Chuyện khóc cười khi trò cưới vội

Đưa 50.000 đồng cho chồng mới được về

Đó là câu chuyện của Huyền, cô sinh viên Trường CĐ Y Lê Hữu Trác ( Hà Nội). Huyền là con gái lớn trong một gia đình có 4 anh chị em. Sinh năm 1994 nhưng gương mặt Huyền già đi trước tuổi, nhất là từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

Đời sống hôn nhân kém hòa thuận của cặp vợ chồng trẻ (Ảnh: Nguyễn Linh)

Yêu và lấy Toàn (chồng cô bây giờ) chỉ vẹn vẹn trong vòng 4 tháng. Gặp nhau khi đi bê tráp ở đám cưới bạn, hai bên làm quen qua lại và xin số điện thoại tán tỉnh nhau. Huyền thẹn thùng: “Một tuần trời tối nào anh cũng nhắn tin, gọi điện cho em. Lần đầu tiên có người quan tâm như thế nên em đồng ý đi chơi xa khi anh ấy rủ”.

Thế rồi mối tình đầu ngây thơ, trong sáng ấy đã trở thành gánh nặng ràng buộc đối với đôi bạn trẻ khi Huyền có bầu. Cô không dám nói với bố mẹ hay với bất cứ ai. Huyền kể với Toàn, rồi không hiểu sao cậu lẳng lặng bỏ nhà đi biệt tích 1 tháng trời.

Sau 4 tuần, Toàn gọi điện cho Huyền và đưa cho 1 triệu đồng và bảo người yêu đi khám một mình vì cậu ngại. Gặng hỏi thì được biết, hóa ra trong thời gian ấy, Toàn xin đi bốc vác thuê trên mãi tận thị trấn Vác, huyện Thanh Oai để kiếm tiềm lo cho Huyền khám.

Kết quả siêu âm được đứa bé là con trai nên cả hai quyết định sẽ giữ lại. Huyền lóng ngóng, khóc lóc nói với bố mẹ về chuyện nhỡ nhàng của bản thân. Trái ngược với sự lo lắng, sợ sệt, bố mẹ Huyền chỉ khuyên, cố gắng sống tốt đừng làm “bẽ mặt’ gia đình, lỡ rồi thì sẽ cho cưới.

Thế là đám cưới của đôi bạn trẻ được cả hai gia đình chấp nhận. Ngày cưới trời mưa tầm tã, nhưng chú rể nhất quyết không thuê xe ô tô để đưa nàng dâu về mà bắt Huyền mặc áo mưa và chở nàng trên chiếc xe SimSon đời cổ. Mục đích cũng chỉ để giữ lời cá độ với đám thanh niên làng bên. Không ai can ngăn được hành động trẻ con, cố chấp này.

Tối hôm ấy vợ chồng Huyền cãi nhau ầm ĩ trong phòng. Ngay sáng hôm sau cô dâu khóc tu tu chạy xuống nhà nói với bố mẹ chồng: “Cho con về, con không ở đây nữa đâu”. Huyền chạy ra đầu ngõ thuê xe ôm một mạch về nhà, bỏ lại phía sau ánh mắt ngơ ngác và cái lắc đầu thất vọng của bố mẹ chồng.

Một tuần vợ chồng cứ nhắn tin, cãi vã nhau qua điện thoại. Toàn cũng nhất định không xin lỗi vợ và đến nhà bố mẹ vợ đón. Huyền cũng ngang bướng ở lì bên nhà ngoại mặc cho gia đình khuyên nhủ như thế nào.

Hai tuần sau, cô dâu mới lại bắt đầu thấy “nhớ chồng” vì lâu không gặp, Huyền lại sắp xếp khăn gói về nhà chồng xin phép gia đình bên ấy. Bố mẹ chồng thì bỏ qua cho cô con dâu nhanh chóng vì nghĩ vẫn là trẻ con nhưng với Toàn thì lại khác.

Ngay tối hôm trở về, khi ngồi bàn bạc lại với nhau, Toàn buông một câu “muốn quay trở lại với Toàn thì mỗi ngày phải nộp 50.000 đồng để đi bắn đế chế với hội bạn”.

