Chuyển đổi kinh doanh, vàng có loạn giá? - Tạp chí Đẹp

Chuyển đổi kinh doanh, vàng có loạn giá?

Tin Tức

Chuẩn bị để chơi với vàng

Một DN kinh doanh vàng bạc từng có thương hiệu riêng ở phía Bắc cho biết, đã nâng cấp và chuẩn hóa lại toàn bộ hệ thống để tạo ra diện mạo mới. DN này cho rằng, việc kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều mà thậm chí sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng kinh doanh trong năm tới. Thiết lập lại kinh doanh vàng có thể gây ra những xáo động ban đầu về đầu tư, chuyển đổi nhưng sẽ là cơ hội cho các DN có năng lực.

Hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và Vietinbank với yêu cầu mở các điểm giao dịch tại các tỉnh xa thiếu các DN đăng ký kinh doanh vàng cũng đã gấp rút chuẩn bị. Dù trước đây không đẩy mạnh kinh doanh vàng miếng nhưng với lợi thế về hệ thống mạnh và kinh nghiệm kinh doanh tiền tệ nên việc kinh doanh vàng sẽ không có nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TienphongBank, Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc Doji đều nằm trong danh sách kinh doanh vàng miếng cho biết, thời gian qua cả hai đơn vị này đã rộng mạng lưới, thiết lập hệ thống tại hầu hết các tỉnh thành lớn. Riêng Doji đã có 40 điểm. Doji đã hỗ trợ Tienphongbank trong công tác chuẩn bị cả về nguồn lực, đào tạo… chuẩn bị cho cuộc chơi dài hạn với vàng.

Theo ông Phú, chuẩn bị kinh doanh vàng miếng ngoài đầu tư hạ tầng, đào tạo con người thì quan trọng nhất là công tác quản trị rủi ro. Điều này đòi hỏi phải nâng cao được năng lực của đội ngũ nhân lực, công tác quản lý. Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống phần mềm quản trị trên toàn hệ thống theo mô hình quản lý trạng thái tập trung. Điều này có thể hiểu là bất cứ giao dịch nào cũng phải gửi thông tin tức thời về hội sở để giám sát và mọi điều hành của lãnh đạo sẽ được chuyển tải tới mọi điểm mua bán.

Ông Phú lấy ví dụ, nếu có 20 điểm giao dịch, mỗi điểm có 50 lượng để đáp ứng nhu cầu giao dịch thì có 1.000 lượng. Hệ thống càng mở rộng thì lượng vốn lưu động càng lớn. Nếu quản lý, điều phối không tốt thì sẽ chỗ thừa chỗ thiếu, kém hiệu quả và đối mặt rủi ro.

“Rủi ro lớn nhất là biến động giá, nhất là các địa bàn xa trung tâm. Cả hệ thống phải luôn luôn bám sát, trạng thái phải kiểm soát”, ông Phú nói.

NHNN quy định về quản lý rủi ro rất chặt, áp trạng thái qua đêm chỉ 2% vốn tự có. Giả sử ngân hàng có vốn 5 ngàn tỷ thì 2% chỉ hơn 100 tỷ đồng, khoảng 2.000 lượng vàng và giá vàng tăng giảm lớn nhất trong lịch sử là giảm 10% trong một ngày thì quy mô đó ngân hàng hoàn toàn kiểm soát được rủi ro.

Tuy nhiên, theo ông Phú, điều quan trọng là DN phải tự kiểm soát theo nguyên tắc không say sưa quá đà. Bản thân Doji trước đây cũng kiểm soát trạng thái qua đêm, ít khi để vượt khỏi ngưỡng cảnh báo rủi ro.

Với quy định mới, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Điều này sẽ hạn chế những chủ thể không đủ điều kiện nhưng mở ra cơ hội cho các DN xây dựng được điều kiện kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Kinh doanh vàng rất phổ biến nhưng để làm lớn và bài bản không dễ. Chơi với vàng luôn phải cảnh giác vì đó là “con ngựa bất kham”.

Những đánh đổi

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là việc thay đổi hệ thống phân phối, trong đó có chuyện loại bỏ hàng ngàn điểm kinh doanh có ảnh hưởng đến cung cầu, tác động lên giá cả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này rất khó xảy ra vì nhu cầu vàng trong dân hiện nay khá ổn định. Thậm chí thời gian qua việc mua vàng miếng đang có dấu hiệu giảm khi người dân đang theo dõi các diễn biến trước các quy định mới của nhà nước và cảnh giác trước việc giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau quá lớn.

