Chuyển thể kịch lên màn ảnh: Khúc xương khó gặm - Tạp chí Đẹp

Chuyển thể kịch lên màn ảnh: Khúc xương khó gặm

Giải Trí

Những trở ngại khi chuyển thể sân khấu lên màn ảnh

Nếu chỉ xét trên bề mặt, dường như việc chuyển thể kịch thành phim diễn ra dễ dàng hơn so với chuyển thể văn học. Sân khấu và điện ảnh đều có thể ước lệ thời gian trong khoảng nhất định (chẳng hạn một câu chuyện trải dài nhiều thế kỷ, có thể gói gọn trong 1 đến 2 giờ). Nhưng có nhiều yếu tố khác khiến việc chuyển thể trở nên khó khăn, bởi sân khấu thường ước lệ, mà phim lại cần bối cảnh chi tiết. Do vậy, một tác phẩm chuyển thể thành công phụ thuộc nhiều vào “mức độ hiện thực của kịch trong phim và kết quả của hình ảnh”.

than-tien-cung-noi-dien

Ngoài ra,việc chuyển thể còn đòi hỏi sự thay đổi cơ bản từ lời thoại sân khấu sang hiệu quả hình ảnh. Đây là điều không dễ. Đa số những tác phẩm chuyển thể thất bại là do kịch bản phim bị “nô lệ” vào kịch bản sân khấu. Một nhà biên kịch giỏi không nên ngần ngại giảm (hay bỏ) một đoạn độc thoại dài, một cái nhìn (hoặc hành động) đáng giá vạn lời nói và thay bằng một cử chỉ cảm xúc…

Yếu tố hàng đầu của việc chuyển thể kịch sang màn ảnh là thương mại. Nhà sản xuất chịu rất nhiều áp lực về tài chính. Anh ta phải đảm bảo bộ phim kiếm được lợi nhuận, hoặc ít nhất phải bù đắp được chi phí sản xuất. Vì vậy, đạo diễn cần chú trọng yếu tố này để phù hợp với khán giả đại chúng, chứ không thể tập trung vào số ít khán giả sân khấu.

Điện ảnh kích thích thị giác nhờ hình ảnh động. Còn sân khấu mang tính ước lệ và ẩn dụ, chủ yếu thông qua lời nói. Chuyển thể kịch thành phim là nhiệm vụ khó, tuy nhiên, nếu có sự pha trộn của tài năng, kinh nghiệm, cộng thêm… lòng dũng cảm để rời khỏi tác phẩm gốc, thì đạo diễn vẫn có thể tạo ra một tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Điện ảnh kích thích thị giác nhờ hình ảnh động. Còn sân khấu mang tính ước lệ và ẩn dụ, chủ yếu thông qua lời nói. Chuyển thể kịch thành phim là nhiệm vụ khó, tuy nhiên, nếu có sự pha trộn của tài năng, kinh nghiệm, cộng thêm… lòng dũng cảm để rời khỏi tác phẩm gốc, thì đạo diễn vẫn có thể tạo ra một tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Bằng cách này, điện ảnh được xem như một phiên bản mở rộng hiện đại của sân khấu.

Dè dặt ở Việt Nam bởi “Lành ít dữ nhiều”!

Sân khấu Việt Nam có nhiều hình thức: tuồng, chèo, cải lương, hát bội, kịch nói… Nhưng nhiều năm trở lại đây, gần như chỉ kịch nói còn hoạt động – đặc biệt ở Sài Gòn.

Kịch mục ở Sài Gòn dù phong phú, nhưng tuổi thọ và tầm ảnh hưởng lại chỉ quẩn quanh trong một phạm vi giới hạn. Các vở kịch ăn khách tuổi thọ từ 7 đến 10 năm đếm trên đầu ngón tay. Cá biệt có vở “Dạ cổ hoài lang” của tác giả Thanh Hoàng đã sáng đèn 22 năm (từ năm 1994 đến nay). Còn lại, tồn tại được 3 năm trên sân khấu coi như đã thành công.

Đa số vở diễn có chất lượng bình dân, khán giả chỉ xem một lần, nên hầu như không ai có ý định chuyển thể kịch lên màn ảnh. Còn những vở hiếm hoi ăn khách thì các ông bầu càng không muốn đưa lên phim vì vẫn có thể tận thu trên sân khấu.

