Dịp Noel và Tết năm nay, điện ảnh thương mại Việt Nam sẽ có 5 phim chắc chắn sẽ ra mắt khán giả. Đó là “Võ lâm truyền kỳ”; “Trai nhảy”; “Dòng máu anh hùng”; “Sài gòn tình ca” và “Sài gòn nhật thực”. Chưa kể “Chuông reo là bắn” đang quay.
Khi đánh giá các phim này, một số nhà báo ở ta thường thống nhất với nhau một điểm: ba phim có Tây cùng tham gia là “ Sài gòn tình ca”; “Sài Gòn nhật thực” và “Dòng máu anh hùng” hơn hẳn các phim trong nước về tính chuyên nghiệp!
Mỗi lần đọc được những “ khẳng định” hùng hồn đó, tôi lại muốn cười nôn ruột. Rõ ràng vài người viết chả hiểu tính chuyên nghiệp của điện ảnh là gì, và đinh ninh một cách tội nghiệp là hễ Tây thì chuyên nghiệp hơn Ta.
Họ bị ấn tượng bởi những cái tên Giôn, tên Đavít, tên Rôbe… Họ khiếp vía bởi các chữ Hollywood, Paris… và họ bị chinh phục hoàn toàn bởi con số trăm, số triệu đô la nhà sản xuất Tây công bố.
Đầu tiên, xin nhắc lại rằng ở Tây hay Mỹ có hàng ngàn kiểu học làm phim, từ vớ vẩn cho tới cao siêu, và không phải cứ tốt nghiệp, thậm chí cứ thủ khoa là thành chuyên nghiệp. Sau đó, xin nhắc lại chuyên nghiệp hay không chẳng phải căn cứ vào số lượng thiết bị ở trường quay mà còn ở cách vận dụng chúng.
Và quan trọng hơn hết, sự chuyên nghiệp của một nhà làm phim phải xét đến thái độ lao động của họ, chứ đừng căn cứ vào lượng tiền hay bằng cấp mà họ khoe ra.
Các đạo diễn Việt kiều đều là những người dễ thương, nhiệt tình, có ý định làm phim nghiêm túc. Nhưng như thế hoàn toàn chưa đủ. Do được đào tạo trong một nền công nghệ điện ảnh khác xa điều kiện Việt Nam, nên ở trường quay trong nước, rất nhiều lúc họ không thích ứng được, và có thể ra những quyết định phản chuyên nghiệp vô cùng.
Hãy lấy ví dụ phim “1735 km”. Đạo diễn có bằng tốt nghiệp nước ngoài của phim này cứ khăng khăng đòi thu tiếng trực tiếp. Đấy là một đòi hỏi rất hợp lý khi làm phim ở Mỹ.
Nhưng trong điều kiện Việt Nam, máy móc của chuyên viên thu thanh quá sơ sài, tiếng nói của diễn viên chưa hề qua đào tạo lại quá kém cỏi, gây phản cảm vô cùng cho khán giả.
Đã thế, do yêu cầu thu tiếng trực tiếp phải có không gian cách âm nên hai nhân vật trong phim thay vì đi chuyến tàu chợ lại đi tàu máy lạnh đóng kín cửa! Khổ thay, trong toa tàu máy lạnh này, việc nữ nhân vật chính không dám sử dụng phòng vệ sinh phải xuống khách sạn ven đường là thiếu thuyết phục vì ai đã ở Việt Nam đều biết phòng vệ sinh đó chấp nhận được (tàu chợ thì khác).
Do đó, cái cớ để chàng trai và cô gái gắn bó với nhau do lạc tàu hoàn toàn đổ vỡ chỉ vì một đòi hỏi cứng nhắc về âm thanh. Những nguyên nhân đó đã làm tác phẩm giảm hẳn tính truyền cảm, nếu đạo diễn quyết định lồng tiếng, bộ phim sẽ khá hơn rất nhiều nhưng anh đã bỏ qua cơ hội.
Còn không biết bao nhiêu ví dụ có thể kể ra về sự chuyên nghiệp “nửa vời” do các đoàn phim “nửa Tây” mang tới. Đừng quên rằng sản xuất phim là một dây chuyền và tính đồng bộ của nó là quan trọng hơn hết thảy.
Không đầy đủ trong tay các thiết bị cần thiết, chỉ “tối tân” theo kiểu chắp vá có khi còn nguy hại hơn do quá trình làm hậu kỳ ở nước ngoài không thể xử lý được các “lỗ hổng” này. Nói một cách đơn giản, xấu đều có khi hơn tốt lỏi.
Phát biểu như vậy không phải đề cao các đạo diễn trong nước làm gì. Bởi họ còn thiếu rất nhiều kiến thức và cần phải học ở các đạo diễn ngoại. Nhưng họ thực sự hiểu đối tượng và mỗi hoàn cảnh họ phải làm hoặc cần làm, biết cách thể hiện tối đa trong mặt bằng hẹp, đấy cũng là tính chuyên nghiệp vậy.
Nhiều người viết Việt Nam cứ không chịu hiểu chuyện ấy. Do sùng ngoại một cách quá đáng, do không hiểu thực chất của công nghệ làm phim, và do dốt, họ cứ đinh ninh trong đầu là Tây thì bài bản hơn Ta, rất ngây thơ và hời hợt.
Văn minh không phải lúc nào cũng mang từ nơi khác đến. Văn minh chỉ cần làm tốt nhất cái hiện có của mình.
Đấy là điều cơ bản mà các nhà lý luận quên. Đã biết bao bộ phim nói về người văn minh “đổ bộ” xuống nơi hoang dã, sống một thời gian thì phát hiện ra chính mình lại không văn minh, có thể thiên hạ đã không xem?
Khi viết đến đây, tôi không hề có ý định kỳ thị gì. Điện ảnh Việt Nam còn phải học thế giới rất nhiều, rất nhiều nhưng không có nghĩa thế giới chả cần học gì ở đây cả.
Để kết luận, tôi xin mạnh dạn tiên đoán: Trong ba phim có mác ngoại sẽ chiếu cuối năm nay, tôi tin rằng có hai phim thất bại về doanh thu một cách khủng khiếp, bất kể sự “chuyên nghiệp” của họ./.