Bỏ tiền triệu để mua thuốc bên ngoài
Chị Hoàng Thị Nga (quê Quảng Ninh) có con trai Nguyễn Văn Phác đang điều trị ung thư phần mềm tại khoa Nhi – bệnh viện K.
Chị Nga cho hay: Ngoài phần đồng chi trả (20%) theo quy định thì mỗi đợt truyền hóa chất cho con, chị còn phải bỏ tiền túi ra mua thuốc, hóa chất vì bệnh viện không có. Số tiền này ước tính 1-2 triệu đồng/lần truyền.
“Mỗi tháng truyền 2 lần, tiền thuốc mua ngoài cũng rơi tầm 2-4 triệu”, chị nói.
Còn chị Luyện Thị Tân mới đây phải bỏ ra không ít tiền để mua thuốc cho con gái Đoàn Phương Thảo (9 tuổi, ung thư xương) khi bắt đầu đợt truyền hóa chất mới.
Bệnh nhân Đoàn Phương Thảo phải mua thuốc Uromitexan bên ngoài dù thuốc này có trong danh mục được BHYT thanh toán
TS.BS Trần Văn Công, trưởng khoa Nhi (bệnh viện K) cho biết Uromitexan là loại thuốc có trong danh mục được BHYT thanh toán.
Tuy nhiên, thay vì được hưởng thì nay bệnh nhân BHYT phải tự bỏ tiền ra mua là bởi tại thời điểm này không có doanh nghiệp nào đấu thầu thuốc trên vào bệnh viện.
Bệnh nhân cũng khó có thể được hưởng loại thuốc thay thế, do thay thuốc là phải thay đổi phác đồ điều trị. Do vậy, chị Tân đã khá vất vả để tìm được đúng loại thuốc này ngoài thị trường.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Không chỉ phải bỏ tiền mua thuốc, người bệnh còn phải mua hóa chất truyền bên ngoài do bệnh viện thiếu. Chị Tân cho biết, tính cả thuốc, cả hóa chất, mỗi đợt điều trị của con chị đều phải mua bên ngoài là không nhỏ. Mỗi tháng truyền hóa chất 2 lần, chị Tân thực sự lo lắng.
Thiếu thuốc do đấu thầu
Theo TS Công, trên thực tế, có những loại thuốc trước đây thuốc danh mục được BHYT thanh toán nhưng nay không đưa vào.
Hoặc có loại được đưa vào danh mục nhưng lại không có thuốc! Do vậy, việc thiếu thuốc là việc khá thường xuyên.
Thiếu thuốc ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT
Lý do thứ hai là nhiều loại thuốc chỉ có một doanh nghiệp cung ứng, do vậy việc có đủ thuốc hay thiếu thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị cung ứng này, dễ dẫn đến tình trạng “đứt hàng” nếu doanh nghiệp có vấn đề.
Trong tình cảnh này, có thể loại thuốc đó phải mất một thời gian rất dài mới có thể được cung ứng trở lại.
Trong trường hợp đó bệnh nhân chỉ còn 2 lựa chọn: hoặc phải dùng thuốc thay thế (do người bệnh tự nguyện mua bên ngoài với giá cao hơn nhiều giá của bệnh viện) hoặc phải chuyển phác đồ điều trị (do không phải lúc nào cũng tìm được thuốc thay thế cho bệnh nhân ung thư).
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi và hiệu quả điều trị của người bệnh, đặc biệt là người bệnh mắc bệnh ung thư.
Đối với các loại thuốc ung thư đắt tiền, hiện BHYT đang thanh toán từ 50-100%. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) – Bảo hiểm xã hội Việt Nam – thì hiện nay, danh mục thuốc (theo thông tư số 31 về mở rộng danh mục thuốc BHYT) quá rộng.
Do đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang lấy ý kiến chấn chỉnh lại danh mục các loại thuốc được BHYT chi trả, kể cả thuốc điều trị ung thư, để vừa tránh nguy cơ vỡ quỹ, vừa đảm bảo một danh mục khoa học, hợp lý, tránh tình trạng chỉ có tên mà không có thuốc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.