Nhân vật của Đẹp+1 kỳ này là Phạm Hải Anh, nữ nhà văn kiêm biên kịch (*). Giữa thời buổi thông tin ê hề, muốn “ăn dỗ” độc giả thì “nhân vật” của các trang báo cứ phải mặn chát lên, phải gây sốc, hoặc chí ít cũng phải cong cớn, chao chát một tí, mà giá thử có thêm chút scandal thì càng hay. Mà Phạm Hải Anh thì đã ngang nhiên tuyên bố mình tẻ không chịu được.
“Sắp rồi, cánh nhà báo sắp đến dí micrô vào mồm bắt em phát biểu. Mà em biết nói gì cơ chứ? Trước đám đông, em nhạt tèo tèo. Hôm qua, em ngồi trong bàn tiệc cả buổi mà chỉ nói đúng một câu với chị ngồi bên cạnh. Thế mà bây giờ em phải phát biểu, như một nhân vật quan trọng. Thế thì tẻ lắm, mặc dù em biết tẻ mới thật đúng là mình. Cái gì đúng cũng thường tẻ nhạt không chịu được” (**)
Tôi ước mình là cái cây
Chị nghĩ thế nào khi được mời lên… báo?
Năm 2002, sau khi tôi lên Tạp chí Đẹp, tình cờ nhà sản xuất hãng phim Thiên Ngân đọc được rồi mời tôi về làm. Cho nên không phải khi nào lên báo cũng là chuyện không hay…
Tôi nghĩ nếu có nhiều cái hay ho thì mình cũng muốn lên báo cho oai, nhưng khốn nỗi cái đó mình lại hơi hiếm, mà lên báo theo kiểu “vặt trụi” mình ra thì cũng chăíng ra sao. Tóm lại, trong khoảng thời gian 5 năm, tính từ khi lên Đẹp đến giờ, tôi chỉ thấy mình già đi thôi.
Già đi?
Thấy người ta cứ bảo mình già thì mình nhận là già, chứ có ai thích già. Chỉ có bọn trẻ con đang lớn mới thích được già đi thôi.
Nói hơi “sến” một chút, tôi ước mình giống như cái cây, năm nào cũng ra lá mới xanh non, mà càng nhiều tuổi, càng to mập thì càng được người ta quí. Nhưng than ôi, mình không phải là cái cây…
Vì sao đang từ văn học chị lại nhảy sang điện ảnh?
Vì tôi thấy điện ảnh sống động. Với tôi, điện ảnh là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều ngành nghệ thuật, không chỉ là chữ nghĩa. Để làm phim, bạn phải am hiểu cả âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật và nghệ thuật điều khiển người khác, ví dụ điều khiển diễn xuất.
Trong văn học, bạn có thể làng nhàng được, vì cái sự làng nhàng ấy chỉ chuốc khổ vào thân thôi, nhưng trong điện ảnh, sự làng nhàng lại làm lãng phí bạc tỷ và làm khổ rất nhiều người liên quan.
Tôi ước gì có thể tráo đổi vị trí phim và đời
Chị suy nghĩ điều gì đầu tiên khi nói về điện ảnh Việt Nam?
Vấn đề đầu tiên mà mọi diễn đàn đều la toáng lên ấy là chúng ta đang thiếu kịch bản hay. Tôi lại nghĩ vấn đề gay cấn nằm ở chỗ dường như tất cả chúng ta đang đi theo lối mòn. Đi trên con đường đã dọn sẵn bao giờ cũng dễ dàng hơn, an toàn hơn.
Thành ra hễ viết về đồng chí công an thì thể nào đồng chí ấy cũng phải nói: “Cấp trên lưu ý chúng ta, đây là một nhiệm vụ khó khăn”, mặt mũi đồng chí ấy thể nào cũng đăm đăm chiêu chiêu, ý chừng căng thẳng lắm, bề ngoài tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ, nhưng trong lòng thì tràn đầy đa cảm, bao dung.
Nông thôn bao giờ cũng xoa dịu cho ta những vết thương lòng. Bà mẹ nông thôn nào cũng bỏm bẻm nhai trầu, giang rộng vòng tay đón những đứa con thành phố xác xơ, tàn tạ hối hận quay về. Bật phim lên là biết ngay nhân vật sẽ nói gì, sẽ hành tẩu ra sao.
