Những câu chuyện ít người biết về nghề trang điểm được kể bởi nghệ sĩ trang điểm Đình Phước, một trong 10 Aterlier Makeup Artist trên toàn cầu của thương hiệu shu uemura.
Tôi có nhiều băn khoăn khi gọi Đình Phước là một chuyên gia trang điểm. Bởi anh giống một người nghệ sĩ biểu diễn hơn. Ở những sự kiện đầy màu sắc của giới thời trang và ngay cả trong lớp học giản dị nơi anh dạy nghề cho những người phụ nữ yếu thế theo chương trình cộng đồng “Sống để làm đẹp – Làm đẹp để sống” rất ý nghĩa của tập đoàn L’Oréal, cách anh đứng, cách anh nói, cách anh đưa cọ và phủ những lớp màu lên khuôn mặt người mẫu đều khiến người ta có cảm giác mình đang được xem một môn nghệ thuật đích thực.
Và bởi hơn cả một chuyên gia trang điểm, anh còn là một atelier của shu uemura. Là người Việt Nam duy nhất được chọn vào “Biệt đội siêu đẳng” gồm 10 atelier makeup artist của shu uemura toàn cầu, Đình Phước tham gia trực tiếp vào quy trình sáng tạo xu hướng và phát triển sản phẩm của thương hiệu shu uemura hàng năm. Năm 2018, makeup look do anh sáng tác lấy cảm hứng từ sự đa dạng trong tính cách người phụ nữ, sử dụng các gam màu hoàng hôn như tím, hồng, vàng, cam làm chủ đạo đã được đích thân Giám đốc Sáng tạo shu uemura toàn cầu, ngài Kakuyasu Uchiide, lựa chọn để phát triển thành bộ sưu tập giới hạn “Vibe” ra mắt toàn thế giới.
Và cũng chưa dừng lại ở vai trò đó, Đình Phước còn đảm nhận vị trí Group Retail Education của 3 thương hiệu xa xỉ shu uemura, Lancôme và YSL Beauty thuộc tập đoàn L’Oréal, công việc được những người trong nghề gọi bằng hai chữ “làm số”, hoàn toàn không liên quan với đôi tay múa cọ hay đôi mắt đã quen nhìn những sắc màu. Dường như tố chất tài hoa và sự nhạy cảm của một người mang trái tim nghệ sĩ đã giúp anh dễ dàng được yêu mến và thành công trong mọi lĩnh vực mình quyết tâm theo đuổi.
Bài viết này ghi lại cuộc phỏng vấn giữa anh và Tạp chí Đẹp. Cuộc trò chuyện đã mang đến rất nhiều bất ngờ cho người phỏng vấn, và có lẽ cũng sẽ giúp bạn đọc được mở mang tầm mắt về nghề trang điểm: hóa ra các makeup artist không chỉ trang điểm, và cũng không phải chỉ nhờ bản năng mà họ giỏi trang điểm.
Các đồng nghiệp của anh ở L’Oréal nói rằng Đình Phước là người học nhiều nhất tập đoàn, chuyện này cụ thể là thế nào?
Tôi là người rất thích mở rộng giới hạn của bản thân. Nếu không liên tục làm một điều gì đó mới, tôi sẽ tự cảm thấy chán mình. Năm 2012, khi bắt đầu với vị trí nhân viên bán hàng tại quầy shu uemura trong trung tâm thương mại Diamond Plaza, tôi vẽ ra một tấm bản đồ mục tiêu cho mình: trong 6 tháng tôi phải trở thành National Makeup Artist của shu uemura tại Việt Nam, trong vòng 1 năm phải thành Trainer, 1 năm tiếp theo nữa thành Training Manager, 1 năm tiếp theo nữa thành Certified Makeup Artist toàn cầu, sau đó là Atelier Makeup Artist và Education Manager. Cùng với các mục tiêu đó là liên tiếp những khóa học để trau dồi các kĩ năng mình chưa có. Tôi may mắn khi L’Oréal là một tập đoàn luôn sẵn sàng lắng nghe và trao quyền, hỗ trợ cho nhân viên.
