Chuyện tình bi thảm đằng sau những bức tranh triệu đô (P.1) - Tạp chí Đẹp

Chuyện tình bi thảm đằng sau những bức tranh triệu đô (P.1)

Giải Trí

>>> Phần 2: Nàng thơ ẩn nhẫn đằng sau những tuyệt phẩm

Ở một góc sâu trong khu nghĩa trang cổ Pere Lachaise (Paris), trên một  nấm mộ bình thường có khắc những dòng bi ký rất khác thường: “Amedeo Modigliani, họa sĩ. Sinh ngày 12/7/1884 tại Livorno. Mất ngày 24/1/1920 tại Paris. Cái chết đã đuổi kịp anh trước ngưỡng cửa của vinh quang”. Và thấp hơn một chút: “Jeanne Hebuterne. Sinh ngày 6/4/1898 tại Paris. Mất ngày 25/1/1920 tại Paris. Bạn đời chung thủy của Amedeo Modigliani, người không muốn sống tiếp khi phải xa cách anh” 

Modigliani Amedeo (1884-1920)
Amedeo và Jeanne quen nhau năm 1917. Có người bảo chàng lần đầu nhìn thấy nàng là ở Học viện Kalarossi, nơi cứ 50 centimet lại có một người mẫu khỏa thân sau giá vẽ. Khi ấy, cô sinh viên nhỏ nhắn với đôi bím tóc màu hạt dẻ trĩu nặng này đang miệt mài với một bức phác thảo trước mặt… Nhưng có người thì cả quyết Amedeo đã gặp Jeanne tại quán cà phê Rotonda ở Montparnasse, nơi tụ hội quen thuộc của giới họa sĩ Paris. Và vừa trông thấy nàng, chàng lập tức lấy giấy ra để phác họa chân dung… Nhưng họ gặp nhau ở đâu nào có quan trọng gì. Quan trọng là cuối cùng Modigliani đã gặp được “người phụ nữ trở thành tình yêu đích thực và vĩnh cửu của tôi, người thường đến cạnh tôi trong giấc mơ” như anh từng tâm sự với nhà điêu khắc Brancusi, bạn thân của anh.

Jeanne Hebuterne (1898-1920)

Jeanne lúc ấy 19 tuổi, sống cùng cha mẹ ở phố Amo. Với nụ cười e lệ, giọng nói khẽ khàng và đôi mắt như không ngớt ngạc nhiên, Jeanne gợi nhớ đến một chú chim nhỏ dễ hoảng sợ. Còn Amedeo khi đó 33 tuổi, xanh xao hốc hác chứ không còn là anh chàng điển trai “có gương mặt của Antinous và cặp mắt lấp lánh ánh vàng” mà nữ thi sĩ Akhmatova từng ca tụng. Amedeo sống tại một xưởng vẽ, nơi mà anh thường phải xối cả xô nước để đẩy lùi lũ rận, bọ chét, gián… trước khi có thể nằm xuống ngủ. 

Kẻ kiêu hãnh “đáng nguyền rủa”                  

Amedeo Modigliani lớn lên tại vùng đất Livorno (Italia) đẹp như tranh và theo học hội họa ở Florence, Venice. Năm 1906 chàng họa sĩ gốc Do Thái này háo hức sang Pháp với mong muốn khám phá Paris, trung tâm nghệ thuật của thế giới lúc bấy giờ. Thời gian đầu anh từng sống tại một khách sạn đắt tiền, ăn mặc bảnh bao, hàng ngày đi thăm các viện bảo tàng, công trình kiến trúc… Nhưng chẳng bao lâu, tiền bạc cạn kiệt, anh phải chuyển sang thuê một căn xưởng nhỏ ở “xóm nghệ sĩ” trên đồi Montmartre – cái nôi của các nghệ sĩ thành Paris. Rất nhiều tác phẩm của cư dân Montmartre vài thập kỷ sau đã trở thành kiệt tác. Nhưng ở thời điểm đầu thế kỷ 19, họ chỉ là những kẻ nghèo khổ, thiếu  ăn và thừa những mộng tưởng điên rồ. 

Anna Akhmatova, nữ nhà thơ người Nga, qua nét vẽ của Modigliani 


Chính tại đây, Amedeo đã gặp rất nhiều “đồng chí” để có thế chia sẻ những ý tưởng nghệ thuật anh hằng ấp ủ. Trong số đó có Jean Cocteau, Guillaume Apollinaire, Pablo Picasso, Diego Rivera, Max Jacob, Zadkine, Lipchitz, Soutine, Brancusi, Paul Guillaume và dĩ nhiên là Maurice Utrillo, một họa sĩ Pháp thân thiết với Modigliani còn hơn ruột thịt.

Trong cái “xóm nghệ sĩ” đó, với tính cách nồng nhiệt rất Italia của mình, Modiglian được bạn bè gọi đùa là Modi (theo tiếng Pháp có nghĩa là “đáng nguyền rủa”) và cái tên này về sau đã “vận” vào đời anh không chỉ một lần. 