Hình như nhân vật chỉ làm mỗi chức năng là cái loa phát ngôn cho tác giả. Trong khi đời sống thường ngày muôn hình vạn trạng…
Có một nghịch lý thế này: Trong đời thường, mọi người nói chuyện với nhau chẳng mấy khi thành thật, tức là luôn cố che giấu ý nghĩ của mình; còn trong điện ảnh, người xấu thì phải thật xấu, mới nhìn đã thấy xấu, đã vậy lại còn thật thà nói toang toác tất cả cái xấu của mình.
Ước gì có thể tráo đổi vị trí được nhỉ, người ta sống ở đời sẽ dễ dàng hơn, còn nhân vật trong phim sẽ sâu sắc hơn.
Có một điều khó hiểu là khi ở nước ngoài, tôi bị thôi thúc bởi ý nghĩ về Việt Nam đi, về đi, ở đó cuộc sống phong phú hơn, sôi động hơn, rồi sẽ có khối cái để viết. Thế mà khi về mới biết văn học nghệ thuật, báo chí lại quá đỗi bình lặng.
Mà cũng lạ là cái sự bình lặng ấy cũng xảy đến với chính tôi. Cứ nghĩ mình có thể viết được cái gì đó sâu sắc lắm, thế mà hiện thực cứ chuồi khỏi tầm tay mình.
Chị nghĩ sao về chuyện đạo diễn làm phim dở rồi nhảy lên báo tự khen phim mình một cách tràn trề tự tin?
Ý kiến số đông không phải bao giờ cũng đúng, nhất là khi đánh giá về những người tiên phong. Nhưng tự mình, mình phải biết mình đang ở đâu chứ… Mà này, nãy giờ chỉ toàn ngồi chê thiên hạ thôi. Nhỡ có ai đọc được bài này lại bảo tôi thiếu thiện chí… Oan cho tôi lắm!
Thế thì chị thử khen một câu đi, điện ảnh Việt Nam có gì đáng khen không nhỉ?
Dịp vừa rồi làm việc với một số đạo diễn trẻ, ví dụ như Dũng “khùng”, tôi rất khâm phục. Họ phóng khoáng, năng động, không bị sức trì kéo của “truyền thống”, của sáo mòn. Trong nghệ thuật, mình không sợ lớp già mà sợ nhất lớp trẻ.
Ngày xưa lớp già luôn là người răn dạy. Bây giờ là thời buổi cần phải lắng nghe người trẻ. Còn tôi, tôi thuộc dạng lửng lửng lơ lơ, chân chưa chạm đất, cật chẳng đến giời, trẻ chưa qua, già chưa tới, phóng khoáng cũng chẳng phải, truyền thống cũng chưa hẳn. Tôi đang nghĩ nếu muốn tồn tại thì tôi phải cắp sách đi học lớp trẻ, thay vì ngồi xoa đầu họ.
"Tôi nhát như một con ốc sên"
Trong sách giáo khoa, sách tham khảo, sách lý luận, mọi giáo sư khả kính đều hì hục định nghĩa nhà văn phải là người trải lòng ra với cuộc đời, phải khóc phải cười, phải mưa gió cay đắng đoạn trường đứt ruột mới phơi bày được gan ruột trên trang giấy. Còn chị?
"Tôi nhát như một con ốc sên, động tí đã chui đầu vào vỏ, chưa bao giờ biết đòi hỏi, tranh đấu. Sự dũng cảm duy nhất mà tôi có là ủ ê thừa nhận mình xấu gái. Tả kỹ ra thêm buồn.
Thị Nở còn có Chí Phèo cầu cạnh đến mức gây ra án mạng vì tình. Lẽ ra mẹ chẳng đến nỗi lo âu như thế, nhưng mà tôi còn thua Thị Nở ở cái tính không vô tâm.
Nhà nghèo, xấu, nhát, lại mắc bệnh sính tâm hồn, ngần ấy thứ gộp vào, dẫu an ủi nồi nào úp vung ấy, tôi vẫn có nguy cơ thành cái nồi vĩnh viễn không vung.
Để bù lại, tôi viết truyện. Tất cả các nhân vật nữ chính của tôi đều cực kỳ duyên dáng, mặn mà. Thế nào cũng có khối anh đọc rồi tơ tưởng văn là người. Ai dại thì chịu, cho bõ những khi họ đi ngang qua tôi như thể tôi là cái cột đèn, không phải giống cái."