Khi đã thành Atelier rồi, tôi lại nghĩ mình muốn thử sức ở vị trí kinh doanh. Giờ thì tôi là Group Retail Education của nhóm ngành hàng xa xỉ shu uemura, Lancôme và YSL Beauty. Gần đây nhất tôi còn học cả kĩ năng livestream để lên hình trong những dịp sale lớn của nhãn hàng. Luôn có cái gì đó mà mình chưa biết.
Để trở thành Certified Makeup Artist của một thương hiệu trang điểm chuyên nghiệp như shu uemura, anh phải trải qua một quá trình rèn luyện như thế nào? Nó khác gì với việc làm một makeup artist tự do?
shu uemura được sinh ra bởi một nghệ sĩ nên tất cả các kĩ thuật của thương hiệu đều mang đậm tính nghệ thuật. Để được công nhận là Certified Makeup Artist của shu uemura, nhiệm vụ của tôi là phải nhuần nhuyễn đến từng kỹ thuật chi tiết, từ chăm sóc da đến makeup và thể hiện chúng tốt nhất có thể trong một bài thi 25 phút. Tôi được đưa qua Malaysia để học kỹ thuật của cô Lisa – một thành viên của đội atelier. Tôi nhớ mình đã phải đứng liên tục từ 8 giờ sáng đến 7 rưỡi tối trong suốt 5 ngày, một thân một mình trong lớp học, tiếng Anh chưa giỏi, tập luyện đến mức ám ảnh cho tới khi những kỹ thuật đó thấm vào tim và mỗi cử động đưa tay dù nhỏ nhất cũng chính xác, tự nhiên như thể chúng phát ra từ tiềm thức.
Người Nhật có một phương pháp phát triển kĩ năng và sự sáng tạo tên là Shu Ha Ri, tôi đã học theo đúng lộ trình đó. Shu: như một con vẹt, học thuộc làu tất cả những gì được dạy; Ha: như một con khỉ, thử nghiệm mọi điều mới nhưng không xa rời những gì đã biết ở bước 1; 3. Ri: như chim đại bàng, phá bỏ tất cả, bay đi thật xa để tìm điều phù hợp nhất với mình.
Vào ngày thi, 4 chiếc máy quay được đặt ở 4 góc phòng để ghi lại toàn bộ nhất cử nhất động của tôi. Ở shu uemura, từng thao tác như cách đứng, cách đưa bông tẩy trang, cầm cọ vẽ môi, kẻ lông mày… đều phải chính xác tuyệt đối. Với tôi, đó là một kỳ thi… khủng khiếp. Nếu chỉ là một makeup artist hoạt động tự do, không mang trách nhiệm truyền đạt DNA của thương hiệu đến khách hàng, tôi sẽ không phải trải qua những giờ phút căng thẳng đến như vậy.
Nhưng anh thích điều đó chứ?
Rất thích. Tôi cảm thấy may mắn khi được học hành bài bản và nhờ đó có thể đi một con đường dài với nghề. Nếu bạn chịu khó quan sát sẽ thấy, các makeup artist Việt Nam rất giỏi, họ có bản năng, có sự nhạy cảm, có óc sáng tạo nhưng lại chưa có môi trường để được đào tạo chuyên nghiệp mà chủ yếu học theo cách nghề truyền nghề. Tuổi thọ của một makeup artist rất ngắn, chỉ khoảng 5-10 năm vì họ không đi xa được khỏi giới hạn của mình.
Lời khuyên anh dành cho những người muốn theo đuổi con đường này là gì?
Đừng bao giờ ngừng học hỏi. Đặc thù của công việc này là luôn luôn thay đổi. Tôi mất 4 năm ôn luyện để trở thành atelier của shu uemura, đều đặn mỗi năm 2 lần vào mùa xuân vào mùa thu, khi ở Nhật, khi ở New York… thực hiện các bài kiểm tra thuyết trình và shooting. Đến tận giờ vẫn phải cắp sách bút tham gia các khóa học ở nước ngoài hoặc học online khi dịch Covid-19 ập đến. Ngoài ra, nên tích lũy trải nghiệm. Công thức cho việc học hỏi của tôi là 70 – 20 – 10. 70 phần tự học bằng thực hành và chiêm nghiệm cuộc sống, 20 phần học từ ý kiến khen chê của người khác, và chỉ 10 phần từ trường lớp.
