Đã được xem ballet trên nền nhạc chơi live
Còn nhớ, một trong những tranh luận sôi nổi về sự kiện công diễn vở diễn ballet cổ điển “Hồ Thiên Nga” tại Việt Nam năm 2015 là: nghệ sĩ ballet biểu diễn trên nền nhạc playback có làm giảm chất lượng của một tác phẩm ballet mẫu mực? Câu trả lời nhận được từ những người từng xem ballet tại các nhà hát dành riêng cho bộ môn nghệ thuật sang trọng này cho biết: “Tôi cho rằng, âm nhạc quyết định đến 50% thành công của một vở ballet cổ điển” – lời Tùng Dương. “Nếu một vở ballet được trình diễn theo lối kinh viện với âm nhạc chơi live, phông màn sân khấu được thiết kế dành riêng cho từng vở diễn, thì đảm bảo khán giả sẽ xem hàng trăm lần không chán”(NSND Hoàng Dũng – Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội). Tất nhiên, khán giả lần đó cũng đã được trải qua cảm giác thăng hoa đúng nghĩa, khi lần đầu, được xem ballet cổ điển giữa lòng Hà Nội.
Một hình ảnh trong vở “Carmen”
Năm nay, giới yêu nghệ thuật Hà Nội lại được dịp háo hức về sự trải nghiệm lần đầu khác về ballet, khi họ chuẩn bị được chứng kiến giữa thủ đô những trích đoạn ballet tiêu biểu trên nền nhạc chơi live, được trình diễn bởi những vũ công ngoại hạng đến từ Pháp (Vũ đoàn Ballet của Nhà hát Quốc gia Paris – nhà hát sáng giá và lâu đời nhất của ngành múa cổ điển).
Không phải là ballet cổ điển Nga, không phải một vở diễn trọn vẹn, nhưng khán giả của ballet đích thực sẽ được chiêm ngưỡng một hành trình qua nhiều thế kỷ của ballet Pháp với 9 trích đoạn tiêu biểu cho phong cách lãng mạn Pháp (cổ điển và đương đại) với: “Carmen”, “Don Quichotte”, “Giselle”, “Kẹp hạt dẻ”, “In The Night”, “Những đứa trẻ thiên đường”, “Không – em tiếc gì”, “Những nhịp đập gián đoạn của trái tim”, “Le Parc”. Giám đốc nghệ thuật Frédéric Fontan cho biết, ông xây dựng nội dung buổi công diễn Paris Ballet tại Hà Nội như một cuộc du ngoạn để khán giả Việt nam khám phá nét tiêu biểu về lịch sử và phong cách ballet Pháp.
Ai chơi nhạc cho những vũ công ngoại hạng Pháp ở Hà Nội?
Phải nói, thương thảo để đi đến kết quả có âm nhạc chơi live cho một buổi công diễn ballet bởi các vũ công ngoại hạng Pháp là một nỗ lực và đầy dụng công của nhà tổ chức. Trong 9 trích đoạn, sẽ có những trích đoạn được biểu diễn trên nền nhạc piano của nghệ sĩ dương cầm Pháp – Henri Barda. Ngoài ra, một số trích đoạn được biểu diễn trên nền nhạc được chơi bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam – dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna.
Trên nền nhạc Fauré. Ada, Bizet, Tchaikovski…, những vũ công tài năng sẽ làm sống lại câu chuyện tình huyền thoại qua những vũ điệu đắm say. Thật đáng mong chờ. Nhưng, theo tiết lộ của ban tổ chức, để có được sự “khớp nhạc” giữa các vũ công ở mãi bên kia đại dương với những nghệ sĩ Việt Nam, họ đã phải trải qua một quãng thời gian luyện tập gắt gao về kỹ thuật, nhưng đầy cởi mở trong chia sẻ.
Đặt câu hỏi cho nhà tổ chức Opal về sự hợp tác đáng giá và đẹp đẽ giữa Việt Nam và Pháp trong câu chuyện kết hợp này, bà Chi cho biết: “Hà Nội và Paris sẽ xích lại gần nhau hơn trong một đêm biểu diễn nghệ thuật, ở đó, những bất đồng ngôn ngữ được xóa nhòa, chỉ còn nghệ thuật đích thực tự do lên tiếng”.
Đáng nói, chương trình nghệ thuật đặc biệt này còn có sự góp mặt của vũ công Mathilde Froustey – vũ công ngôi sao của nhà hát San Francisco Ballet mang trong mình một phần dòng máu Việt. Chuyến về Việt Nam lần này, ngoài biểu diễn cô còn cố gắng tìm kiếm dấu vết của bà ngoại mình (là người Việt Nam) để phục dựng một phần nguồn gốc của bản thân. Đặc biệt, Giám đốc Nghệ thuật Frederic Fontan có ông nội và cha là những thương nhân Pháp sang làm ăn nhiều năm ở Việt Nam thời thuộc địa, vì thế anh có nhiều tình cảm và ký ức với đất nước này.
Bữa tiệc xa hoa của Paris Ballet sẽ diễn ra một đêm duy nhất ở Hà Nội cuối tuần – ngày 11/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Chương trình được tổ chức bởi Opal và VPBank.
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp