Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói về Cannes Lions 2024: “Là quảng cáo… nhưng không phải quảng cáo” - Tạp chí Đẹp

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói về Cannes Lions 2024: “Là quảng cáo… nhưng không phải quảng cáo”

Men's Talk

Diễn ra từ 17/06 đến 21/06 tại Pháp, Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions 2024 đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông – quảng cáo, trong đó có cả ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn Le Group kiêm người sáng lập Tạp chí Đẹp. Có hai “trường phái” sáng tạo để lại ấn tượng đối với ông, một là những ý tưởng đơn giản tới nỗi không ai nghĩ ra, còn hai là những ý tưởng mãn nhãn được hiện thực hóa bởi công nghệ tối tân. Cannes Lions năm nay vừa vặn có cả 2 “trường phái” khiến ông quan tâm đến tranh tài. Và đó là những chiến dịch nào?

Trong địa hạt quảng cáo và truyền thông sôi động, không ngừng phát triển, Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions đóng vai trò như ngọn hải đăng, soi sáng con đường cho những ý tưởng đổi mới nhất trong ngành. Ra đời từ năm 1954 và lấy cảm hứng từ Liên hoan phim Cannes, sự kiện uy tín này đã tôn vinh sức mạnh của sự sáng tạo, giới thiệu những tác phẩm xuất sắc từ những người sáng tạo tài năng. Đồng thời, với sự góp mặt 30 hạng mục thuộc lĩnh vực như “Classic”, “Craft”, “Engagement”, “Entertainment”, “Experience”, “Health”, “Strategy”… cùng màn trình làng hai giải thưởng mới mang tên “Luxury & Lifestyle” và “Lions Titanium Lions”, Liên hoan Sáng tạo danh giá nhất thế giới này tạo nên một cuộc đua sôi động, đầy kịch tính. 

Giám đốc sáng tạo của Tạp chí Đẹp – Hà Đỗ – vinh dự trở thành một trong 10 giám khảo hạng mục “Print & Publishing” trong khuôn khổ Cannes Lions 2024.

Là người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông lâu năm, đồng thời cũng là khán giả trung thành của Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ: “Về phía Việt Nam, chúng ta đã và đang tạo nên dấu ấn đáng kể trên trường đua quảng cáo sáng tạo thế giới, đơn cử như sự góp mặt của giám đốc sáng tạo Hà Đỗ từ Tạp chí Đẹp với vai trò giám khảo hạng mục ‘Print & Publishing’. Và không thể không nhắc tới 4 tài năng trẻ đã chiến thắng cuộc thi sáng tạo Young Lions ở Việt Nam và tiếp tục thi đấu tại Pháp. Nhìn các bạn check-in tại tòa nhà diễn ra sự kiện, tay cầm quốc kỳ Việt Nam, tôi nhận thấy một niềm tự hào rằng: các bạn trẻ ấy không những sở hữu tài năng tuyệt vời, mà còn có hoài bão đem bộ óc sáng tạo ‘made in Vietnam’ đó tranh tài với bạn bè quốc tế“.

Chiến dịch “Sightwalks” – Sol Cement

Chiến dịch “Sightwalks” của thương hiệu xi măng Sol Cement được thực hiện bởi Circus Grey Lima (Peru). Đây là chiến dịch giúp người khiếm thị tìm đến nơi mình muốn đến. Để làm được như vậy, thương hiệu xi măng đến từ Peru đã tạo ra dòng gạch mang tên “Sidewalk to see”, đồng thời thiết lập một hệ thống đường xúc giác giúp người khiếm thị có thể dễ dàng tìm kiếm hướng đi ở các khu vực đô thị. 

Chủ tịch Lê Quốc Vinh vô cùng bất ngờ trước ý tưởng nhân văn giúp người khiếm thị giải quyết khó khăn trong vấn đề đi lại của Sol Cement. “Chiếc cúp Grand Prix hạng mục ‘Design Lions’ hoàn toàn xứng đáng với ‘Sightwalks’. Với quy định các loại hình doanh nghiệp bằng số đường kẻ dọc, ý tưởng tinh tế này đã giúp người khiếm thị không chỉ tự chủ và độc lập di chuyển, mà còn dễ dàng nhận diện những địa điểm quan trọng thường nhật như ngân hàng, nhà hàng, bệnh viện, siêu thị… chỉ bằng cách cảm nhận và đếm số lượng gạch ngang trên một ô gạch lát.” 