Phước Sang có lẽ là ông bầu đầu tiên chuyển thể vở kịch ăn khách nhất của sân khấu mình thời đó lên màn ảnh. Là người nhạy bén với thị trường, khi thấy vở diễn bắt đầu ít khách, thì ngay lập tức, anh lên kế hoạch “vét cú chót” tại rạp phim, nhằm hướng đến lớp khán giả bình dân, ngoại tỉnh, những người không có thời gian và điều kiện đi xem kịch. Kết quả, bộ phim hài “Khi đàn ông có bầu” (đạo diễn Phạm Hoàng Nam), dựa theo vở kịch cùng tên, đã trở thành bom tấn phòng vé mùa Tết năm đó.

da-co-hoai-lang-1
“Dạ cổ hoài lang”

Tuy nhiên, “Khi đàn ông có bầu” chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi. Dân làm phim Việt không mặn mà lắm với việc chuyển thể. Bản thân Phước Sang sau đó cũng không đưa vở kịch nào khác lên phim. Lí do chính là chất lượng các vở diễn không cao, nội dung chủ đề không mới. Giống như các nước khác, gu của khán giả xem kịch và xem phim khác nhau khá xa.

Song mọi thứ có vẻ thay đổi khi năm 2014, đạo diễn Victor Vũ đã chuyển thể vở kịch ăn khách “Quả tim máu” của diễn viên Thái Hòa lên màn ảnh. Bộ phim kinh dị này tuy rất ăn khách, nhưng vẫn chưa đủ tạo niềm tin cho giới làm phim. Khán giả đến rạp phần lớn là nhờ sự duyên dáng hài hước của Thái Hòa, chứ kịch bản không có gì đặc biệt – không khác với vở kịch trước đó.

Vài năm trở lại đây, sân khấu kịch ở Sài Gòn lâm vào cảnh chợ chiều, nhiều sân khấu mới mở, nhưng diễn viên bị phân tán, kịch mục nghèo nàn, khán giả không còn mặn mà. Trong khi đó, thị trường phim ảnh lại tăng trưởng vượt bậc với số lượng cụm rạp liên tục xây mới, số lượng phim Việt tăng đột biến… Một số ông bầu sân khấu tính chuyện rẽ ngang sang điện ảnh.

Liên tiếp trong hai năm 2016 và 2017, số lượng phim chuyển thể từ kịch nhiều gấp đôi 10 năm trước đó, hầu hết là những vở kịch đình đám một thời:”Thần tiên cũng nổi điên” (đạo diễn Cao Tấn Lộc), “Dạ cổ hoài lang” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Xóm trọ 3D” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường), và sắp tới đây là “Hợp đồng mãnh thú” và “Sát thủ hai mảnh” (đạo diễn Lê Hoàng).

xom-tro-3d

Song cũng phải thừa nhận rằng, những bộ phim trên (chưa tính hai phim của đạo diễn Lê Hoàng) đều mới thành công ở mức khiêm tốn, chứ chưa tạo được cú hích thật sự, để chuyển thể kịch trở thành trào lưu trong điện ảnh. Ngoài nguyên nhân khán giả xem kịch sẽ không xem phim nữa, thì yếu tố quan trọng nhất là các bộ phim vẫn chưa thoát khỏi tính sân khấu. Điều này thì ngay cả điện ảnh thế giới cũng thường xuyên mắc phải.

Sài Gòn có hơn 20 sân khấu lớn nhỏ. Nhiều vở có ý tưởng rất hay nhưng chỉ sống một thời gian ngắn rồi xếp xó. Trong tình trạng khan hiếm kịch bản điện ảnh, đây là điều rất đáng để lưu tâm bởi không nhất thiết cứ phải chuyển thể nguyên cả vở kịch, mà đôi khi chỉ cần chọn một ý tưởng hay, giao vào tay một biên kịch giỏi thì hoàn toàn có thể làm nên chuyện.

Từ giờ đến cuối năm còn vài phim chuyển thể từ kịch lên màn ảnh. Kết cuộc thắng thua sẽ là câu trả lời cho sự phát triển của trào lưu chuyển thể kịch thành phim trong tương lai.

Thực hiện: depweb

01/08/2017, 11:45