Chuyện tình buồn: Quang Hải-Hải Yến

Cuối năm 2007, những người biết ít nhiều về cuộc hôn nhân của họ đều tỏ ra không mấy bất ngờ về Hải, nhưng lại ngạc nhiên về Yến – không ai nghĩ rằng cô “dám” xa Hải! Nhưng chuyện của họ, biết đâu lại có đoạn kết giống như Nicole Kidman với Tom Cruise. Khi chia tay với Tom, Nicole đã vươn đến đỉnh cao của nghề nghiệp khi đoạt giải Oscar, còn anh chàng Tom bô trai thì cứ mãi lận đận với giải thưởng này.

Hải

Ngô Quang Hải là một người khá bản lĩnh và giàu tham vọng. Đầu thập niên 90, một mình vào Nam với hai bàn tay trắng và khát khao cháy bỏng tạo được dấu ấn trong nghệ thuật, nhưng tính cách bốc đồng “trẻ con” và bị xem là hơi huênh hoang đã khiến Hải không được lòng hầu hết các nhà làm phim ở phía Nam.

Vì lý do đó nên trong suốt thời kỳ hoàng kim của phim “mì ăn liền”, mặc dù đồng lứa với “thế hệ vàng” của điện ảnh thời ấy như Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh, Thiệu Ánh Dương, Hoàng Phúc… nhưng Quang Hải lại vô cùng lận đận trong nghề nghiệp với toàn những vai diễn làng nhàng không tên tuổi.

 Hầu như khán giả thời đó chẳng ai nhớ đến tên anh – dù phải công nhận rằng, trong những cái tên kể trên, chẳng ai sở hữu một gương mặt và ngoại hình rất “xi nê” như Quang Hải.

Điều này có thể nhận thấy rõ – cùng với nghệ sĩ Như Quỳnh bên phía nữ – Quang Hải luôn luôn là sự lựa chọn hàng đầu, khi những phim nước ngoài đến quay tại Việt Nam. Kể từ bộ phim đầu tiên – “Xích lô” (1993) – Quang Hải trở thành một trong những diễn viên “ruột” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng.

Năm 1998, Trần Anh Hùng lần thứ hai làm phim tại Việt Nam – “Mùa hè chiều thẳng đứng” – Quang Hải là một trong những diễn viên chính của phim. Và những ngày tháng quay phim ở Hà Nội, Quang Hải đã gặp người vợ tương lai của mình.

 

 Quan Hải – Hải Yến gần hai năm về trước

Yến

Hải Yến lúc ấy 18 tuổi, được chọn đóng vai Mùi – chỉ là một vai nhỏ xíu trong phim. Cô gái Bắc Ninh mới bước vào đời đã hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ ngoài bảnh trai, sự khéo léo trong cách ăn nói và hiểu đời của Quang Hải.

Trong thời gian quay phim, Hải tỏ ra khá quan tâm và chiều chuộng Yến như tính cách ga-lăng thường thấy ở Hải. Điều thú vị ở đây là đạo diễn Trần Anh Hùng – một người rất kín đáo – cũng rất ủng hộ Hải đến với Yến.

Tuy nhiên phải nhìn nhận một điều, lúc ấy Hải mặc dù có thích và cảm tình với Yến nhưng đó chưa thể gọi là tình yêu. Còn đối với Yến thì ngược lại, cô hiểu đây chính là người đàn ông sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời mình.

Theo con tim đã mách bảo, Yến đã quyết định một việc mà ít cô gái nào ở tuổi Yến dám làm – lẳng lặng một mình vào Nam để tự tìm hiểu xem có đúng như những gì Hải đã từng nói với cô không.

Quá bất ngờ và cảm động trước tấm chân tình của cô gái mà Hải cũng rất yêu mến trước đây, họ đã chính thức yêu nhau. Năm 1999, bộ phim “Vũ khúc con cò” bấm máy có sự hiện diện của cả hai người trong vai một cặp tình nhân yêu nhau trong chiến tranh – càng làm cho tình yêu của họ mỗi lúc một bền chặt hơn.

Thật ra lúc ấy, chỉ có Hải được chọn đóng, còn Yến đi chơi theo Hải. Đạo diễn Quang Bình cần một vai nhỏ đóng người yêu của Hải, thấy Yến xinh đẹp nên ngỏ lời mời.

Yến nhận lời chủ yếu “để được đóng chung với anh Hải”, chứ lúc ấy điện ảnh đối với cô chỉ là cuộc dạo chơi với người mình yêu, diễn xuất hay hoặc dở không phải là mục đích và mối quan tâm của cô. Những bước ngoặt đổi đời sau này cho thấy, điện ảnh chọn Hải Yến chứ cô không chọn điện ảnh.

“Người Mỹ trầm lặng” – định mệnh của Hải & Yến và những điều ít ai được biết.