Theo ông Phú, việc rút lui của hàng ngàn điểm kinh doanh vàng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cung cầu. Đây thường là những điểm nhỏ lẻ nên lượng vàng nắm giữ không lớn, hoặc chỉ là phân phối lại cho các chủ hàng vàng lớn. Hơn nữa, lượng vàng tồn quỹ tại các điểm kinh doanh này nếu có sẽ chuyển sang dạng vàng nằm trong dân và họ sẽ chọn thời điểm thích hợp bán ra có lợi nhất.

Ông Phú cho rằng, nhu cầu vàng sắp tới có thể thấp hơn vì các ngân hàng qua thời điểm tất toán huy động và cho vay vàng, còn người dân sẽ chờ đợi để mua vàng ở thời điểm hợp lý nhất.

Thời điểm hiện nay, nhiều người không coi vàng là kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Một là họ nhìn thấy giá còn nhiều biến động phức tạp khi hệ thống kinh doanh đang chuyển đổi. Bên cạnh đó, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao khiến người mua có thể đứng trước rủi ro khi giá trở lại thăng bằng, không còn độ lệch 4,5 – 5 triệu nữa.

Kinh nghiệm kinh doanh vàng lâu năm, ông Phú phân tích, trước đây mua vàng quá đơn giản, dễ dàng như đi chợ mua thực phẩm. Một khi thiếu đi sự kiểm soát chặt chẽ ngay từ nhà nước, đến chủ thể kinh doanh… thì sẽ dần đến những bấp cập. Nay chuyển đổi theo quy định mới thì cả ba chủ thể là quản lý, kinh doanh và người mua đều phải tự điều chỉnh.

Riêng đối với người tiêu dùng, sự thay đổi này cũng sẽ khiến họ phải điều chỉnh hành vi. Trước đây, nếu chúng ta gặp khá nhiều điểm bán vàng, dễ dàng mua nhưng lại không được cam kết về mặt chất lượng, mua ở đâu thì phải bán ở đó; rồi vàng giả, kém chất lượng… khó kiểm soát.

Đến nay, các điểm kinh doanh vàng phải đủ điều kiện thì trước hết người tiêu dùng hưởng lợi vì họ mua bán ở nơi đã đăng ký, đã được kiểm tra, đã và đang được giám sát. Bản thân những đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với sản phẩm bán ra, có trách nhiệm mua lại… Một khi hệ thống được kiểm soát, phương tiện hành nghề đều phải được đăng ký, đủ tiêu chuẩn, giá phải công khai.

Ví dụ, trước đây việc công bố giá vàng hoàn toàn do các chủ cửa hàng tự do, ghi bất cứ nới nào trên tờ giấy, bảng gỗ thì nay phải niêm yết giá chính thức, trên bảng điện tử và mua bán có hóa đơn. Qua đó, giảm thiểu tình trạng đầu cơ trục lợi, mua bán tù mù, ép giá cục bộ…

Tất nhiên, khi hệ thống mạng lưới thu hẹp, sẽ khó khăn hơn về độ phân bố các đại lý và khoảng cách địa lý khi đi mua bán. Nhưng với sự tham gia của các ngân hàng thì hầu tất cả các thị trấn thị tứ đều có các điểm giao dịch vàng để thay thế được sự thiếu hụt này. Vì thế, những lo ngại về thiếu hụt khó khăn về khoảng cách địa lý sẽ không đáng kể

Hơn nữa, với một người dân,có 45 – 47 triệu đồng là cả một câu chuyện lớn và họ sẵn sàng lên phố huyện, đi mấy cây số để tìm được một địa điểm giao dịch hợp pháp, đảm bảo được quyền lợi của họ. Vì giao dịch vàng không phải quá thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như xăng dầu, lương thực… để chạy ra đầu ngõ mua. Vàng là vấn đề tài sản, tích lũy, người dân luôn có xu hướng tìm một địa điểm để giao dịch đảm bảo tài sản của họ. Sự đánh đổi về trong thuận tiện, dễ dãi trong mua bán để có được sự đảm bảo chất lượng, an toàn là điều dễ dàng chấp nhận. Hơn nữa, về lâu dài, hệ thống này còn mở rộng nên nhu cầu người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn.

Theo VEF

Thực hiện: depweb

10/01/2013, 08:50