Chuyển động kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai “In Motion” - Tạp chí Đẹp

Chuyển động kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai “In Motion”

Thời Trang

“In Motion” nằm trong chuỗi sự kiện Hermès Heritage – Di sản của Hermès, bên cạnh các triển lãm khác như “Harnessing the roots” và “Rouges Hermès”. Cuối tháng 10 vừa qua, triển lãm này lần đầu đến Việt Nam, được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đẹp đã có cơ hội trò chuyện cùng cô Marie-Amélie Tharaud – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn của Hermès (Conservatoire des Créations Hermès) về quá trình lên ý tưởng và thực hiện triển lãm này.

Cô Marie-Amélie Tharaud – Giám đốc trung tâm bảo tồn của Hermès

Cô có thể chia sẻ lý do vì sao Hermès chọn tên gọi “In Motion” cho triển lãm này?

Chúng tôi chọn cái tên “In Motion” để thể hiện ý tưởng về chuyển động, bởi Hermès luôn hướng đến sự dịch chuyển, những chuyến du hành với những sản phẩm góp phần tạo nên trải nghiệm đặc sắc trong từng chuyến đi. Ý tưởng về “In Motion” được thể hiện theo nhiều góc nhìn khác nhau, kết nối từ thế kỷ 19 đến hiện tại và tương lai. Chẳng hạn, nó còn được thể hiện qua những sản phẩm mà Hermès sáng tạo cho hoạt động thể thao từ những thập niên đầu thế kỷ 20.

Tác phẩm “Animal Imaginaire Tactile”

“In Motion” đã “chuyển động” đến những quốc gia nào trên thế giới? Và tại Việt Nam, triển lãm có điều gì khác biệt?

Trước Việt Nam, “In Motion” đã được tổ chức tại Singapore, Busan và Thượng Hải. Không gian triển lãm tại bất kỳ nơi nào cũng gồm 5 căn phòng với những đồ vật như vậy, tuy nhiên, ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng tôi có trưng bày một tác phẩm nghệ thuật mang tên “Animal Imaginaire Tactile” ngay lối vào. Đó là con vật trong trí tưởng tượng của nghệ sĩ Christian Astuguevieille với bộ dây cương đặc biệt được làm bởi những người thợ ở xưởng petit H của Hermès. Tác phẩm này được hoàn thành vào năm ngoái, dành riêng cho Hermès, và đây là lần đầu tiên nó được trưng bày trong triển lãm “In Motion”.

Triển lãm “In Motion” của Hermès tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội

Những vật phẩm như thế nào sẽ được Hermès lựa chọn cho triển lãm này?

Chúng tôi làm việc với Bruno Gaudichon, nhà giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật và Công nghiệp “La Piscine” tại Roubaix, Pháp. Mặc dù không phải là “người nhà” của Hermès nhưng ông đóng vai trò quan trọng trong việc biến ý tưởng về các triển lãm trong chuỗi sự kiện Hermès Heritage thành hiện thực. Ông đã cùng chúng tôi lựa chọn những đồ vật gắn liền với nhiều mốc thời gian khác nhau thuộc Bộ sưu tập Bảo tồn của Hermès, bộ sưu tập Èmile Hermès và bộ lưu trữ, sắp xếp chúng trong những không gian trưng bày nhằm mang đến sự bất ngờ cho khách tham quan.

Triển lãm “In Motion” của Hermès tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội

Điều gì làm nên sự khác biệt cho “In Motion” trong chuỗi sự kiện Hermès Heritage?

“Rougues Hermès” là triển lãm những đồ vật theo chủ đề màu đỏ, “Harnessing the Roots” là những món đồ xoay quanh chú ngựa – “khách hàng” đầu tiên của Hermès. Còn triển lãm “In Motion” mang tính ý niệm nhiều hơn, hướng đến những cuộc hành trình, yếu tố cốt lõi trong giá trị thương hiệu. Qua triển lãm này, khách tham quan cũng sẽ hình dung được những chuyến đi của thời đại cũ, khi các phương tiện di chuyển chưa tiện nghi như hiện nay.

Chiếc túi Kelly ngựa gỗ được làm cho cửa sổ trưng bày của cửa hàng Hermès ở Paris
Chiếc bàn gấp Pippa (2016) được lấy cảm hứng từ sa bàn chiến dịch của các sĩ quan quân đội, làm bằng da và gỗ
Mô hình máy bay tái hiện hình ảnh chiếc máy bay cánh kép từ những thập niên cũ

Món đồ yêu thích nhất của cô trong triển lãm này là gì?

Đó là chiếc túi Bolide Picnic, một trong những thiết kế túi xách lâu đời nhất tại Hermès, ra đời vào năm 1923. Ban đầu, nó được làm cho bà Julie Hollande, vợ của ngài Émile Hermès. Điểm đặc sắc của túi Bolide nằm ở chi tiết khóa dây kéo. Hermès là một trong số ít những thương hiệu đầu tiên ứng dụng khóa dây kéo trong túi xách vào thời điểm ấy. Trong triển lãm “In Motion”, Bolide Picnic xuất hiện ở phiên bản mới ra mắt cách đây 3 năm với những biến tấu độc đáo nhưng vẫn giữ được tinh thần của chiếc túi nguyên bản từ cách đây gần 100 năm.

Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!

Tác giả: Tuấn Anh

21/12/2019, 07:00