Cuối năm 1999, bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” – dựa theo tác phẩm văn học cùng tên nổi tiếng của nhà văn người Anh Graham Green, lần thứ hai được đưa lên màn ảnh – trong đó vai chính nữ là một cô gái Việt Nam tên Phượng.
 
Lần đó Quang Hải được mời đến casting một vai phụ trong phim. Yến chờ bên ngoài quá lâu nên vào trong gọi Hải. Người phụ trách casting lúc ấy đã mời Yến ngồi lại để chuyện trò trao đổi.

Yến cũng gật đầu tham gia một cách miễn cưỡng – chủ yếu là do Hải khuyến khích – chứ không hề ý thức được rằng mình đang đứng trước một vận mệnh sẽ làm thay đổi cuộc đời của cả hai.

Mà cũng đúng thôi, làm sao có thể hy vọng được gì khi hành trang diễn xuất của Yến lúc ấy chỉ là hai vai nhỏ xíu, và vốn tiếng Anh bằng 0. Tuy nhiên bù lại, Yến lại khá thông minh đủ để hiểu phần tóm tắt nhân vật, học thuộc và phát âm đúng phần lời thoại được giao.

Và quan trọng hơn, người luôn luôn sát cánh truyền lửa và niềm tin cho cô chính là Quang Hải… Cứ thế Yến từ từ vượt qua hàng trăm ứng cử viên – trong đó có rất nhiều những cái tên sáng giá trong làng giải trí hiện nay – để lọt vào danh sách rút gọn (short list) cuối cùng gửi sang Úc.

Khi sang Việt Nam, vừa bước xuống máy bay, đạo diễn Philip Noyce rút ngay trong túi ra tấm hình của Hải Yến. Ngay chiều hôm đó ông đã yêu cầu được gặp cô. Trong buổi tiếp xúc trò chuyện đầu tiên với Yến, Phillip Noyce biết rằng mình đã tìm được Phượng – mặc dù lúc đó trong đầu ông, ứng cử viên số một cho vai này là Phạm Linh Đan.

Từ buổi gặp đầu tiên cho đến những lần kế tiếp, Hải lúc nào cũng theo sát Yến. Gặp những câu hỏi hoặc tình huống khó, Yến thường đưa mắt cầu cứu hoặc hỏi ý kiến của Hải.

Tất cả những điều đó đều không lọt qua đôi mắt người đạo diễn lão luyện. Ông quan sát và để ý gần như mọi cử chỉ hành động của đôi tình nhân này.

Ông nhận thấy tính cách của Yến rất mỏng manh, hơi trẻ con và rụt rè. Cô hầu như không chủ động được bất cứ điều gì, mà hoàn toàn phải dựa vào Hải – giống y chang tính cách của nhân vật Phượng trong phim.

 Rất tinh ý, Phillip Noyce hiểu rằng nắm được Hải nghĩa là Yến sẽ toàn tâm toàn ý với bộ phim. Đầu tiên ông làm cho Yến yên lòng bằng lời cam kết – sẽ cho phép Hải tháp tùng theo cô mọi lúc mọi nơi, kể cả những lần ra nước ngoài.

Biết Hải ấp ủ giấc mơ trở thành đạo diễn, Phillip Noyce sẵn sàng sửa và góp ý kịch bản cho anh, ông còn cho thêm một “đặc quyền” là trong thời gian làm phim, Hải được ngồi cạnh ông, muốn hỏi gì về nghề nghiệp ông sẽ giải đáp tường tận (chỉ tiếc một điều khả năng ngoại ngữ hạn chế, khiến Hải bỏ qua cơ hội vàng này).

Chưa hết, để làm Yến vui một cách trọn vẹn, đạo diễn Phillip Noyce cho Hải được tham gia một vai phụ trong phim – tướng Trịnh Minh Thế.

Khi Yến chính thức được chọn, cả hai liền được đưa ngay sang Úc – nơi họ được tận hưởng thế nào là tư cách diễn viên chính trong một bộ phim lớn. Vai trò của Hải lúc này giống như một agent (người đại diện) cho Yến.

Tuy nhiên, sự năng nổ và nhiệt tình của Hải suýt nữa đã gây nên họa lớn. Khi đứng ra thương lượng hợp đồng với các nhà sản xuất, sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của Hải đã lộ rõ, khi anh nghe lời “thầy dùi” của những luật sư – không phải trong lĩnh vực showbiz – để “hét” một cái giá trên trời.

Hải càng tỏ ra cứng rắn không khoan nhượng trong việc thương thảo hợp đồng, thì lại càng lộ rõ sự bất lực và non nớt của mình. Đáp lại, những nhà sản xuất đầy bản lĩnh đã lạnh lùng từ chối và kết thúc đàm phán.