Chị đang ở trong một ngôi nhà 3 tầng rất đẹp, gần Hồ Tây – một vị trí nằm mơ của nhiều người Hà Nội. Ngồi trong cái nhà tiện nghi mưa không đến mặt, nắng không đến đầu mà viết về cảnh khổ của thế gian thì…?
Lý thuyết thôi (cười). Mình ra khỏi nhà, đi thực tế 10 ngày đã thấy trong mình khang khác rồi. Nhưng cũng chỉ dám “dấn thân” chừng mươi ngày thôi.
Thời xưa, khi nghèo khổ thì người ta mơ ước đủ thứ. Nghèo quá thì nhiều khi vật chất lại hóa ra chẳng còn quan trọng nữa, vì nó trở nên quá xa xôi.
Bây giờ đủ ăn đủ mặc rồi thì lại sợ mình hài lòng với chính mình. Mọi sự thỏa mãn đều cản trở sáng tạo nghệ thuật. Người ta khi vui thì hướng ngoại, khi buồn mới phải trăn trở. Mà lúc trăn trở mới là lúc viết được.
Thực ra, trong thời buổi ăn xổi này, thật khó để đòi hỏi người sáng tạo hay người cảm thụ phải nghĩ thật sâu, sâu hoăm hoắm ấy. Mọi thứ đều có vẻ dễ dàng. Chất lượng không cần cao lắm. Mà thị trường thì vẫn có nhu cầu. Mà sự nổi tiếng thì lại đến rất nhanh.
Phần đông các nhà văn nữ của ta bây giờ cứ phây phây ra. Hình như có ai đó đã tổng kết một câu xanh rờn là nhà văn nữ hễ cứ chồng con vào, hoặc hễ phởn phơ một tí là văn chương tắc tị ngay. Mà lâu lâu chẳng thấy chị viết lách gì.
Văn chương giống một cái chợ. Ai thích thì vào, không thích thì ra. Hiện tại tôi không muốn vào nữa. Dạo này tôi ít viết vì thấy mình viết không được hay, khi nào hay thì sẽ viết.
Chắc là khi nhà mình tiện nghi hơn, không cần phải cầm cái vợt này để đuổi muỗi nữa, trời không nóng quá, cũng không lạnh quá… (cười) Chỉ khi nào mình có khao khát thì mình mới viết hay được.
Tình yêu đàn bà như hương hoa hồng?
Nhiều nhà phê bình bảo họ đọc trong văn chị nỗi buồn tha hương?
Thú thật, tôi ít có nỗi buồn tha hương khi ở nước ngoài. Cũng giống như người nông thôn ra thành thị, liệu có phải lúc nào họ cũng đau đáu xa quê hương nhớ mẹ hiền, con cua nó cắp con còng, rặng lúa bờ tre không nhỉ, khi mà trong một ngày, người ta có biết bao lo toan, suy nghĩ?
Tôi viết về Việt Nam vì tôi mang kinh nghiệm sống Việt Nam, muốn khác đi cũng không được ấy chứ. Mà nếu đọc kỹ truyện của tôi thì không phải lúc nào tôi cũng lấy bối cảnh Việt Nam.
Có lẽ không nên cũng quy văn chương vào vấn đề địa lý. Đó là một lối phê bình hết sức sáo mòn.
37 tuổi, bôn ba nhiều nơi trên thế giới, rồi một mình trở về Việt Nam. Mà trong truyện của chị thì tất cả nhân vật nữ đều yêu rất nhiều, kết hôn rất nhiều. Độc giả có lẽ sẽ tò mò rằng các nhân vật ấy có hình ảnh của tác giả không?
Nếu chưa lấy chồng thì bạn cũng nên lấy một lần cho biết. Tôi thấy phụ nữ Việt Nam rất thiệt thòi, nhất là những phụ nữ có chút ít tri thức, rất khó chọn được người đàn ông nào đáp ứng đủ tiêu chí của mình.
Mà phụ nữ Việt Nam thì rất ít người không muốn có chồng. Ở nước ngoài thì mình tự
(*) Nhà văn Phạm Hải Anh là tiến sĩ Ngữ văn chuyên ngành Văn học Trung Quốc. Chị đã in 5 tập truyện ngắn, trong đó “Đi hết đường mưa” được tặng thưởng của Hội Nhà Văn năm 2003. Tác phẩm mới nhất: tuyển tập truyện ngắn “Người vớt phù du” (Nxb Trẻ 2007). Hiện làm biên kịch cho hãng phim Thiên Ngân.
