Ăn ngon là niềm vui, còn nấu ăn ngon là một việc tích đức cho đời. Đó là điều mà cả tôi và Thảo – hai tâm hồn ăn uống – cùng tâm đắc. Thứ cảm xúc rõ ràng nhất tôi có được sau cuộc nói chuyện với cô không phải là sự háo hức khi được biết về những điều thú vị trong ẩm thực, mà là sự kìm nén cơn thèm một gói xôi lá chuối nóng hổi giữa chiều mưa.
– Phụ nữ có cần một lớp học nấu ăn như lớp của chị không, khi ngày nay họ có thể dễ dàng tìm thấy các công thức trên mạng?
Nếu chỉ đơn thuần là nấu ăn, các chị em có thể tham khảo các video và công thức hướng dẫn đầy rẫy trên mạng, món nào cũng có. Thế nhưng nấu ăn đâu chỉ đơn giản là tạo ra một món ngon. Người nấu ăn giỏi còn phải biết cân bằng nghệ thuật, dinh dưỡng và yếu tố khoa học trong từng món. Ăn quả mọng có vị ngọt như dâu tây sẽ gợi cảm giác vui vẻ, uống nước có ga giúp sảng khoái vì máu lưu thông tốt, dùng thực phẩm theo mùa sẽ vừa dinh dưỡng và an toàn… Những điều ấy không phải ai nấu ăn cũng biết được.
– Sinh năm 1990
– Người sáng lập chuỗi sự kiện “Homemade fine food”
– Chuyên gia ẩm thực
– Tư vấn chiến lược dịch vụ F&B
– Từng giữ các vị trí: Giám đốc Sản phẩm thương hiệu mỹ phẩm Shu Uemura và Lancôme, Quản lý chiến lược thương hiệu tập đoàn Wipro Unza…
– Là một người yêu đồ ăn
Ẩm thực là nền tảng để tôi kết nối những người có cùng sở thích với nhau, và trong các lớp học đó, chúng tôi không chỉ bàn về chuyện ăn gì nấu gì. Qua hướng dẫn của đầu bếp, chúng tôi còn học cách sử dụng những món đồ trên bàn ăn, biết thêm câu chuyện về các nguyên liệu hay được truyền cảm hứng để thấy nấu ăn là một niềm vui chứ không phải nghĩa vụ. Trong những câu chuyện bên lề, chúng tôi tư vấn cho nhau cách xử lý những rắc rối thường gặp của phụ nữ, kể cả chuyện làm thế nào để tạo dáng đẹp khi chụp hình. Những buổi học đó vượt ra ngoài phạm vi của căn bếp, nó là cả một thế giới thu nhỏ của phụ nữ chúng tôi.
– Các lớp nấu ăn của chị thường tập trung dạy làm đồ Tây, những món ăn cần đến sự cầu kỳ. Điều này có hơi xa vời với các bà nội trợ Việt?
Lớp học của tôi phần lớn là các bà nội trợ Việt đấy chứ. Ban đầu họ cũng nghĩ như chị, nhưng sau lại hào hứng khi tận mắt xem đầu bếp hướng dẫn. Bữa ăn được chia thành từng món phục vụ tiếp nối cùng những nguyên liệu mới mẻ khiến người Việt nghĩ món Tây cầu kỳ, khó nấu, nhưng kỳ thực, thời gian làm món khai vị salad trứng, món chính beefsteak và một món tráng miệng đơn giản có khi còn nhanh hơn nấu một nồi cá kho. Món Việt hay món Âu đều có sự cầu kỳ riêng, không nên chỉ nhìn vào bề ngoài mà so sánh như vậy.
Với tôi, ẩm thực là một thế giới phẳng. Ô liu, rượu vang, phô mai hay nước mắm… tất cả đều là những đặc phẩm đến từ từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng. Không có ranh giới nào giữa các nền ẩm thực trên bàn ăn, có chăng chỉ là những hương vị khác mà thôi.
– Theo chị, ẩm thực thể hiện phong cách sống của các nền văn hóa như thế nào?
