Chuyên gia Ấn Độ cảnh báo nguy cơ tái mắc COVID-19 chỉ sau 2-3 tuần - Tạp chí Đẹp

Chuyên gia Ấn Độ cảnh báo nguy cơ tái mắc COVID-19 chỉ sau 2-3 tuần

Đẹp Men +

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ tái mắc COVID-19 do nhiễm Omicron cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do “khả năng né tránh miễn dịch” của biến thể này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 10/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều lần, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ tái mắc COVID-19 do nhiễm Omicron cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do “khả năng né tránh miễn dịch” của biến thể này.

Tiến sỹ DS Rana – Chủ tịch Bệnh viện Sir Ganga Ram của Ấn Độ – cho biết: “Những người từng mắc bệnh (COVID-19) trước đó đang tái nhiễm virus trở lại. Họ có thể sẽ tái nhiễm chỉ trong vòng 2 hoặc 3 tuần, nếu virus xâm nhập cơ thể.”

Tiến sỹ DS Rana nêu rõ sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể người mắc bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, mức độ sinh kháng thể của mỗi cá nhân từng dương tính với SARS-CoV-2 là khác nhau và ở một số trường hợp thì mức độ kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh là không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm, hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp họ miễn nhiễm hoàn toàn với virus trong thời gian dài.

Theo những phát hiện trước đây, khả năng miễn dịch tự nhiên của con người vẫn ở mức cao nhất trong 3-5 tháng sau khi khỏi bệnh rồi bắt đầu giảm xuống, số lượng kháng thể ít dần và mức độ miễn dịch thấp gây ra rủi ro.

Trong khi đó, khả năng miễn dịch có được từ vaccine hiệu quả trong vòng 6-9 tháng.

Tuy nhiên, các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang trở nên “tinh ranh” hơn với khả năng “né tránh” kháng thể và lây lan nhanh tới các cơ quan trong cơ thể. Hệ miễn dịch của vật chủ theo đó không còn khả năng nhận biết và loại bỏ mầm bệnh.

Giải thích thêm về vấn đề này, Tiến sỹ Suranjit Chatterjee – chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc khoa Nội của Bệnh viện Apollo – cho biết: “Tỷ lệ tái nhiễm do Omicron cao hơn so với biến thể Delta, vì khả năng lẩn tránh kháng thể của Omicron diễn ra mạnh hơn so với Delta hoặc bất kỳ biến thể nào khác từng ghi nhận cho đến nay.”

Tuy hầu hết bệnh nhân tái nhiễm đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có khả năng lây cho người khác.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người đã nhiễm COVID-19 vẫn phải tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ bởi tiêm vaccine không chỉ để bảo vệ một cá nhân nào đó mà là bảo vệ cả cộng đồng.

Việc tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng cần có sự tham gia của những người từng mắc COVID-19.

Ngoài ra, những người đã từng mắc SARS-CoV-2 vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… để ngăn chặn COVID-19 lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi có độ bao phủ vaccine thấp hơn trên thế giới.

Tác giả: Thanh Phương (VietnamPlus)

08/02/2022, 10:40