Cỗ Tết, ẩm thực và phong cách Việt

Năm nay, lần đầu tiên tại đất Kinh kỳ kẻ chợ có Hội hoa- Chợ Tết. Tứ xứ làng nghề vác về các loại sản vật âm dương ngũ hành, khoe như triển lãm, bán như hội chợ, lại chơi như hội hoa…

Trong cái hội cứ như ba trong một này, xuất hiện cả ăn, kiểu “lề đường xó chợ”, với những món “nhà quê mà quốc tuý”: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn, chè sen, nem giò, rau sạch… Nhiều nghệ nhân ẩm thực khắp nước được vời trình cỗ Tết Việt.

Chợ phiên cả năm một lần này phẳng phất chợ quê, nét “bánh đa bánh đúc”, nhưng mới chỉ nhâm nhi thưởng thức quà quê, chứ nét “đánh chén” tại chợ chưa “đậm đà” bản sắc miền ngược “không say không về”.

Sài Gòn đã thành truyền thống, cuối năm lại lên lễ hội ẩm thực, Tây, ta sánh vai khoe mùi. Hàng ta không ít, nhưng mới chỉ những miếng ăn vùng miền, từ ngao sò, tôm mực tới bánh xèo, bún mắm…

Đặc sản Tết Việt nay đã xuất ngoại, đi cả Âu, Úc, Mỹ… nhưng vẫn chưa thành thương hiệu. Phở – quốc hồn quốc tuý vào hàng “quốc thực” hay nem rán, chả giò… còn được biết, chứ bánh chưng là gì, tích thế nào vẫn nhiều du khách ngó nghiêng ngơ ngác.

 

(Ảnh sưu tầm)

Món ngon, tôn vinh là chuyện “nội giao”, chưa mấy rộ “ngoại giao ẩm thực Việt”. Bếp Việt, phong phú, nhưng có vẻ chưa mấy toả hương. Kẻ sành từng khuyên Việt Nam khỏi cần làm công xưởng gì to tát, cứ làm một cái “bếp của thế giới” lại hay.

Cứ món tinh hoa, đủ miền, tạo thương hiệu một chợ ẩm thực tinh tuý, tour du lịch ẩm thực chào mời du khách… Ăn, nhu cầu đầu tiên, cũng là “tứ khoái” đầu tiên, lạ miệng như cá tươi.

Có cả văn hoá “ăn nhậu” với những nét riêng. Sản vật cả, nhưng món gì “ăn nhậu” với món gì mới ngon như xơi, bổ như thuốc. Con gà phải cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Thiếu tý gia vị, không ra gì, có mà khóc đứng khóc ngồi…

Tết thì Tết, món ngon không nhồm nhoàm, vì không phải món “tồi tàn”. Cũng đến ăn, nhưng ăn trông nồi, ngồi trông hướng, nhường trên nhịn dưới…

Món bày tất một lượt, dân chủ gắp đổi món mà vẫn “kính lão đắc thọ”.

Đi ăn cỗ, ăn Tết, nào phải vì miếng ăn, chỉ là thể hiện tình thân, lễ nghĩa. Đó là nơi “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, nơi mâm trên mâm dưới cùng thể hiện “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”.

Việt, thế mới Việt, của người Việt.

Trần Giang Phương


From the same category