Gom tiền sắm cưới để mua Iphone

Tiến học cùng trường với Hương, mấy lần đứng đợi xe buýt ở cổng trường nên đôi bạn kết thân từ đó. Là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng kinh tế nhưng từ khi lỡ “ăn trái cấm”, Hương quyết định bỏ dở sự nghiệp.

Ước mơ mua chiếc điện thoại Iphone 4 của cặp sinh viên được nhen nhóm từ khi được bố mẹ hai bên “đầu tư” sắm cưới. Tiến thủ thỉ: “Phụ huynh cho 20 triệu chụp ảnh nhưng em tính kỹ rồi chỉ chụp hết tầm 7,8 triệu thôi, chọn hiệu ảnh rẻ mà xài vì chụp xong để đấy có làm gì đâu. Em sẽ nói dối và giấu đi để sắm con Iphone dùng cho sướng”.

Chuyện của đôi tân lang – tân nương sinh viên cũng gặp rắc rối đúng vào đêm tân hôn khi hai người tranh nhau chiếc điện thoại. Vợ mải mê facebook, lướt web chồng cũng muốn chơi mấy trò game trên đó mà lại có một chiếc điện thoại xịn.

Hai bên ban đầu thì đùa, sau không ai chịu nhường ai rồi xảy ra cãi vã, to tiếng. Tiến nhảy lên tát vợ rồi phân bua: “Điện thoại của tao chứ của mày à, về mà bảo ông bà già bên ngoại mua cho dùng”. Hương sụt sùi tủi thân khóc rồi ngủ tới sáng hôm sau, mặc kệ chồng mải miết với mấy trò điện tử đến thâu đêm, đường ai nấy đi.

Trường hợp của Hà khác với Hương và Huyền ở chỗ, những bi hài của vợ chồng Hà diễn ra xuyên suốt những tháng ngày nuôi con chứ không riêng gì trong ngày cưới. Bảo lưu 3 năm học ở trường Đại học Thủy lợi, Hà làm đám cưới với một anh thợ mộc cùng làng.

Gia đình Hà có điều kiện nên từ nhỏ đến lớn cô được nuông chiều không phải làm việc nhà nhiều. Cũng chính vì thế, khó khăn và trở ngại đến với cô từ khi lập gia đình, nuôi con nhỏ.

Đang tuổi ăn, tuổi chơi lấy chồng rồi nhưng Hà vẫn thường xuyên rủ bạn bè đến nhà hát hò, chơi đùa như thời còn đi học. Con nhỏ quấy khóc, mẹ mải chơi với các bạn nên bật nhạc sàn thật to rồi cho con vào trong chiếc cũi nhỏ của trẻ vứt đồ chơi con tự nghịch.

Có hôm nhờ được bà ngoại trông con cả ngày, Hà cũng tranh thủ đi tô tượng bên tận Bát Tràng 7,8 giờ tối mới về. Con khóc ngặt nghẽo, chồng Hà ngoài thời gian đục đẽo với nghề làm mộc thì thời gian nào rảnh là lao đầu vào chơi điện tử. Xích mích hai bên ngày nào cũng có đến nỗi Hà phải chia sẻ: “ Em nói thật với chị, giờ ngày nào không cãi nhau vài trận là có vấn đề”.

Bàn về vấn đề học trò cưới vội và những hệ lụy xung quanh nó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: “Trong bức tranh hôn nhân của người Việt Nam hiện đại có rất nhiều những cách ứng xử, hành động đan xen nhau khá phức tạp.


Một bộ phận giới trẻ có xu hướng cưới sớm như để hưởng thụ nhưng cũng có một số trường hợp thiếu tri thức, thiếu hiểu biết về đời sống tình dục, về tình yêu nên khi gây nên hậu quả thì khó có biện pháp khắc phục.

Hôn nhân của những cặp vợ chồng khi vẫn còn trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường thường được lên kịch bản sớm hơn. Hôn nhân sớm khi kiến thức, sự lĩnh hội mọi thứ về cuộc sống gia đình còn chưa chỉn chu sẽ rất dễ đi đến cãi vã, thậm chí ly hôn. Đây cũng là một trong những mặt trái cần khắc phục của tình trạng “trẻ hóa hôn nhân” hiện nay.”

Theo Vietnamnet


From the same category