Khởi quay từ cách đây 5 năm. Nguyễn Thị Thắm đã mất tới 13 tháng rong ruổi theo gánh hát của “chị Phụng”, nhưng không liên tục, mà là một hành trình đứt – nối tuỳ theo kinh phí và điều kiện cho phép. Từ 70 giờ quay, Nguyễn Thị Thắm đã chọn lọc để gửi đến khán giả 86 phút ngắn ngủi.
Bộ phim được kể bởi một người giấu mặt – sau hình ảnh tự quay – đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Cô chia sẻ, gánh hát lô tô hội chợ như một phần ký ức tuổi thơ của mình. Bộ phim không chỉ tái hiện lại hành trình mưu sinh của một gánh hát “pê đê”, nó còn mang đến hình ảnh nhiều không gian sống của những vùng quê nghèo êm ả với các phương tiện giải trí “xa lạ” với người thành phố.
Theo chia sẻ của nữ diễn viên Hồng Ánh, bộ phim đã có 60 suất chiếu ở Tp.HCM. Tại Hà Nội, phim có 21 suất chiếu, diễn ra trong 5 ngày từ 29/12 – 31/1/2015 và từ 2/1/2015 – 3/1/2015 (vào các khung giờ: 17g, 18g45, 20g30). Riêng ngày 3/1, phim có 6 suất chiếu: 9g, 11g, 13g30, 15g30, 17g30, 19g30. Mỗi suất chiếu có khoảng 240 -250 ghế ngồi.
Khán giả có thể mua trực tiếp vé tại Trung tâm văn hóa Pháp.
Chiều 29/12, 3 suất chiếu đầu tiên của “Những chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” luôn chật kín khán giả. Từ nhiều ngày trước, khi thông tin bộ phim tài liệu này được mang ra thủ đô, nhiều người đã đăng ký mua vé sớm..
Việc chọn địa điểm phát hành là Trung tâm Văn hóa Pháp tạo nhiều cơ hội cho bạn trẻ gặp gỡ “chị Phụng” hơn. Bởi đây là trung tâm thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, thu hút giới trẻ, trí thức ở Hà Nội.
Khán giả thuộc nhiều thành phần, từ các bạn trẻ, người trung niên, người nước ngoài…
“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” nhưng lại là chuyến đi đầu tiên của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm, cũng là chuyến đi đầu tiên của Hãng phim Blue của nữ diễn viên Hồng Ánh, trong việc phát hành phim tài liệu đến đông đảo công chúng.
Hình ảnh của buổi công chiếu đầu tiên tại Hà Nội, chiều 29/12
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Hải Khôi, Blue