Chuyện tình cảm động của ông bà ''thần đồng'' Đỗ Nhật Nam khiến nhiều người rơi nước mắt - Tạp chí Đẹp

Chuyện tình cảm động của ông bà ”thần đồng” Đỗ Nhật Nam khiến nhiều người rơi nước mắt

Sống

“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam chia sẻ câu chuyện tình cảm động của ông bà cậu bé khiến nhiều người không khỏi xúc động và ngưỡng mộ. 

Ông bà ngoại tôi là một minh chứng của “tình càng già càng đậm đà”. Bà tôi kể, ngày xưa ông bà cưới nhau có yêu đương gì đâu. Lấy về cả năm trời bà không dám nhìn mặt chồng vì ngại ngùng, ấy thế mà gắn bó với nhau tới răng long đầu bạc. Khi ông còn sống, ông bà đi đâu, làm gì cũng phải có nhau. Những ngày bà mệt không ăn được, là ông cũng không thiết ăn uống. Khi bà mệt mỏi cáu với mọi người, ông chỉ cười và bảo: “Các cháu thông cảm nhé, bà khó ở trong người”. Bà cáu cả với ông mà ông nhịn hết.

chuyen-tinh-cam-dong-cua-ong-ba-do-nhat-nam-2
Ông bà ngoại của Bích Ngọc cũng là ông bà nội của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam. Trước đây ông bà sống ở Hà Nam, nhưng từ 2013 ông bị ốm nên chuyển lên Hà Nội sống cùng gia đình con trai là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thảo.

Vào những ngày cuối đời, ông từ bệnh viện trở về nhà trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Ngày ông đi, buổi chiều hôm đó tự nhiên bà tôi đang bình thường bỗng nhiên bất tỉnh. Và đêm ấy ông đi khi bà vẫn đang mê man. Hôm đưa ông ra đồng là ngày tôi đau lòng nhất khi ông nằm lạnh lẽo, bà thì cứ ú ớ nửa tỉnh nửa mơ; bà ở lại Hà Nội chứ không được về quê để đưa tang ông. Sau mấy ngày xong việc của ông, bà mới tỉnh lại dần, câu đầu tiên bà hỏi là: “Ông đâu rồi?”. Cả nhà lúc đầu cứ quanh co vì sợ bà sốc, rồi khi cho bà biết thì bà sốc thật. Lúc nào bà cũng đòi tự tử để đi theo ông. Đó là những chuỗi ngày kinh khủng.

chuyen-tinh-cam-dong-cua-ong-ba-do-nhat-nam-1
Bích Ngọc cho biết, ảnh này chị chụp cách đây 6 năm khi ông bà còn khỏe. Ông thích chụp ảnh, cứ bảo chụp là ông cười tươi, giơ 2 ngón tay Victory như thanh niên.

Ông chiều bà đến nỗi, ông thích xem tivi nhưng bà nói mở tivi bà đau đầu thì ông sẽ chỉ xem hình, còn tắt tiếng. Hình ảnh ông tôi ngồi trước cái tivi im lặng sẽ là hình ảnh tôi nhớ mãi về một người chồng nhường nhịn vợ như thế.

Lúc còn khỏe, việc gì trong nhà ông tôi cũng làm hết. Ông bảo bà hay bị huyết áp cao, hay ốm vặt nên phải để cho bà nghỉ ngơi. Ngay cả khi ông bệnh vào cấp cứu ở bệnh viện Thanh Nhàn, mọi người biếu ông hoa quả, đường sữa, ông lại dúi vào tay tôi, bảo: “Mang về nhà cho bà nhé. Bảo bà chịu khó ăn uống vào, có để ở đây ông cũng không ăn được đâu.”

bich-ngoc-va-ba-do-nhat-nam
Chị Bích Ngọc và bà nội

Tết là thời điểm tôi nhớ ông nhất. Khi ông còn khỏe, còn ở Phủ Lý này, năm nào tối 30 ông cũng nấu xôi, nấu chè kho. Nhà tôi chỉ việc sang ông bê xôi, chè về cúng. Mùng 1 sang được ông lì xì, bao lì xì của ông bao giờ cũng “có lẻ có loi”, bao giờ cũng là 3-5 đồng, có đồng to đồng nhỏ.

