– Đố anh biết, khi đọc bài viết về anh trên Đẹp, tôi ấn tượng nhất là con người nào của anh?
– Chịu!
– Liên quan đến cái tên “Di béo” của anh thôi!
– Một tâm hồn ăn uống?
– Và đó chính là lý do tôi chọn anh cho câu chuyện mà Café sáng muốn đề cập hôm nay: An toàn thực phẩm!
– Ồ, thế thì bạn chọn nhầm người rồi: Vì trong sự ăn, tôi “thô thiển học” lắm: Chỉ cốt no, cốt ngon, chứ không… cần sạch!
– Sạch mà không phải là điều quyết định sự ngon sao, ít nhất, trong cảm giác?
– Thế bạn có đủ dũng cảm ăn thịt chó không có mắm tôm không? Tương tự, một món ăn cũng vào dạng “quốc hồn quốc túy” của Đài Loan: đậu phụ thối. Hay như, theo như tôi biết, ở Pháp, có một vùng, thợ săn mỗi khi săn được mồi về thì phải phơi thịt đúng 7 ngày sau mới chế biến, không thối không… ăn! Thấy chưa? Thế nên, không phải cái gì bốc mùi cũng đều là thứ bỏ đi!
– Hay nhỉ, anh nói cứ như luật sư bào chữa của ông trùm “kinh doanh thịt thối” ở Bình Dương ấy nhỉ! Chuyển nghề được rồi đấy!
– Chỉ là, “bệnh nghề nghiệp” thôi mà! Tại vì, ở góc độ một người làm sáng tạo, thì tôi thường có xu hướng đánh giá cao những “tư duy sáng tạo” kiểu đấy: Biến những thứ tưởng chừng bỏ đi thành những thứ dùng được!
– Kể cả “sáng tạo” cướp 2,2 tấn thịt thối từ hố tiêu hủy mới đây ở Đồng Nai?
– Hic, đến nước đấy thì chắc chỉ còn cách “sáng tạo” này thôi: Đào một cái hầm trú ẩn.
-Hầm chữ A, hay… chữ gì?
– Không phải 1 mà là 3 chữ: KHÔNG ĐỌC BÁO.
– Ngon ăn quá nhỉ! 1 mâm cơm, 5 Bộ quản lý còn chưa sạch, vậy mà anh tính đối phó bằng cách “tầm thường” thế sao?
– Đấy, thì cũng chính vì 5 Bộ mà còn chưa làm được thì phận “dân đen con đỏ” như chúng ta mới chỉ còn mỗi “cửa thoát hiểm” duy nhất đó! Chứ chả nhẽ lại không ăn? Túm lại: Thịt thì vẫn phải ăn, còn nếu muốn an toàn thì… đừng đọc báo nữa!
– Xem ra anh khó mà trở thành NSND nhỉ, dù có làm phim hay bằng trời! Tội thờ ơ với sức khỏe của cộng đồng, đâu nhỏ?
– Không phải, mà theo tôi, còn quan trọng hơn chuyện thực phẩm sạch, điều làm tôi suy nghĩ nhiều hơn đó là có những người còn chả có lựa chọn nào khác ngoài những thức ăn ôi thiu mà những đồng tiền công rẻ mạt không thể giúp được gì hơn cho người cầm nó trên tay, sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hay thậm chí, còn chả có mà ăn. Đến nước ấy thì một con gà rù cũng biết vỗ cánh trong giấc mơ của họ, như một thời chưa xa, ông bà bố mẹ chúng ta hay tận đến thế hệ 7X chúng ta cũng đã từng không ít phen thấm thía cái nỗi “miếng ăn là miếng nhục”. Còn như, chừng nào còn dám phân biệt sạch, bẩn là chừng đó chúng ta vẫn còn có được quyền lựa chọn và thế là… may rồi! Thế nên, nếu nói quá lên về quyền lựa chọn, mà phần nào đó lãng quên một bộ phận người dân thậm chí còn không có quyền lựa chọn, thì tôi thấy, ít nhiều, có gì như bất nhẫn…
– Nhưng “miếng nhục” ngày ấy, dù khó nuốt, cũng đâu đến nỗi bị ung thư nhiều như bây giờ!
– Biết đâu, thuở ấy, cũng có những cái chết vì ung thư, vì gà rù, lợn dịch… mà chúng ta không biết? Nữa là trong thế giới hiện đại này, tôi nghĩ, rất khó có được cái gì là vô trùng và sự “sạch” do đó cũng chỉ là một khái niệm hết sức tương đối. Ăn thua vẫn là khả năng tự vệ của chính mình! Mà cách tự vệ của tôi, như đã nói, là… không đọc báo!
– Cái tên phim “Đi mãi rồi cũng quay về” của anh xem ra không ổn trong vụ này lắm nhỉ? Muốn ăn sạch chắc là không nên “quay về” (nếu đã từng hơn một lần được mời đến Pháp)?
– Hừm, tưởng Tây mà sạch à? Bò điên thì sao? Phóng xạ thì sao? Đậu phụ thối thì sao?
– Hic, vậy theo anh, làm thế nào để nói câu: “Di ơi đừng sợ!”?
– Đằng nào cũng chết! Chết vì ăn là cái chết rất… con người!
– Còn hơn là chết lâm sàng kiểu “chơi vơi”, vì xem phải những bộ phim quá dở?
– Lại nhầm nhọt rồi: Phim dở không giết người xem, mà là giết đạo diễn!