Chất nghệ sĩ cũng giống như cơ thể, theo thời gian sẽ lão hóa. Nếu mình không nuôi dưỡng nó bằng việc trải nghiệm, mình sẽ lỗi thời. Tôi thấy điều các makeup artist ở Việt Nam thiếu nhất chính là những câu chuyện mới.
9 năm trước, lý do nào khiến anh – từ một makeup artist tên tuổi gắn liền với các chương trình lớn như “Hoa hậu Việt Nam”, “Siêu mẫu Việt Nam”, thuộc thế hệ các makeup artist đời đầu như Nam Trung, Phước Lợi, có cả một cỗ máy kiếm tiền vững chắc trong tay từ studio đến beauty salon – lại chịu rời bỏ tất cả để làm một nhân viên bán hàng cho shu uemura với mức lương 6 triệu đồng/tháng?
Tôi bị hấp dẫn bởi câu chuyện quá đỗi truyền cảm hứng của ngài Shu Uemura. Ngài là một doanh nhân mang tâm hồn nghệ sĩ. Lớn lên với mơ ước cháy bỏng nhất là trở thành một diễn viên, nhưng vì tai nạn năm 15 tuổi khiến cơ mặt không còn khả năng biểu đạt cảm xúc, ngài chuyển hướng đam mê nghệ thuật của mình sang lĩnh vực trang điểm và trở thành nam makeup artist duy nhất tại Hollywood. Ngài là người đầu tiên cho ra đời khái niệm bộ sưu tập trang điểm, cũng là người đầu tiên xây dựng mô hình cửa hàng mỹ phẩm mở nơi các khách hàng có thể trực tiếp thử sản phẩm. Nhưng một trong những điều tôi ngưỡng mộ nhất ở ngài chính là tính chia sẻ. Khi thành lập trường dạy trang điểm ở Tokyo hay khi xây dựng đội ngũ 10 atelier trên toàn cầu, ngài luôn yêu cầu các học viên, cộng sự của mình phải chia sẻ tất cả mọi hiểu biết với nhau.
Năm 2012 khi shu uemura về Việt Nam, tôi không suy nghĩ gì, lập tức gạt bỏ tất cả những thứ mình đã có, nộp đơn vào vị trí bán hàng, mỗi ngày đứng 8 tiếng đồng hồ tại quầy shu uemura. Rất nhiều người đặt ra câu hỏi với tôi, họ nghĩ tôi điên rồ.
9 năm sau nghĩ lại, anh thấy quyết định của mình có sáng suốt hay không? Trở thành thành viên của một tập đoàn hay tự điều hành business trang điểm của riêng mình, đâu là con đường nhiều hứa hẹn hơn với các makeup artist?
Hầu hết các makeup artist ở Việt Nam đều đồng thời là personal business, họ tự vận hành công việc của mình nhờ các mối quan hệ cá nhân. Tôi bỏ hướng đi cá nhân, đầu quân vào tập đoàn vì mong muốn thực hiện các công việc có ý nghĩa cho cộng đồng nghệ sĩ trang điểm. Nếu chỉ có một mình, tôi sẽ không thể tổ chức được các cuộc thi như Shu Artistry.
Shu Artistry diễn ra vào cuối tháng 10/2020 được coi là một cột mốc rực rỡ đối với cộng đồng makeup artist ở Việt Nam. Là người trực tiếp lên ý tưởng và tổ chức cuộc thi này, anh có lý giải được sự thành công ngoài mong đợi của nó không?
Suốt 1 năm dài chịu ảnh hưởng vì Covid-19, các nghệ sĩ trang điểm không có việc làm, thu nhập bị sụt giảm, họ dần dần phải lái sang các công việc khác như phun xăm, nối mi, thậm chí bán hàng online để kiếm tiền. Thời điểm đó tôi cảm nhận được một nỗi sợ rõ rệt trong mình, rằng các đồng nghiệp của tôi, vì hoàn cảnh, sẽ phải từ bỏ đam mê của họ. Tôi lập tức nghĩ rằng shu uemura là một nhãn hàng được sinh ra bởi một makeup artist, sao mình không dùng chính DNA đó để tiếp lửa cho cộng đồng makeup artist ở Việt Nam, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục đam mê với nghề.
