“Chuyến tàu băng giá”: Phim Hàn Quốc, chuyện toàn cầu

Bộ phim dữ dội     

“Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá) có bối cảnh hoàn toàn diễn ra trên một chuyến tàu khổng lồ. Đó là năm 2031, sau khi Trái đất phải chịu hậu quả từ một sai lầm khủng khiếp sau một dự án tham vọng. Loại vật chất được bắn lên không trung chẳng những không ngăn được sự nóng lên của Trái đất mà ngược lại, khiến trái đất quay về Kỷ Băng Hà. Mọi vật hoàn toàn bị bao phủ bởi băng tuyết và thế giới loài người đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Lúc này, những người may mắn sống sót đều ở trên con tàu mang tên Snowpiercer do Wilford (Ed Harris) lãnh đạo. Con tàu này luôn luôn chuyển động giống như một con trăn khổng lồ, chở theo những con người đang vật lộn giữa sự sống với cái chết.

Đó là một xã hội thu nhỏ được phân chia bởi Khu Đầu của những người giàu có, thừa mứa, chỉ biết hưởng thụ và Khu Đuôi của những người thiếu đồ ăn, thức uống, phải dần tự huỷ hoại bản thân mình. Bối cảnh bên trong con tàu được các nhà làm phim sử dụng gam màu tối là chủ đạo, đối lập với nền tuyết trắng xóa bên ngoài, như mô phỏng cuộc đấu tranh dữ dội giữa kẻ giàu và người nghèo.

Quá mệt mỏi trước sự áp bức, bất công, dưới sự lãnh đạo của Curtis (Chris Evans thủ vai), những người nghèo sống ở những toa sau của con tàu đã nổi dậy tiến hành cuộc cách mạng lật đổ tầng lớp thượng lưu ở những toa trước. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của họ đối mặt với rất nhiều nhiều khó khăn, thử thách; và từ đó, hai mặt thiện – ác, giả danh – chính danh, phần con – phần người… dần dần được hé lộ. Điều này đảm bảo mang tới những bất ngờ hấp dẫn cho khán giả.

Từ đỉnh cao “The Host” (Vật chủ) năm 2006, đạo diễn Bong Joon Ho đã thực sự bước sang một đỉnh mới với “Snowpierce”. Không làm nhiều phim, nhưng mỗi tác phẩm điện ảnh của Bong được công bố đều gây chú ý đặc biệt từ dư luận. Nếu như “The Host” là phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc thì “Snowpierce” là bộ phim có ngân sách cao nhất của xứ kim chi từ trước tới nay, với tổng đầu tư 40 triệu USD.

Đến “Snowpiercer”, phong cách làm phim của Bong Joon Ho đã được thể hiện rõ nét. Cùng với hai tác phẩm gây chú ý khác là “Memories of Murder” (Hồi ức kẻ sát nhân, 2003) và “Mother” (Người mẹ, 2009), vị đạo diễn tài năng đã cho thấy biệt danh “Bong Detail”, chỉ việc ông cực kỳ giỏi trong tạo dựng chi tiết trong phim, là hoàn toàn chính xác. Điều này càng thể hiện rõ trong “Snowpierce”, một bộ phim nói tiếng Anh, thể hiện tham vọng vươn ra toàn cầu của điện ảnh Hàn Quốc.


Ấn tượng “chi tiết” và dòng phim “hậu tận thế”

Khi tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết truyện tranh “Le Transperceneige” của ba tác giả người Pháp vào năm 2005, đạo diễn Bong Joon Ho và nhà sản xuất CJ đã nuôi ý định thực hiện một bộ phim hành động, khoa học viễn tưởng. Ngay sau đó, Bong tự bắt tay vào viết kịch bản theo sự tưởng tượng mới của mình và hoàn thiện vào cuối năm 2010. Tháng 04 năm 2012, bộ phim được bấm máy trong vòng ba tháng tại một trường quay ở Prague, Cộng hoà Séc.

Sự dữ dội được thể hiện trong “Snowpiercer” khiến nhiều khán giả xem phim cảm giác đạo diễn Bong tưởng tượng về thế giới trên con tàu thế nào thì ông quyết tâm làm ra bộ phim đúng như thế. Trong bối cảnh quá đặc biệt và hoành tráng, từng con người, từng số phận được hiện lên, với những chi tiết có thể khắc sâu trong trí nhớ người xem.

Đầu tiên, đó là nhân vật chính Curtis (Chris Evans). Rũ bỏ hình tượng siêu anh hùng trong “Amercan Captain” và “The Avengers”, tài tử điển trai Chris Evans mang đến một nhân vật không chỉ mạnh mẽ ở vẻ bề ngoài mà còn ẩn chứa sự dằn vặt, bộc lộ nhiều suy tư uẩn khúc. Điều này được đạo diễn Bong khắc họa rất kỹ qua ánh mắt, khuôn mặt và hành động của Curtis.