Có rất nhiều giai thoại về Modi như một anh chàng phóng đãng, bừa bãi, nghèo túng, vẽ những bức chân dung độc đáo trong những thời khắc hiếm hoi giữa hai cuộc chè chén say sưa. Theo nhà thơ Ehrenburg thì Modigliani được sinh ra đáng lẽ là để hưởng phúc hơn người, ông nói: “Tất nhiên, anh ấy có thể vẽ những bức chân dung mà giới phê bình cũng như khách hàng ưa thích; anh ấy sẽ có tiền bạc, xưởng vẽ đàng hoàng và cả danh tiếng. Nhưng Modigliani không biết lừa gạt, không biết thức thời; tất cả những ai từng gặp anh đều biết rằng anh rất trực tính và kiêu hãnh”. Không ít lần Ehrenburg đã chứng kiến cảnh bà chủ quán ăn tồi tàn người Italia nhận tranh của Modi để trả cho… một miếng thịt hay một suất mì Ý! Bà ta cũng chẳng muốn lấy tranh, nhưng Modi đòi trả bằng được, anh không muốn ăn xin!

Nhà điêu khắc Lipchitz thì kể rằng có lần tại quán Rotonda, Amedeo đã dứt khoát từ chối bán bức tranh cho một người ngoại quốc giàu có. Nguyên do là bằng sự hào hiệp của mình vị khách ấy đã xúc phạm Amedeo – ông ta đã trả 10 franc trong khi Amedeo chỉ yêu cầu có 5 franc mà thôi. 

Amedeo thường giao hẹn với khách hàng: “Tôi lấy 10 franc cho buổi vẽ, và thêm một ít rượu”. Đặc biệt, anh vẽ nhanh đến khó tin. Chân dung Jean Cocteau (người sau này trở thành một trong những gương mặt lớn nhất của văn học Pháp thế kỷ 20) được hoàn tất chỉ trong ba giờ đồng hồ. Có lần nhà điêu khắc Henri Laurens đã tỏ vẻ không hài lòng vì Modigliani vẽ chân dung mình nhanh như chảo chớp, họa sĩ nói luôn: “Tôi có thể vẽ bức này lâu hơn, nhưng khi đó tôi chỉ làm hỏng nó mà thôi”.  


Anh chàng “tốn gái”


Xung quanh Modi còn có nhiều huyền thoại liên quan đến tình ái mà đám bạn của anh ở “xóm nghệ sĩ” thêu dệt nên. Theo đó thì những cô nàng “hot” nhất thành Paris đều đã qua tay Modi. Quả là phụ nữ  khó mà cầm lòng trước một chàng trai lôi cuốn như Modi – anh không chỉ có vẻ ngoài lãng mạn với mái tóc bồng bềnh và đôi mắt sâu u uẩn mà còn có tài và hơn nữa lại sở hữu một vầng hào quang bi ai bao quanh cá tính nghệ sĩ của mình. 

Người đẹp Kiki cũng từng là nàng thơ, người tình của Modi

Amedeo từng có mối tình lãng mạn với Anna Akhmatova, nữ nhà thơ người Nga, khi nàng đến Paris hưởng tuần trăng mật cùng chồng mới cưới vào năm 1910. “Anh chẳng giống ai trên thế gian này. Anh túng thiếu và tôi không hiểu anh sống bằng cách nào. Với tư cách là họa sĩ, anh chẳng có chút danh tiếng. Anh nghèo đến độ ở vườn Luxembourg chúng tôi toàn ngồi ghế băng, chứ không phải những chiếc ghế dựa phải trả tiền. Anh hầu như không ca thán gì về sự túng bấn rất hiển nhiên của mình, cũng chẳng kêu ca chút nào về việc không được thừa nhận”. Akhmatova kể lại. Modigliani đã vẽ Akhmatova cả thảy 16 bức, chỉ qua trí nhớ sau vài lần gặp nhau, chứ không có người ngồi mẫu.

Năm 1912, Modi quen với Kiki, một người đẹp nổi tiếng với tư cách là người mẫu, nàng thơ và người tình của gần chục họa sĩ ở Montparnasse. Giữa hai người đã bùng lên một mối tình ngắn ngủi với những lần cùng nhau trốn vào xưởng vẽ, mang theo toan, màu vẽ, rượu và cả cần sa. Những cuộc “đi trốn” ấy đã sản sinh ra những bức chân dung tuyệt đẹp của Kiki.

Sau đó hai năm, Amedeo lại chung sống với Beatrice Hastings, một nữ sĩ, ký giả nổi tiếng là kỳ quái. Người phụ nữ lập dị, đầy uy lực này thu hút Amedeo bởi kiến thức sâu rộng, sự nhanh trí khác thường. Có lẽ thời chung sống với Beatrice là thời duy nhất mà Amedeo không vướng nợ nần gì vì anh được cô bảo trợ về mọi mặt. Tuy nhiên, “khét tiếng” vì những cuộc cãi vã, thượng cẳng chân  hạ cẳng tay với nhau, cuộc tình của họ chỉ kéo dài được hai năm.

Bài: Phan Minh Ngọc

Ảnh: britannica, wikiart, famousfix 

logo

Thực hiện: depweb

19/10/2015, 17:37