Có lẽ vì đã phải gác cọ suốt 1 năm trời nên khi cuộc thi mở ra, các makeup artist tham gia rất nhiệt tình. Chính tôi cũng không ngờ rằng tệp thí sinh đi thi lại chất lượng đến vậy, có rất nhiều người đã làm nghề lâu năm – đang là thầy của những người khác – cũng tham gia. Đêm chung kết vào ngày 31/10/2020 đối với cá nhân tôi thật sự ý nghĩa, vì sau 8 năm, cuối cùng tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình là làm một điều gì đó cho cộng đồng.
Mục tiêu tiếp theo của anh sẽ là gì?
Tôi muốn xây dựng một cộng đồng makeup artist ở Việt Nam với tên gọi Shu Artistry, không chỉ chia sẻ bí quyết, xu hướng hay các challenge để họ thực hành tay nghề mà còn cung cấp miễn phí các sản phẩm, dụng cụ trang điểm của shu uemura để hỗ trợ tốt nhất cho công việc của họ.
Để mang lại sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu cho cả 3 brand shu uemura, Lancôme, YSL trong năm 2020, cách của anh – phải nhấn mạnh là một người nghệ sĩ – là gì?
Tôi… không làm gì cả. Không có gì to tát, khi chủ động đề xuất và được L’Oréal cho cơ hội thử sức với lĩnh vực kinh doanh, tôi xuống quầy nói chuyện với từng cửa hàng trưởng, hỏi nguyện vọng của họ, những khó khăn họ đang gặp phải, làm cách nào tôi có thể làm việc ăn ý với họ. Tôi gom tất cả những chia sẻ đó, vạch ra các bước giải quyết từng vấn đề. Khi giải quyết được vấn đề con người, việc kinh doanh tự động trơn tru.
Anh có từng học về kinh doanh không?
Hoàn toàn do L’Oréal dạy, chứ ngày xưa tôi học Y Dược. Tôi từng mong muốn trở thành bác sĩ. Nhưng do gia đình có truyền thống về làm đẹp, các chị gái đều sở hữu thẩm mỹ viện, từ nhỏ tôi đã có sở thích làm đẹp cho người khác. Tôi thích tiếp xúc với những người phụ nữ có chiều sâu, có sự va chạm, từng trải và thấy họ thật thú vị. Sau 4 năm theo học nghề makeup của thầy Kevin, trưởng nhóm makeup cho TVB ở Hồng Kông, tôi về Việt Nam mở salon làm đẹp và bằng cách này hay cách khác, theo nghề đến tận giờ.
Là 1 trong 10 người trên toàn cầu có quyền can thiệp trực tiếp vào quá trình phát triển sản phẩm, sáng tạo xu hướng của shu uemura, hẳn… không phải người thường. Một cách thành thực, anh cho rằng kết quả này có được do mình may mắn sở hữu tài năng thiên bẩm hơn người, hay vẫn là nhờ công học hỏi, như anh đã nói?
Để trở thành 1 trong 10 atelier makeup artist của shu uemura, chúng tôi phải học và thi rất nhiều chứ không chỉ dựa vào những thứ có sẵn. Các khóa học của shu uemura rất đặc biệt, họ sử dụng phương pháp thôi miên trong giấc ngủ để tìm ra thiên hướng tốt nhất của từng người và phát huy. 10 người chúng tôi có 10 thế mạnh khác nhau.
Thế mạnh của anh là gì?
Là cảm nhận cái mới. Tôi có thể nhìn ra những điều sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Thiên hướng này khiến tôi được phân bổ trách nhiệm phát triển sản phẩm cho shu uemura.
Bài học nào anh nhớ nhất trong quá trình học tập để trở thành một atelier của shu uemura?