(**) Trích trong tập “Người vớt phù du” của Phạm Hải Anh, Nxb Trẻ, 2007. |
nghĩ là mình trẻ. Về Việt Nam, ngay đến cái danh xưng cũng làm khó cho mình. Ra đường mà bị “chào cô” là bao nhiêu tự tin xẹp lép lại ngay.
Thế đấy! Tự mình đặt mình vào gánh nặng tuổi tác. Mà cứ suốt ngày bị giục “lấy chồng đi, bao giờ cho ăn kẹo?”. Ô hay nhỉ, hạnh phúc nó lù lù đến trước mặt thì chả ai dại gì mà xua đuổi, chẳng qua là chưa tìm được, chưa chọn được, chưa thấy được nên mình mới phải trì hoãn chứ, chẳng lẽ vì bị giục mà có hạnh phúc được sao?
Khi viết câu: “Tình yêu của người đàn bà khó nắm giữ như hương hoa hồng” thì chị có thật bụng nghĩ vậy không?
(Cười lớn) Cái câu đấy cực kỳ sến. Nhưng mà sách dạy rồi, bản chất của đàn ông là đi săn tìm. Nếu để họ tìm thấy ngay là họ mất hết hứng thú.
Tình yêu của phụ nữ khó nắm bắt, chứ không phải không thể nắm bắt. Vấn đề chỉ là đúng đối tượng thì nắm được ngay, có khi đối tượng chưa muốn nắm mà hương đã dâng tán loạn lên rồi ấy chứ.
“Đàn bà mà chồng con yên ấm là tẻ nhạt ngay, mà nhan sắc thì phai tàn. Lấy chồng, có con thì đần như Thúy Vân cũng làm được… Nhìn sang đời các nhân vật nữ xung quanh mà phát thèm.
Chúng nó đi nhảy, đi tắm hơi, hôn hít, làm tình, bồ bịch, đánh ghen loạn xạ, khóc lóc tự tử mùi mẫn. Đã đành là chúng nó chẳng nổi tiếng thục nữ chí cao, nhưng mà giá Kiều có thể chọn lại”. (**)
Nói thế thì chị là người sến hay thực tế?
Ở ngoài đời, tôi cố gắng cất giấu cái sến của mình đi để sống một cuộc sống bình thường, nhưng thỉnh thoảng nó vẫn bị lòi đuôi ra.
Vậy thực ra chị là người rất sến?
Tôi là người thực tế, rất thực tế. Nhưng mà bản chất thì lại sến. Sâu ở trong lòng thì mình thích cái sến, nhưng mình lại sợ nó, vì nó đẹp quá, nó lãng mạn quá, mà nó lại không tồn tại được trong cuộc đời thực.
Cuộc đời chưa bao giờ, hay không bao giờ là những trang tiểu thuyết diễm lệ. Tôi đã tự nhủ nếu mình muốn sống độc lập trong cuộc đời này thì việc đầu tiên cần làm ngay là phải sửa chữa cái bệnh sến đi.
Sến giống như sự ngây thơ con trẻ ấy. Ai cũng thích, nhưng già rồi mà mình cứ ngây thơ mãi thì không ai chịu được. Và vì mọi người đều thích được như thế, mà lại không sống được như thế, nên cứ phải để cho nhân vật của mình sống thay.
Tức là phải giả dối một tí, phải che đậy một tí?
Không phải một tí đâu mà là nhiều tí đấy. Nhưng mà nếu cứ nói tô tô ra thì cũng rất dở. Tôi có đọc đâu đó truyện về một con hà mã đến Bắc cực. Bắc cực lạnh quá, lạnh đến mức ý nghĩ ở đó bị đông cứng lại thành những phiến băng, ai cũng có thể đọc được.
Đầu tiên con hà mã thấy hơi phiền nhưng rồi nó quen và thấy cuộc sống thật đơn giản, dễ chịu. Khi rời Bắc cực, trở lại xứ sở, nó vẫn quen để ý nghĩ hiện ra chữ như thế. Vừa mới nghĩ nó đã bị mọi người xúm vào đánh đập tới tấp.
Cuối cùng, con hà mã tội nghiệp lại phải giấu kín ý nghĩ của mình như tất cả mọi người và nó không thể trở lại Bắc cực nữa.
Lan Ngọc |