao giờ được dự một lễ cưới thân tình đến như vậy, giản dị mà ý nghĩa; không như ở các nhà hàng, khách sạn lớn, người ta cứ đến ăn uống vội vã rồi ra về mà đôi khi chẳng biết hết tên những người ngồi cùng bàn với mình. Tôi muốn có lại không khí đoàn viên, đầy tình cảm của ngày xưa, và tôi đã đạt được mục đích.
Chú rể (phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè trong ngày cưới thú vị của mình
– Có vẻ như chị thích những vẻ đẹp, kể cả tinh thần và vật chất, của những ngày xưa cũ nhỉ?
– Không sai! Tôi thấy thời đại bây giờ bị công nghiệp hóa quá mạnh. Điều đó có thể tốt cho kinh tế, nhưng nếu nhìn từ một góc khác, chưa hẳn là tốt. Ví dụ như khi nhìn những chiếc chén đĩa ở nhà, bạn chẳng có cảm xúc gì cả vì chúng giống nhau, được máy móc sản xuất hàng loạt. Nhưng chén đĩa thời xưa thì không như thế, chúng được làm bàn tay, được vẽ tỉ mỉ và chăm chút từng đường nét, thể hiện óc thẩm mỹ, tài năng và cả tình cảm của người thợ. Vì thế, chúng đẹp vô cùng. Nhìn chúng, tôi chắc rằng ai cũng sẽ nhớ về một kỉ niệm nào đó đẹp đẽ của những ngày đã qua.
– Phải chăng đó là sống trong quá khứ? Trong khi đó, có ý kiến cho rằng những người trẻ như chị nên hướng tới hiện tại và tương lai bởi nó đòi hỏi sự vận động, phát triển không ngừng.
– Với tôi, những năm 1980 không chỉ đơn thuần là một thời kì lịch sử đã qua. Thời gian đó đã có những tác động, tốt lẫn xấu, đến suy nghĩ và hành động của con người. Chính nỗi vất vả cũng đã là một động lực cho con người lao động và sáng tạo nghệ thuật. Một thực tế không phủ nhận là biết bao văn nghệ sĩ tài năng đã được trui rèn từ thời kì ấy. Tôi thấy được và hiểu được những điều đó qua sự cố gắng và tinh thần làm việc nghiêm túc của bố tôi (nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong – PV).
Khách mời và tân lang tân nương – ai nấy đều thích thú hưởng ứng phong cách hội hôn này
– Có nghĩa là chị ủng hộ việc tìm về những nét đẹp của thời bao cấp?
– Tôi không ủng hộ cũng không phản bác, vì nếu không sẽ là cực đoan. Mà thật ra tôi nghĩ dù muốn hay không, dù thích hay ghét thì việc chúng ta đã trải qua thời kì đó là một sự thật không thể chối bỏ. Và việc tôi và một số người nữa thích những nét đẹp của nó đã thuộc về vấn đề sở thích và lựa chọn. Có hay không có tiệc cưới của tôi thì những người vốn thích nó vẫn cứ thích, và đối với những người không thích nó, tôi cũng đâu thể làm cho họ trở nên hứng thú hơn được.
Bài: Hoàng Khánh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đời sống đơn sơ, bình dị mà ấm áp tình người thời bao cấp là nguồn cảm hứng xuyên suốt bộ hình đặc biệt này – như một món quà dành tặng bạn đọc nhân dịp Đẹp tròn 15 tuổi. Một hoài niệm về thời đã xa nhưng chưa bao giờ bị quên lãng…
>>> Khai thác cảm hứng hoài cổ, nhiều bộ phim, chương trình truyền hình hay các sản phẩm văn hóa khác đã rất thành công. Tìm đến những không gian xưa cũ, thưởng thức những món ăn tưởng chỉ còn trong những câu chuyện kể, hoài nhớ về những chuyện đã xảy ra… là một nhu cầu có thực của nhiều người. Hai mô hình kinh doanh, một tái hiện lại không gian bao cấp, một gìn giữ những nét đẹp tồn tại suốt bề dày lịch sử của dân tộc, đều được khách hàng rất đón nhận.