Thầy tôi, ngài Kakuyasu Uchiide, người kế thừa sự nghiệp của ngài Shu Uemura, ông là người đã phát hiện ra khả năng của tôi và muốn tôi trở thành một thành viên của đội atelier. Ngày đầu tiên tôi gặp ông ở Nhật Bản, ông giao cho tôi đề bài: đến 2 quận Ginza và Shinjuku của Tokyo, để ý tất cả những người phụ nữ trên đường. Những con đường ở Tokyo lúc yên lặng như tờ, lúc lại như đàn kiến đông đúc khi dòng người từ các ga tàu điện ngầm ùa lên. Nghe lời thầy, tôi để ý tất cả những người phụ nữ lướt qua mắt mình và nhận ra 2 quận này rất khác biệt: ở Shinjuku không có nhiều người mặc đồ hiệu, còn ở Ginza rất nhiều bạn trẻ tụ tập, họ ăn mặc rất cá tính và điên rồ.
Ngày hôm sau, tôi quay lại chia sẻ với Uchiide cảm nhận của mình. Bất ngờ thầy hỏi: còn kiến trúc thì sao? Tôi ngẩn ra, vì thầy nói quan sát người, tôi đâu có để ý kiến trúc. Sau đó tôi tiếp tục ra đường đứng. 5 ngày làm việc với Uchiide là 5 ngày tôi… đứng đường. Sau khóa học đó tôi có thói quen để ý tất cả những thứ diễn ra xung quanh mình, từ mái nhà trên đầu đến những viên gạch dưới chân. Uchiide đã khai thông khả năng quan sát của tôi và dạy cho tôi bài học rằng: người nghệ sĩ cần giữ vững lòng kiên trì trong nội lực của mình.
Hầu hết những bài học tôi được học khi trở thành aterlier đều về tâm trí. shu uemura chú tâm vào những khóa học tâm lý để người nghệ sĩ trang điểm có thể thấu hiểu cảm xúc của người khác, cảm nhận được những xu hướng sắp tới, sử dụng sự nhạy cảm của mình để ứng dụng màu sắc lên khuôn mặt… Ngay cả việc chuốt cây chì kẻ mày Hard Formula cũng đầy chất zen. Công việc này giúp chúng tôi có được 5-7 phút tập trung yên tĩnh trong một ngày bận rộn, nó luyện cho các nhân viên của shu uemura tính nhẹ nhàng, khiêm tốn, nền nã và khéo léo – những phẩm chất làm nên dấu ấn của thương hiệu.
Một atelier của shu uemura phải đạt được những tiêu chuẩn nào?
Có 4 yếu tố quyết định một người có thể trở thành atelier của shu uemura hay không: 1. Kỹ năng biểu diễn và thuyết trình trên sân khấu; 2. Kĩ năng giảng dạy; 3.Lên ý tưởng và thực hiện một photoshoot; 4.Phát triển sản phẩm. Tôi từng phải thi đi thi lại chỉ vì trượt kĩ năng thuyết trình (cười).
Nguyên tắc makeup của anh là gì?
Không có nguyên tắc nào cả, vì trang điểm vốn là một việc ngẫu hứng và cốt sao làm cho người ta cảm thấy tự tin. Nhưng tôi có quan điểm của riêng mình, đó là không bao giờ dán mí giả. Tôi tôn trọng các yếu tố trên gương mặt người mẫu và khách hàng, dù mắt họ 2 mí hay 1 mí. Tôi không thích che giấu khuyết điểm, thay vào đó sẽ phát huy ưu điểm của từng người. Thị giác con người ta chỉ nhìn tập trung được vào một điểm duy nhất, khi làm nổi bật điểm này, tự khắc những phần khác sẽ bị làm mờ.
Mỗi khi tiếp xúc với khách hàng, anh sẽ hỏi họ điều gì đầu tiên?
Tôi sẽ hỏi tên của họ và thích gọi họ bằng tên trong suốt quá trình tư vấn, trang điểm. Tôi cho rằng khi con người có thể gọi tên nhau, chúng ta đã phá bỏ được khoảng cách xa lạ ban đầu.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!