Người Âu dùng bữa theo trình tự là món khai vị, món chính và tráng miệng. Một bữa ăn của họ có thể kéo dài đến 3-4 tiếng hoặc hơn, điều đó giúp ta thưởng thức hết nhiều tầng hương vị riêng biệt. Khi bạn ăn một món béo ngậy như gan ngỗng, đầu bếp món Âu sẽ muốn bạn ăn thêm một món tráng miệng có vị chua thanh để khẩu vị được cân bằng và tươi mới.
Sự phóng khoáng, sôi nổi của người Ý lại biểu hiện rất rõ trong các buổi tiệc. Đó là dịp họ giao lưu gặp gỡ, tạo kết nối xã hội chứ không chỉ gặp nhau vì câu hỏi “hôm nay ăn gì?”.
– Còn đâu là điểm nổi bật của ẩm thực Việt?
Chúng ta có nguồn nguyên liệu đa dạng, cách nêm nếm đậm đà và nhiều món ăn rất tốt cho sức khỏe. Món phở là sự tổng hòa của chất đạm, tinh bột và nhiều rau xanh, ấm nóng và đủ chất. Đây cũng là món ăn có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, chứng tỏ món Việt là món ăn “dễ tính”, hợp với nhiều người. Món cuốn với thịt, tôm và rau tươi ngon cùng nước chấm vừa đẹp mắt vừa tốt cho sức khỏe. Trong khi một bàn tiệc kiểu Pháp khiến ta choáng ngợp với sự cầu kỳ, thì một gói xôi lá chuối của người Việt lại mang đến cảm giác hài hòa, đẹp mắt mà vẫn bình dị.
– Nghe chị nói, tôi lại thấy thèm một gói xôi lá chuối nóng hổi với thịt gà nướng thơm phức…
Khó có thể từ chối đồ ăn ngon đúng không? Tích cực và yêu đời là nền tảng của mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, và chị có thấy ăn ngon là cách dễ nhất để có được những cảm xúc này? Nấu ăn ngon là một việc tích đức cho đời vì chúng ta đã mang niềm vui đến cho người khác. Bạn bè thường hỏi tôi nên mua quà gì tặng cho chồng, bạn trai, tôi nói: “Tại sao không nấu ăn?”. Mỗi món quà đều có một ý nghĩa riêng, nhưng tôi tin chẳng ai chê đồ ăn ngon cả.
– Cũng có nghĩa rằng không biết nấu ăn là một thiếu sót rất lớn với phụ nữ phải không?
Tôi nghĩ không có ai là không biết nấu ăn, chỉ là họ chưa tiếp xúc nhiều, chưa hiểu được những điều kỳ diệu của việc nấu ăn để cảm thấy hào hứng xắn tay vào bếp.
– Những điều kỳ diệu đó là gì?
Đối với tôi, bữa ăn là khoảng thời gian vui nhất trong ngày, là lúc không phải làm việc hay suy nghĩ, là một niềm vui đơn giản mà đắt giá. Tôi ủng hộ việc nấu ăn ở nhà vì đây không đơn thuần là chuyện “nữ công gia chánh” mà còn là cách nuôi dưỡng hạnh phúc, giữ được khoảng thời gian quý báu để gia đình bên nhau.
– Món ngon có phải là liều thuốc hữu hiệu nhất khi chị buồn?
Một phần thôi. Để giải quyết triệt để nỗi buồn, tôi chỉ có thể dựa vào chính mình. Tôi là người khá tự tin vào khả năng của bản thân, đôi khi sự tự tin thái quá ấy khiến tôi gặp thất bại. Những lúc ấy tôi luôn cố gắng giữ bình tĩnh, tập trung vào điều tích cực và tự rút kinh nghiệm để bắt đầu lại từ đầu. Thay vì giữ trong lòng những điều phiền muộn, tôi chọn cách tâm sự với gia đình để giải phóng cảm xúc. Sự động viên của gia đình luôn là nguồn lực lớn nhất mà tôi có được.
Món ăn yêu thích?Pate, phô mai, sashimi cá hồi, cơm gà Hội An.
Và không thích?
Sầu riêng, na, các món cay.
Món Việt sở trường?
Giả cầy.
Khi buồn sẽ thích ăn gì?
Những món không phải nhai nhiều.
Còn khi vui?
Món gì cũng ngon.
Sản xuất: Hạnh Nguyên
Nhiếp ảnh: Samson Nguyễn