Họ đã chuẩn bị sẵn vé máy bay để hai người về Việt Nam, đồng thời một kế hoạch casting khẩn cấp vai Phượng được triển khai ngay lập tức.

Hải Yến lúc ấy khóc như mưa và chính Hải cũng ân hận về sự non nớt của mình. Hai người lủi thủi chuẩn bị hành lý về Việt Nam thì đạo diễn Phillip Noyce nhảy vào can thiệp.

Ông đã ngồi lại nói chuyện với phía sản xuất, đồng thời thuyết phục đôi tình nhân trẻ về giá trị không thể tính bằng tiền của cơ hội hiếm hoi này. Ngoài ra ông còn hỗ trợ thêm bằng cách cho luật sư riêng của mình giúp Yến thảo hợp đồng. Cuối cùng mọi chuyện được dàn xếp gọn ghẽ với cái giá hợp lý do nhà sản xuất đưa ra.

Có thể nói, trong “Người Mỹ trầm lặng”, Hải và Yến đã gặp nhiều may mắn, nhưng may mắn lớn nhất là họ đã gặp một đạo diễn tuyệt vời như Phillip Noyce – một người hết lòng với diễn viên của mình đến tận cùng.

Và cứ thế, câu chuyện cổ tích vẫn tiếp diễn như một giấc mơ không giới hạn đối với một cô gái mới bước vào đời như Yến. Từ lúc bắt đầu phim, cho đến lúc phải làm nghĩa vụ quảng bá cho phim. Yến và Hải cứ đi đi về về liên tục từ Việt Nam đến các nước như đi chợ.

Cô thật sự choáng ngợp trước thế giới rực rỡ của showbiz thứ thiệt. Yến đường hoàng bước vào vị thế của các bậc thượng lưu, được dự những buổi trình diễn nghệ thuật đỉnh cao và những bữa tiệc sang trọng, gặp gỡ và trò chuyện với các ngôi sao… Chẳng có gì ngạc nhiên khi Yến quyết định sẽ đi theo nghiệp diễn viên.

Thậm chí có một vài tờ báo ở Úc và châu Á đã tiên đoán cô sẽ là một Chương Tử Di mới! Cũng dễ hiểu thôi, bởi ở châu Á những diễn viên được sánh vai với các ngôi sao nổi tiếng trong những dự án cả chục triệu USD đâu có nhiều!

 Sau “Người Mỹ trầm lặng”, Yến đã chính thức có người đại diện “xịn” ở Mỹ – đến nay cô vẫn là người Việt Nam duy nhất có được điều này.

Hải, với tư cách là vị hôn phu của Yến, cũng “hưởng sái” được khá nhiều – nhất là học hỏi được kinh nghiệm, cách tổ chức khoa học và công nghệ làm phim đỉnh cao của thế giới – những thứ không thể tính được bằng tiền.

Trong những ngày tháng này, Hải đã hào hứng vạch ra lộ trình tương lai của hai vợ chồng “hậu” “Người Mỹ trầm lặng”.

Cuộc dạo chơi… trên mây

Sau “Người Mỹ trầm lặng”, cuộc sống của hai người thay đổi hoàn toàn. Cả hai được tài trợ một khóa học tiếng Anh miễn phí. Số tiền thù lao của phim được họ chuyển thành tài sản là một căn hộ đôi ở Phú Mỹ Hưng.

Đỗ Hải Yến lúc này là một cái tên nổi đình đám ở Việt Nam. Năm 2000, Quang Hải quyết định sẽ làm bộ phim đầu tay do chính anh viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim “Lằn mưa” (Flash Rain) dựa theo truyện của Nguyễn Huy Thiệp, tất nhiên với nhân vật nữ trung tâm là Đỗ Hải Yến.

Các nhà đầu tư rất hăm hở với dự án, bởi họ dự định sẽ đón đầu “ăn theo”, khi bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” được công chiếu rộng rãi. Sự có mặt của Đỗ Hải Yến trong vai chính sẽ là một đảm bảo bằng vàng cho bộ phim có bối cảnh ở núi rừng Tây Bắc.

Những nhà sản xuất – đứng đầu là người sáng lập của hãng phim Thiên Ngân sau này – đã kêu gọi đầu tư lên đến con số đáng mơ ước, gần 10 tỷ đồng (khoảng 600.000USD).

Tuy nhiên, gần đến ngày bấm máy, xung đột nội bộ đã liên tiếp xảy ra giữa đạo diễn, sản xuất và các nhà đầu tư. Do không thể tìm được tiếng nói chung, dự án đã chính thức đổ vỡ với thiệt hại gần 1 tỷ đồng, mà chưa hề bấm máy được một mét phim nào.