Thế mà chớp mắt một cái, ông đã đi xa một năm rưỡi rồi. Tôi vẫn day dứt mãi vì có mấy lời hứa với ông mà không thực hiện được: lời hứa khi mới đi làm, bảo sẽ tiết kiệm tiền để mua vé cho ông bà vào Sài Gòn thăm bác (vậy mà khi tôi có tiền thì sức khỏe ông bà lại không cho phép), lời hứa phải thật hạnh phúc – như lời ông nói “Sau vợ chồng nhà Ngọc Tồ cũng như ông bà nhé”. Buồn ghê…”.

Do nhat nam
Đỗ Nhật Nam cùng mẹ và ông bà nội khi ông vẫn còn sống

Tình cảm của ông bà dành cho nhau khiến con cháu cảm phục, “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cũng từng viết tặng bài thơ “Bên nhau, bên nhau mãi mãi” tặng ông bà khi ông còn sống, còn trò chuyện, chiều chuộng nhường nhịn bà mỗi ngày.

Bên nhau, bên nhau mãi mãi

– Ông mở ti vi bé thế
Tiếng gì mà như thì thầm!

– Tôi đâu lấy cái gì nhầm!
Của bà để riêng một góc.

– Ừ mùa này đang bán thóc
Nhà cái Bình chắc được mùa

– Tôi biết rồi, ở sân Chùa
Mấy hôm nay đang vào hội

– Mưa thì lúc nào chả lội
Thằng Thảo chắc ướt hết quần.

– Ông mong cái Lụa ở gần
Nó ốm đi làm sao được…

Chuyện cánh đồng, chuyện vườn tược
Chuyện con cháu, chuyện xóm giềng
Sáng sớm đến hoàng hôn buông
Ông bà vẫn chưa hết chuyện.

Tuổi già bên nhau quấn quyện
Có phải nói để hiểu đâu
Nói để biết có âm thanh
Để tin người kia còn khỏe.

Kệ ngoài kia nhiều mới mẻ
Kệ cuộc sống ầm ầm trôi
Ông bà vẫn luôn thảnh thơi
Bên nhau, bên nhau, mãi mãi.

Và dịp Tết này, Đỗ Nhật Nam cũng viết một bài thơ tặng bà, khi bà phải sống những ngày thiếu vắng ông. Những dòng thơ chất chứa yêu thương của Nam khiến bất cứ ai đọc cũng phải cay khóe mắt.

Thương bà

Từ ngày ông nội đi xa
Bà xem chừng hơi khó tính
Bà cũng hay hờn hay dỗi
“Chúng mày có thương tao đâu”

Bữa ăn bà hay lắc đầu
Món này sao mà khó nuốt
Nhưng mà mang đi một lúc
Lại trách “đồ ăn đâu rồi”

Bà thường than phiền gấp đôi
Bà kêu mệt người khó ở
Bà kêu sao nhiều nắng nỏ
Bà kêu sao đau cả người

Bao nhiêu năm tháng cuộc đời
Bà về thành như đứa trẻ
Muốn vỗ về như em bé
Muốn được thương yêu thật nhiều

Thuở trước bà được ông chiều
Giờ thành ra bà chống chếnh
Nương vào phía nào cũng vắng
Náu vào phía nào cũng xa

Như giọt nước mắt lăn qua
Thành vết thương trong ngực trái
Bà đau mà không thể nói
Chỉ biết dỗi dằn cho vơi

Bà ơi cháu còn ham chơi
Bà ơi cháu còn nhút nhát
Nên hay ào qua chốc lát
Chẳng ở bên bà dài lâu

Thương bà không nói nên câu
Thương bà cất vào sâu thẳm
Cháu yêu nhớ bà nhiều lắm
À ơi, tròn giấc… nghe bà.

Thực hiện: depweb

14/02/2019, 07:00