Quy định ký hiệu được thể hiện trên đường lát gạch.

Sáng kiến này đã làm cho ông Lê Quốc Vinh liên tưởng đến chiến dịch “Life Extending Stickers” của siêu thị Makro Colombia hợp tác cùng Grey Colombia. Đây là chiến dịch kéo dài tuổi thọ của rau củ quả mua tại siêu thị nhờ dán lên một miếng sticker nhỏ xinh. Chúng ta thường có hành vi vứt bỏ những loại hoa quả bị xỉn màu, vì cho rằng chúng “hết tươi là hết ăn”. Tuy nhiên, hoa quả dù có ở giai đoạn nào thì cũng đều có công dụng. Do đó, miếng nhãn dán “nhỏ nhưng có võ” này giúp người tiêu dùng nhận diện mức độ chín của hoa quả một cách dễ dàng, từ đó lựa chọn phương pháp chế biến phù hợp mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhãn dán được chia thành 4 cấp độ theo độ chín như chuối xanh dùng để chiên, chuối chín vàng làm kem, chuối xuất hiện đốm đen đem chế biến kiểu tempura và chuối có lớp vỏ xỉn màu dùng làm bánh. 

Chiến dịch “Life Extending Stickers” cũng thú vị không kém so với “Sightwalk”.

Dưới đây là đoạn phim về chiến dịch “Sightwalks” của Sol Cement mà ông Lê Quốc Vinh tâm đắc:

Chiến dịch “WoMen’s Football’ của Orange

Một chiến dịch khác làm ông Lê Quốc Vinh ấn tượng không kém chính là “WoMen’s Football’ của Orange, do đơn vị truyền thông Marcel (Paris, Pháp) thực hiện. Chiến dịch này đã tận dụng công nghệ Deepfake – kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả một cách chân thực, nhằm biến đổi đội tuyển nam thành đội tuyển nữ Quốc gia Pháp, bất chấp những định kiến về bóng đá nữ. 

“Tôi cực kỳ bất ngờ, thậm chí là vô cùng sốc khi chính bản thân tôi cũng bị lừa một cách ngoạn mục khi xem chiến dịch ‘WoMen’s Football’. Họ đã phá bỏ định kiến về việc xem bóng đá nữ không thỏa mãn bằng bóng đá nam. Sử dụng chiêu thức công nghệ tối tân Deepfake, chiến dịch đã khéo léo đánh lừa thị giác người xem khi ghép cả khuôn mặt và cơ thể của đội tuyển bóng đá nữ vào các nam cầu thủ nổi tiếng ở cảnh highlight những pha ghi bàn mãn nhãn. Hàng loạt cú đá móc hiểm hóc cứ ngỡ là tiền đạo Mbappe, thế nhưng đây lại là hậu vệ Selma Bacha của đội tuyển bóng đá nữ, người đã và đang oanh tạc trên sân cỏ với 4 giải Champions League. Cú lừa thị giác đã thật sự ‘vén màn’ thực trạng chúng ta thường bị phân tâm trong cái vẻ cuồng nhiệt của bóng đá nam, mà bỏ quên đi những ‘đóa hồng’ sân cỏ. Họ không chỉ tài năng mà còn rất mạnh mẽ khi tự mình đứng trước làn sóng dư luận chống lại định kiến của xã hội”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ. 

Thủ thuật Deepfake biến đổi hình dáng và khuôn mặt cầu thủ của chiến dịch.

Ngoài ra, ông Lê Quốc Vinh còn cho biết thêm rằng bản thân vô cùng thích thú với câu chuyện và thông điệp mà những chiến dịch này mang lại. Tuy chúng đều mang tính chất quảng cáo nhưng trên thực tế không giống như vậy. Mặc dù chúng giúp chúng ta bán ra sản phẩm và dịch vụ, nhưng “bán” ở một tâm thế nhân văn, góp phần đưa ra giải pháp cho những vấn đề nhức nhối còn tồn đọng của xã hội. Từ đó, những sản phẩm cũng như dịch vụ này được đưa về đúng với bản chất của mình – chúng tồn tại nhằm giải quyết đúng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Dưới đây là video chi tiết về chiến dịch “WoMen’s Football’:

Tác giả: Khánh Duyên

04/07/2024, 16:28