Chris Evan (bên trái) trong phim

Rất nhiều chi tiết đáng nhớ từ nhân vật này, như khi ánh mắt anh vằn lên để bảo vệ những đứa trẻ bị bắt đi; khi quyết định chạm trán trước họng súng, khi phát hiện những thanh protein bấy lâu cộng đồng dân cư ở Khu Đuôi vẫn ăn được làm từ gián, bọ, côn trùng… Đoạn Curtis kể về thân phận của mình với Namgoong Minsu (vai diễn do Song Kang-ho, diễn viên chính của “The Host”, thể hiện) bộc lộ khả năng khắc họa tâm lý khá tinh tế của “trai đẹp” Chris Evan.

Có được điều này một phần là nhờ phong cách làm phim của Bong Joon Ho mà như Chris Evans kể lại: “Đó là cách làm phim có một không hai. Thông thường, các cảnh quay liên tục diễn ra, sau đó, nhiệm vụ cắt gọt được giao cho nhà biên tập. Tuy nhiên, đạo diễn Bong hình dung rất rõ, rất chi tiết các cảnh trong một cảnh quay. Do vậy, những cảnh quay của anh ấy rất hoàn hảo vì đã được biên tập, hình dung ngay trong quá trình bấm máy. Nó giống như bạn xây một căn nhà, thay vì nói cần một bao đinh, bạn sẽ nói ‘tôi cần 53 cái đinh’”.

Góp mặt trong “Snowpiercer” còn có hai nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar là Octavia Spencer của “The Help” và Tilda Swinton của “Michael Clayton”. Tuy không có nhiều đất diễn, không có thân phận, câu chuyện riêng rõ ràng, nhưng lại có những chi tiết ấn tượng.

Với Octavia Spencer là vai bà mẹ da màu Tanya có đứa con bị bắt cóc từ Khu Đuôi để lên Khu Đầu phục vụ. Bà mẹ này gây ấn tượng ngay từ khi giấu con mình trong chiếc váy rộng và sau đó chiến đấu như không còn gì để mất trong cuộc chiến tìm con.

Tilda Swinton

Nhân vật Tổng trưởng Mason của Tilda Swinton mang nhiều tính giễu nhại, hài hước, như để cân bằng lại cho một bộ phim căng thẳng và có quá nhiều cảnh đổ máu. Lối diễn cường điệu, với cách nhả ngôn từ “kiểu Anh” của nữ diễn viên được gắn cùng một số chi tiết, vật dụng mang tính biểu tượng. Đặc biệt, đây chính là nhân vật thể hiện ý đồ về trật tự giả tạo của một thế giới vô hồn.

Tuy còn một vài điểm khiến “Snowpiercer” chưa thực sự thuyết phục, logic, bối cảnh câu chuyện có thể dấy lên sự hoài nghi; nhưng hoàn toàn khẳng định được rằng: Đây là một bộ phim tốt về đề tài hậu tận thế. Câu chuyện phim vê trật tự thế giới, về áp bức bất công, về môi trường sống tự nhiên bị chính con người đe doạ… không còn là câu chuyện của Hàn Quốc mà mang tính toàn cầu, được thể hiện qua dàn diễn viên đa quốc tịch.

Với “Snowpiercer”, đạo diễn từ xứ kim chi cũng làm dày thêm danh sách những bộ phim khoa học giả tưởng về đề tài hậu tận thế (được gọi là “apocalyptic sub-genre” hoặc “post-apocalyptic condition”) có mặt trong năm 2013, có thể kể đến như: “World War Z” (Thế chiến Z), “Elysium” (Kỷ nguyên Elysium), “Ender’s Game” (Cuộc đấu của Ender)…

Rõ ràng, đề tài “hậu tận thế” đang được ưa chuộng và mở ra nhiều đất dụng võ hơn là đề tài “tận thế”. Và nếu có bình chọn riềng về thể loại phim này thì không quá lời để nói rằng “Snowpiercer” là bộ phim đáng xem nhất cùng đề tài trong năm 2013.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD


>>> Có thể bạn quan tâm: Từ sách lên phim, “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử) đã tạo nên cơn sốt trên màn ảnh rộng toàn cầu, trừ một số nước như Việt Nam, vì… bị cấm chiếu. Tuy nhiên, tốc độ lan tỏa mạnh mẽ chỉ thực sự bùng lên ở phần 2 “Catching Fire” (Bắt lửa).


From the same category