Chuyện hát ru của nhà Bun Beo - Tạp chí Đẹp

Chuyện hát ru của nhà Bun Beo

Sống

Lúc Bun, Beo ba tuổi. Nửa đêm rồi, mẹ thỏ thẻ với anh Bun “Mẹ hát ru con nhé”. Mẹ hát bài “Con cò đi đón cơn mưa”. Anh Bun lắc đầu. Mẹ ru bài “Cái bống cái bang”. Lại lắc đầu. Mẹ lôi hết cả tủ bài hát ru mà anh ấy cứ một mực lắc đầu. Cáu quá mẹ bảo mẹ không ru con nữa nhé. Chẳng ngờ anh ấy dạ rõ to và cười tít mắt. Mẹ “dừng hình” luôn. Đến lúc hai đứa không thèm nghe mẹ ru nữa rồi. Thế mà mẹ đã từng tự hào biết bao về những bài hát ru của mẹ.

 

Hồi bé, hai chàng sinh đôi nhà mình thuộc dạng khó tính trong việc ngủ nên phải phân công công việc rõ ràng. Chồng to lớn phụ trách đứa lớn, vợ gày nhom phụ trách đứa còi. Chỉ sinh cách nhau mấy phút mà hai đứa khác tính nhau hoàn toàn. Một đứa, bố vừa lắc lư vài cái, vừa ca “canh xen rồi xen canh, rồi bun xẻo ben xen” chả hiểu tiếng nước nào, thế mà cũng lờ đờ, chưa ngủ hẳn thì bố thả phịch xuống giường, vỗ bộp bộp vài cái, thế là con ngáy bố ngáy. Còn anh Bun còi, mẹ ru chán chê mê mỏi, đi đi lại lại, nếu dừng mà không bị nhăn mặt kêu “mẹ ru tiếp đi” là mừng một chút, ngồi được xuống đệm lại mừng thêm một chút, rồi nhẹ nhàng đặt được cái mông hắn xuống, sau đó đến thân và khâu cuối cùng rút được tay ra. Có tối mẹ lót đến ba lần không thành công. Đến lần thứ tư thì hắn ta nằm ngoan ngoãn, tưởng ngủ rồi mẹ thở phào, thì đột nhiên nhắn mở mắt gọi “mẹ ơi”. Mẹ tức điên lên mà chẳng dám mắng con khóc vì hắn mà khóc rồi thì còn lâu mới ngủ. Mẹ vẫn phải cố nhẹ nhàng “gì vậy con”. Hắn thì thầm “em ngủ nha”. Bao nhiêu bực bội tan biến hết. Sao trẻ con lại đáng yêu thế nhỉ. Con ngủ rồi mà mình còn cảm thấy lâng lâng mãi.

Mình nghe nói theo khoa học chứng minh thì những đứa trẻ sinh thiếu tháng nếu được nghe hát ru nhiều lần trong ngày sẽ lớn nhanh và phát triển đầy đủ. Khi nghe những âm thanh du dương dịu dàng, bé sẽ cảm thấy bình an và tin tưởng rằng luôn có người bên cạnh bé bao bọc, chở che.

Ngay từ khi mới chào đời, Bun Beo đã được nuôi dưỡng bằng những bài hát ru chan chứa tình thương. Đó là bài hát ru của ông nội. Thực sự, Bun Beo cũng không nghe rõ lời vì ông già lắm rồi, giọng hơi móm mém. Nhưng bà nội nói, ông đã ru bố Bun Beo rồi đến các cháu ngoại con bác và bây giờ đến lượt Bun Beo cũng chính bằng bài hát ru này – bài hát ru truyền thống của dòng họ. Bài hát ru của ông là sê ri thơ Tố Hữu. Ngày xưa, ông cứ ngâm xong bài “30 năm đời ta có Đảng” là ông ngủ, bố Bun Beo và bà nội cũng ngủ luôn. Bây giờ, Bun Beo khó tính hơn nên ông phải ngâm sang bài “Mẹ Suốt”.

Đó là lời ru của bà nội, mang theo nỗi nhớ của tình mẫu tử, tình yêu quê hương, đất nước và những con người quê chân chất mộc mạc. Bà có nhiều bài ru lắm. Nhưng thương bà mệt mỏi vì phải chăm Bun Beo cả ngày cho bố mẹ đi làm, Bun Beo lúc nào cũng ngủ rất nhanh, để bà có chút thời gian nghỉ ngơi.

Đó là lời ru của bố, những câu hát ru chẳng giống ai. Bố Bun Beo “ít vốn” hát ru nên thường “chế” những câu hát chẳng rõ tiếng nước nào. Lời ru chỉ có “xen xẹn”, nếu Bun Beo chưa ngủ thì chuyển sang “canh cạnh”, rồi nếu tiếp tục chưa ngủ, bố Bun Beo lại “xen xẹn”. Cứ thế cả ngày, mà Bun Beo cũng ngủ được ngon lành. Mỗi lần bố hát ru, cả nhà ai cũng phải cố nín cười.

Đó là lời ru của mẹ, những bài hát ru từ ca dao mẹ học mót từ bà ngoại. Thỉnh thoảng mẹ “bí vốn”, mẹ hát lại cả những bài nhạc trẻ nữa.

Ở mọi nền văn minh trên thế giới, các bà mẹ đều hát ru con, vì em bé hoàn toàn có thể cảm thụ được những giai điệu đó, như thể âm nhạc vốn dĩ đã luôn là một phần trong chúng ta vậy. Cuộc sống hiện đại hối hả khiến nhiều người bỏ quên những lời hát ru êm đềm. Nhưng chính những câu hát ấy, có thể chỉ là vài câu thơ ngâm hay những lời “chế” chẳng rõ ngữ nghĩa nhưng đong đầy tình thương yêu, lại là cách giúp trẻ cảm nhận rõ nhất tình yêu của mọi người dành cho bé. Đó là nền tảng để bé lớn lên thật vui vẻ, hạnh phúc với tâm hồn rộng mở. Lời hát ru giúp nuôi dưỡng nhân cách của bé sau này.

Bun Beo giờ đã lớn, có những sở thích khác như đọc sách hay kể chuyện đêm khuya. Nhưng mẹ tin, một ngày nào đó khi các con đủ trường thành, nghe được tiếng ru hời sẽ cảm thấy dòng suối ngọt ngào của tuổi thơ ùa về. Lời ru như một cánh cửa mở về quá khứ, để các con biết mình đã được bố mẹ, ông bà yêu thương, chở che trong những ngày tháng ấu thơ.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ … mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết những lời mẹ ru”

(thơ Nguyễn Duy)

Bài và ảnh: Thu Huyền
logo

Xem thêm: “Anh Gúc” (Google) chỉ là nguồn tham khảo chứ không phải là bác sĩ chuyên khoa nhi


Hãy gửi cho chúng tôi những tâm sự của bạn về chuyện gia đình, chăm sóc con cái tại đây, và đừng quên theo dõi những ý kiến chia sẻ của độc giả với bạn trên Đẹp Online nhé. 

Thực hiện: depweb

20/05/2014, 09:54