Có cần thiết phải cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ ?

Năm 1999, với đề xuất của Cục NTBD, hàng nghìn thẻ hành nghề đã được cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng chỉ ba năm sau, Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ với lý do: thẻ hành nghề giống như “giấy phép con”. Suốt thời gian dài, Cục NTBD đã nhiều lần đề xuất việc cấp lại thẻ hành nghề nhưng việc này chẳng đi đến đâu. Việc thẻ hành nghề được đưa ra như một giải pháp chấn chỉnh hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang hiện nay, nhưng nhiều người đặt câu hỏi: liệu nó có thực sự cần thiết và cấp rồi có lại bỏ như hơn 10 trước?

NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục NTBD, cho hay: “Trước kia, những tiêu chí cấp thẻ được soạn thảo cẩn thận. Để được cấp thẻ, các nghệ sĩ phải tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật, các quy chế được ban hành… Sau đó, nghệ sĩ phải qua kiểm tra về năng lực cũng như hiểu biết đã được tập huấn”. Theo ông, thẻ hành nghề cho nghệ sĩ là chứng chỉ năng lực nghề nghiệp, chứ không phải là một “giấy phép con”, mỗi lần biểu diễn lại phải đi xin. Việc thẩm định năng lực nghệ sĩ là cần thiết, không thể chỉ đưa tấm bằng ra, vì có người học ngành điện ảnh nhưng lại đi hát. “Cần có một hội đồng thẩm định để xem xét năng lực của cá nhân. Có thẻ rồi, việc xử phạt nghệ sĩ vi phạm đơn giản hơn. Nếu vi phạm, anh không có thẻ hành nghề nữa thì thanh tra căn cứ vào đó xem xét xử lý dễ hơn”, ông Lê Ngọc Cường nói.

 

Cấp thẻ hành nghề liệu có phải là giải pháp giúp chấn chỉnh hoạt động biểu diễn? – Ảnh: Internet

Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Trung băn khoăn về mục đích của thẻ hành nghề cho nghệ sĩ:. “Chúng ta buông lỏng và quản lý yếu kém trong nhiều năm qua thì nguyên nhân chắc chắn không phải và cũng không thể giải quyết bằng việc cấp thẻ. Muốn một cái chợ hoạt động có tổ chức và lành mạnh thì đầu tiên cần loại bỏ những kẻ ăn cắp, lừa đảo, bán hàng rởm, chứ không phải bán thẻ hay bán vé vào cửa, bởi tất cả những người kinh doanh trong chợ đã có đăng ký rồi”. Vị nhạc sĩ này cũng không hiểu cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ sẽ được dựa theo những tiêu chí nào: “Làm âm nhạc không giống với công việc của y bác sĩ. Chúng ta vẫn đang sử dụng rất nhiều tác phẩm mà các nghệ sĩ đó không đủ tư cách hành nghề thì sao? Cấp thẻ chứng nhận chuyên môn để được hành nghề hay tư cách chính trị để quản lý?”.

“Chúng ta buông lỏng và quản lý yếu kém trong nhiều năm qua thì nguyên nhân chắc chắn không phải và cũng không thể giải quyết bằng việc cấp thẻ”
    

Nhạc sĩ Quốc Trung

Thẻ hành nghề có thể được hiểu là nhắm tới đối tượng quản lý chính là các nghệ sĩ tự do, nhưng theo ông Trung: “Chúng ta có nên phân biệt nghệ sĩ làm việc trong và ngoài nhà nước không, bởi hiện tại lực lượng bên ngoài đang hoạt động và cống hiến, thậm chí định hướng thay cho lực lượng bên trong đấy”.

Nhiều băn khoăn, nghi ngờ xung quanh việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn. Trong khi lực lượng thanh tra văn hóa vẫn còn yếu, thì liệu sẽ có hội đồng thẩm định cấp thẻ đủ năng lực và công tâm? Có hay không xảy ra chuyện tìm mọi cách luồn lách để có thẻ hành nghề? Nghệ sĩ sẽ được tạo điều kiện hay bị làm khó khi cấp thẻ? Điều cần bàn là cấp thẻ rồi mà hậu kiểm không chặt thì cũng như không.

NSND Lê Ngọc Cường cho rằng, việc mà Cục NTBD cần làm bây giờ là đánh giá, tìm ra những cái được và chưa được của việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ trước đây, xem xét lại các tiêu chí, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế rồi mới kiến nghị, triển khai chứ không phải “nói cấp là cấp, bỏ là bỏ”. Tập huấn, thẩm định, cấp tới hàng nghìn thẻ rồi lại bỏ đi sẽ gây lãng phí. “Chúng ta có luật và rất nhiều nghị định, thông tư, nhưng hiệu quả chưa cao bởi hầu hết đều bị “xuyên thủng” từ chính những người quản lý. Các chương trình của đài truyền hình, ngay của Cục, của Bộ vẫn hát nhép đấy thôi… Năng lực và uy quyền của nhà quản lý phụ thuộc vào hiệu quả của việc thực thi luật, quy định chứ không phụ thuộc vào số lượng luật, quy định đưa ra”, nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận.

Theo Thanh Niên

From the same category