Bộ phim mới nhất của đạo diễn Quentin Tarantino không chỉ vẽ nên bức tranh về ngành phim ảnh, mà còn về cả một xã hội phóng túng thời kỳ đó.
Thật hiếm có tác phẩm điện ảnh nào hội tụ nhiều tài năng lớn trên màn bạc như “Once Upon A Time in…Hollywood” (tên Việt: Truyện Ngày Xưa Ở… Hollywood) vừa ra mắt. Là bộ phim thứ 9 của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino, “Once Upon A Time in…Hollywood” lấy bối cảnh kinh đô điện ảnh những năm 60 của thế kỷ trước. Tại đó, cặp đôi diễn viên Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) và tài xế/người đóng thế Cliff Booth (Brad Pitt) phải trải qua vô số sự việc dở khóc dở cười khi cư ngụ ở chốn phù hoa bậc nhất thế giới.
Chưa bao giờ lỗi thời
Bên cạnh nội dung phim vô cùng độc đáo, nhiều khán giả còn cảm thấy vô cùng ngạc nhiên với phong cách ăn mặc và thái độ sống của những nhân vật trong phim. Điển hình hơn cả là hai nhân vật: nữ diễn viên Sharon Tate (Margot Robbie thủ vai) và cô nàng hippy Pussycat (Margaret Qualley). Đối với Sharon, cô thường xuyên xuất hiện với trang phục váy ngắn chữ A, giày bốt cao cổ hiện đại, thân thể nuột nà không khác gì những hot girl Instagram hiện nay. Chưa hết, những phân đoạn Sharon tưng bừng nhảy múa theo tiếng nhạc, dù là giữa một bữa tiệc hay đang dọn dẹp ở nhà riêng, cũng chiếm khá nhiều thời lượng trong phim.
Về phần nhân vật Pussycat, cô nàng này còn khiến nhiều khán giả tưởng như một cô nàng xuyên không từ hiện tại về 50 năm trước khi từ trang phục, điệu bộ đến lời nói đều chẳng lỗi thời chút nào. Pussycat trong “Once Upon A Time in…Hollywood” thường xuất hiện với chiếc áo crop top bằng len màu cầu vồng, cùng chiếc short bò ngắn năng động. Cô thậm chí còn hồn nhiên… khoe chùm lông nách không hề cắt tỉa, và thoải mái có những cử chỉ trêu ghẹo, câu kéo khi ngồi bên vệ đường bắt xe.
Không chỉ Pussycat và Sharon Tate, mà nhiều nhân vật khác, tình tiết khác trong “Once Upon A Time in…Hollywood” cũng cho thấy rõ một xã hội phóng khoáng, cởi mở và nhiều năng lượng. Chẳng hạn, nhân vật Cliff Booth của Brad Pitt có những cảnh cởi áo khoe thân trên vạm vỡ khi leo lên mái nhà sửa ăng ten, hoặc hút cần và phê thuốc.
Trước đó, trong thập niên 50, xã hội phương Tây vẫn còn nhiều kín kẽ. Phụ nữ vẫn mặc những kiểu váy tay bồng, chân váy dài tới gối, tóc cuốn búp… Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, cả phong cách lẫn lối sống dường như đã xoay chuyển 180 độ. Ít ai biết rằng, làn sóng trẻ trung và hiện đại ấy không khởi nguồn từ Mỹ, mà từ một đất nước khác bên kia Đại Tây Dương – Vương Quốc Anh.
Rực rỡ và vụn vỡ
Kể từ thập niên 60, nước Anh mà tâm điểm là thủ đô London trải qua một sự thay da đổi thịt thần kỳ, từ một nơi xám xịt, u ám sau Thế Chiến Thứ II trở thành một tụ điểm đầy màu sắc của giới trẻ. Khởi nguồn của cơn sốt này chính là ban nhạc đình đám The Beatles, với những bài hát trẻ trung hơn hẳn giai điệu jazz, blues lỗi thời của thập niên trước.
Cùng với cuộc cách mạng trong âm nhạc, các người mẫu xinh đẹp của xứ sở sương mù như Twiggy, Jean Shrimpton cũng diện những trang phục thoải mái và phóng khoáng hơn hẳn những năm trước, nổi bật hơn cả là váy mini (miniskirt). Thậm chí, khi siêu mẫu Jean Shrimpton tới nước Úc với chiếc váy mini trên người, cả đất nước này còn bị sốc cực độ. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, kiểu váy này đã trở thành xu hướng được vô vàn phụ nữ Úc đua nhau làm theo. Trong “Once Upon A Time in…Hollywood”, trang phục của cô nàng Sharon Tate cũng thấm đượm phong cách này, một điều hiển nhiên vì Sharon ngoài đời vốn cũng xuất thân là một người mẫu có tiếng của thập niên 60.
Quan trọng hơn cả, thập niên 60 cũng là khởi đầu của làn sóng hippy (tạm hiểu là lập dị) trong giới trẻ. Những thanh thiếu niên theo làn sóng này thường ăn vận lôi thôi, sống buông thả, thậm chí bỏ nhà đi bụi và sử dụng chất kích thích vô tội vạ. Họ yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, có tư tưởng phản đối chiến tranh (cụ thể là Chiến Tranh Việt Nam) và không thích lối sống vật chất. Đỉnh cao của phong trào hippy là mùa hè năm 1967-1969, được đặt tên là “Mùa hè tình yêu” (Summer of Love) khi có tới 100.000 cô cậu hippy tập trung tại khu vực San Francisco của Mĩ. Sự phóng khoáng bất cần lên cao đến mức bà Diana Vreeland, chủ bút tạp chí Vogue danh giá đã gọi thập niên 60 là “Cơn địa chấn sức trẻ” (youthquake).
Không may là bên cạnh nhiệt huyết sôi sục, thì sự buông thả của giới trẻ trong thời kỳ này cũng dần đi quá trớn, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Đỉnh điểm không gì khác chính là vụ sát hại nữ diễn viên Sharon Tate cùng 3 người bạn tại nhà riêng vào năm 1969, cũng chính là sự kiện mà “Once Upon A Time in…Hollywood” phỏng theo và biến tấu. Trong vụ việc này, 3 thanh niên hippy sống trong nhóm của tên tội phạm Charles Manson đã đột nhập vào nhà, giết hại dã man 4 người – trong đó Sharon đang mang thai hơn 8 tháng. Vụ sát hại gây chấn động này đã đặt dấu chấm hết cho những năm 60 hoang dại, và mở ra một thập niên 70 tỉnh táo, khuôn khổ hơn.
Là một người hâm mộ Sharon Tate từ bé, và thương cảm cho kết cục bất hạnh của cô, đạo diễn Quentin Tarantino đã cố tình tạo nên một phiên bản khác hạnh phúc hơn trong “Once Upon A Time in…Hollywood”. Trong phiên bản này, 3 tên hippy khi thực hiện âm mưu ám sát đã bị Rick Dalton và Cliff Booth đánh bại dẫn tới chết thảm. Trong khi đó, Sharon vẫn an toàn ở nhà bên cạnh, thậm chí còn mời Rick vào nhà mình chơi ở đoạn kết phim. Với trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với nhà dựng phim Robert Richardson cùng thiết kế sản xuất Barbara Ling, Quentin Tarantino đã tái hiện xã hội thập niên 60, với những điều đẹp đẽ lẫn xấu xí nhất chân thực tới từng góc nhỏ.