44% công chức mong và coi “bồi dưỡng họp” như một khoản thu nhập. Công chức “quèn” đi họp có thêm tý bồi dưỡng “cùi”, cho rau dưa thêm phần loáng thoáng.
Minh họa: Hồng Trang
Một bộ phận không nhỏ (được cho là 11%) các loại sếp coi đó là nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí thu nhập chính, như bổng lộc chính đáng cho chính chủ. Vì nó cao hơn lương 5-10 lần, theo một thống kê mới công bố.
Đừng chụp mũ là tham nhũng, nhé. Chỉ là bồi dưỡng họp thôi, công khai và các thành viên họp đều có. Đó được coi là trả công đăng đàn chém gió, công khai chứ nào vòi vĩnh, ngấm ngầm móc ngoặc gì.
79% công chức có thu nhập ngoài lương được cho là “cảnh báo mạnh mẽ”. Đi làm không trông vào lương, chỉ nhăm nhăm kiếm “bổng”, một khi “suy thoái” sẽ có ngày bị “tha hóa”.
Họp không phải là tất cả, không có “phong bì”, họp vẫn “thành công” nhưng không mấy “tốt đẹp”, có khi chỉ lèo tèo người đến vặt râu xơi trà…
Cái trò đi họp có “bồi dưỡng” ở đâu ra? Nó có từ thời bao cấp, khi đi họp phải mang theo tem phiếu, đóng thêm ít tiền “góp gạo thổi cơm chung”. Đổi mới dần, cơ quan chủ trì “bao” tem phiếu, rồi bao cả tý tiền, tiến đến chủ chi cả bữa cho các đại biểu.
Ăn, rồi nhậu, một thời từ thèm thuồng tới thỏa thê. Cơ chế thị trường được áp dụng: phong bì cho nhanh, ăn đâu thì ăn, ăn gì thì ăn, tránh ồn ào…
“Phong bì” gánh tuốt, và quen với kiểu “nửa kín nửa hở”. Bồi dưỡng họp được sáng tạo sang nhiều lĩnh vực khác: chả họp hành gì, phong bì cũng chạy về tận nhà…
Họp là đặc thù, niềm vui và thành “phong trào”. Không họp, làm sao phối-kết hợp… Thôi thì cứ họp, lòng vòng, chém gió cho “quán triệt”, nhiều khi toàn những điều xưa cũ… Cử tọa, có phong bì rồi, nghe, không nghe, cứ gật gù ra chiều tâm đắc…
Bộ máy cồng kềnh, lương thấp, sống bằng thu nhập ngoài lương… Đi họp kiểu “người nhà nước” giống họp tổ dân phố ở chỗ lè phè, khác ở chỗ có “phong bì”.
Có cơm ăn áo mặc lại không phải họp hành vô bổ, chuyên tâm làm chuyên môn là mong muốn còm. Thường vẫn diễn ra kiểu hai bên cùng có lợi: người biết làm việc đội nón ra đi, “sếp” thích dùng kẻ tôi hèn
Xây dựng bộ máy tinh gọn, đổi mới quản lý để tăng hiệu quả công tác vẫn là mong muốn và vẫn phấn đấu…
Cơ chế thị trường đang lấn vào: khoán việc, khoán lương, thi tuyển công chức và cả lãnh đạo, tự đào thải và đào thải, thay vì nửa vời quẹt thẻ xiết dân cắp ô…
Trần Giang Phương