Nhưng đó vẫn chưa phải rủi ro lớn nhất, ngày 11/9/2001 ở Mỹ xảy ra vụ khủng bố làm đảo lộn thế giới, và cũng đồng thời làm thay đổi luôn vận mệnh màu hồng của Yến và Hải.

Lẽ ra nếu không có vụ khủng bố này, số phận của bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” đã khác, cũng có nghĩa là tên tuổi của Yến cũng sẽ bay vào một quỹ đạo khác, ai ngờ… Bộ phim lỗ nặng về kinh tế, cũng có nghĩa là số tiền cát-xê còn lại mà Yến sẽ lãnh – sau khi phim phát hành như thỏa thuận trong hợp đồng – cũng tiêu tan.

Thất bại bất ngờ trong cả hai dự án, Hải và Yến gần như sống ẩn dật và ít tiếp xúc với bên ngoài. Trong thời gian này cũng có một vài dự án phim Việt Nam tìm đến với Yến, nhưng cô đều tìm cách thoái thác và mong chờ ở những dự án lớn từ bên ngoài.

Người đại diện của Yến cũng tìm được một vài cơ hội casting phim lớn cho cô như “Stuck on You”, “Memoirs of Geisha”… nhưng vận may lần thứ hai chưa tới!

Vài năm trôi qua sau sự kiện “Người Mỹ trầm lặng”, Yến vẫn khăng khít như hình với bóng với Hải. Năm 2003, đám cưới của họ diễn ra tại Bắc Ninh trong sự chú ý của giới truyền thông, như một kết cuộc có hậu của đôi Tiên Đồng – Ngọc Nữ.

Năm 2005, “Chuyện của Pao” – bộ phim đầu tay của Hải đoạt giải Cánh Diều Vàng, còn Yến đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc. Trong phim này, đạo diễn Phillip Noyce cũng đã giúp hai vợ chồng Hải, bằng cách giới thiệu nhà quay phim Cordelia Beresford (nữ) đảm trách phần hình ảnh cho bộ phim.

Cùng với “Chuyện của Pao”, cả hai rất chịu khó đi các nước để quảng bá cho bộ phim. Đến nơi đâu, họ cũng luôn tay trong tay quấn quýt bên nhau, nhưng vai trò có hơi thay đổi một chút – bây giờ Yến trở thành thông dịch viên tiếng Anh của Hải.

Sau cơn mưa trời lại sáng?

Tất nhiên những chuyện đó bây giờ đã trở thành quá khứ. Cuối năm 2007, những người biết ít nhiều về cuộc hôn nhân của họ đều tỏ ra không mấy bất ngờ về Hải, nhưng lại ngạc nhiên về Yến – không ai nghĩ rằng cô “dám” xa Hải!

Bạn bè đồng nghiệp chỉ tiếc một điều, họ là một cặp quá ăn ý và đẹp đôi trong điện ảnh. Có người ví chuyện của họ như cặp đôi vàng của Hollywood trước đây (dù khập khiễng): Tom Cruise và Nicole Kidman.

Trước khi quen Tom, Nicole ít được ai biết đến, còn Tom thì đã quá nổi tiếng. Kể từ khi họ quen nhau, sự nghiệp của cả hai càng nổi như cồn, đặc biệt là Nicole.

Trở lại với Hải và Yến. Cả hai hiện đều có chỗ đứng riêng và đều tự có thể quyết định hướng đi cho tương lai của mình. Nhưng nói về khả thi, thì hiện tại Yến có nhiều cơ hội hơn Hải. Cô còn trẻ, nổi tiếng với thế giới bên ngoài hơn Hải, tiếng Anh quá tốt và dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ quốc tế.

Nếu sắp tới Yến sang Mỹ để học sản xuất thật sự, thì cuộc đời cô hy vọng sẽ rẽ qua một bước ngoặt mới tươi sáng hơn. Còn Hải, giờ đây lại trở về “chốn cũ” – Tp.HCM để tìm cho mình một cơ hội mới trong lĩnh vực sản xuất, nhưng ở Việt Nam vai trò này không dễ có.

Về tay nghề đạo diễn, Hải cần phải khẳng định thêm với một vài tác phẩm, mặc dù đây sẽ rất khó khăn vì tuổi Hải đã qua tứ tuần.

Chuyện của Hải và Yến, biết đâu lại có đoạn kết giống như Nicole Kidman với Tom Cruise. Khi chia tay với Tom, cô đã vươn đến đỉnh cao của nghề nghiệp khi đoạt giải Oscar, còn anh chàng Tom bô trai thì cứ mãi lận đận với giải thưởng này.

Chuyện hợp tan của cuộc sống lứa đôi – ở bất cứ lĩnh vực nào – cũng đều là chuyện thường tình trong cuộc sống. Nhưng sao chuyện chia tay của Hải và Yến, ai cũng cảm thấy tiếc một điều gì đó!

 Mộc Lâm

 

 


From the same category